Đúng ngày lễ Giáng sinh, tôi và đồng nghiệp nhận được tháng lương cuối của năm 2024 cùng tháng lương thứ 13.
Như mọi năm, phòng nhân sự luôn giữ lại một phần lương để nộp thuế thu nhập cá nhân theo quy định của luật. Phần giữ lại đó chiếm một khoản đáng kể.
Dù đã biết trước phải trích lương để nộp thuế, một đồng nghiệp của tôi vẫn phàn nàn, cuối năm được thêm một tháng lương mà phải nộp thuế nhiều quá. Với tôi, chị còn nói thêm “lẽ ra những người như anh nên được miễn hoặc giảm loại thuế này”.
Đã không ít lần chị nêu quan điểm như thế. Theo chị, sự nỗ lực của người khuyết tật trong khi làm việc bao giờ cũng nhiều hơn những người không khuyết tật. Họ cũng chịu nhiều chi phí hơn trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày, chưa kể có những người còn là trụ cột, chịu gánh nặng gia đình.
Tôi hiểu sự đồng cảm của chị dành cho người khuyết tật, nhưng không nhất thiết phải áp dụng với những người có thu nhập tương đối như tôi. Quan điểm của chị sẽ hoàn toàn hợp lý và nhân văn cho đa số người lao động khuyết tật khác có thu nhập phải chịu thuế nhưng ở mức trung bình hoặc thấp.
Hiện nay, người khuyết tật được quan tâm bởi một số chính sách từ quốc gia hay các quy định riêng từ ngành và địa phương với những ưu đãi như miễn vé xe buýt, vé tàu điện hoặc được giảm giá vé máy bay, được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí, nhận trợ cấp theo tình trạng khuyết tật… Trong lĩnh vực thuế thu nhập cá nhân (TNCN), từ trước tới nay, người khuyết tật vẫn đang thực hiện nghĩa vụ đóng thuế theo các quy định chung.
Theo luật hiện hành, thuế TNCN áp dụng cho người khuyết tật và người không khuyết tật không có sự khác biệt nào. Như tất cả đối tượng chịu thuế, người khuyết tật phải tuân thủ luật thuế TNCN với các bậc thuế suất lũy tiến từ 5% đến 35% tùy vào mức thu nhập. Mức giảm trừ gia cảnh cũng tương tự đang áp dụng chung: 11 triệu cho bản thân người nộp thuế và 4,4 triệu cho mỗi người phụ thuộc.
Hiện nay chưa có số liệu thống kê chính thức về mức thu nhập trung bình động từ lương và các nguồn khác của người khuyết tật trên toàn quốc. Tuy nhiên, qua các đợt tuyển dụng tại các hội chợ việc làm dành cho người khuyết tật ở hai thành phố lớn Hà Nội và TP HCM, mức lương được đề xuất thường dao động từ 10 đến 16 triệu đồng/tháng cho các vị trí yêu cầu có trình độ, tay nghề, kỹ năng và kinh nghiệm. Mức lương như thế cùng các khoản phụ cấp, thưởng hàng năm hoàn toàn nằm trong khung chịu thuế TNCN.
Việc không phân biệt thuế suất áp dụng trong chính sách thuế TNCN giữa người khuyết tật và không khuyết tật có thể đang tạo ra cảm giác bất bình đẳng. Trong cuộc sống và công việc, hầu hết người khuyết tật gặp nhiều khó khăn hơn, dành nhiều chi phí mua sắm các thiết bị và công cụ hỗ trợ đặc biệt cho tình trạng khuyết tật (xe lăn, xe máy chuyên dụng, nạng, nẹp chân, máy trợ thính, gậy dò đường…) và chăm lo cho điều kiện sức khỏe của họ. Mức thu nhập từ lương của họ cũng thấp hơn khi không có nhiều cơ hội trong tìm kiếm việc làm phù hợp.
Nhiều quốc gia trên thế giới đang áp dụng chính sách thuế TNCN khá linh hoạt như miễn thuế một phần thu nhập hay áp dụng các khoản giảm trừ đặc biệt nhằm tạo ra những ưu đãi cho riêng người lao động khuyết tật. Tại Mỹ, người khuyết tật vẫn trả thuế TNCN trên tiền lương nhận được như các công dân có việc làm khác nhưng có những quy định đặc biệt và các khoản tín thuế dành riêng cho thu nhập kiếm được (Earned Income Tax Credit – EITC) để giảm gánh nặng về thuế cho họ. Đức là một trong những quốc gia ở châu Âu quan tâm nhiều về hỗ trợ cho người khuyết tật khi cho phép họ nhận được một khoản giảm thuế cố định (Disability Tax Reduction) từ 310 euro đến 2.840 euro tùy thuộc vào tình trạng và mức độ khuyết tật của họ. Ở châu Á, Singapore đã và đang thực hiện chương trình Giảm trừ cho người phụ thuộc bị khuyết tật (Handiccapped Dependant Relief) chấp thuận cho người vợ hoặc chồng là người khuyết tật được giảm trừ số tiền SGD 5.500 trong tổng số thu nhập chịu thuế. Ấn Độ, một trong những quốc gia có số lượng người khuyết tật cao, gần 2,7 triệu người cũng có chính sách ưu tiên để người khuyết tật được giảm thuế thu nhập tới 125.000 INR, khoảng 1.500 USD.
Việt Nam là một quốc gia đang phát triển với các chính sách kinh tế và xã hội có nhiều đổi mới, do vậy cũng đang được mong đợi tạo ra những chính sách hoặc chương trình ưu đãi thuế TNCN dành riêng cho người khuyết tật như các quốc gia tiến bộ nói trên. Cần có một thống kê cụ thể về số lượng người khuyết tật phải đóng thuế TNCN và tiến hành nghiên cứu, thu thập dữ liệu chi tiết về vấn đề này để có đánh giá đúng và đầy đủ, làm cơ sở xây dựng chính sách hỗ trợ phù hợp.
Người khuyết tật hiểu rõ ý nghĩa của việc đóng thuế thu nhập cá nhân và tuân thủ nghĩa vụ đó để góp phần cân bằng chênh lệch xã hội, làm tăng trưởng nền kinh tế và tạo ra công ăn việc làm cho người lao động, đảm bảo cuộc sống đầy đủ hơn cho những đối tượng có gia cảnh khó khăn bằng các chính sách phúc lợi. Nhưng một khi chính họ được xem là đối tượng thuộc nhóm yếu thế trong xã hội, cần được quan tâm và hỗ trợ thì cần có chính sách về thuế TNCN hợp lý để giảm bớt gánh nặng về tài chính, cải thiện chất lượng cuộc sống và khuyến khích họ tích cực tham gia vào lực lượng lao động của xã hội.
Hà Đức Trí
Nguồn tin: https://vnexpress.net/danh-thue-nguoi-khuyet-tat-4835594.html