Bà tôi năm nay hơn 90 tuổi, vẫn minh mẫn và có thể tự chăm sóc bản thân. Bà có nhà riêng, sống cạnh con cháu, nhưng mong muốn có người đỡ đần thêm vào ban đêm. Vậy nên nhiệm vụ tìm giúp việc cho bà được đặt lên hàng đầu.
Nhưng nhiều năm nay, hành trình “việc tìm người” của gia đình tôi trở thành bộ phim không hồi kết. Rất nhiều người đã tới làm, qua trung tâm hoặc người quen giới thiệu, người lâu nhất được vài tháng, ngắn nhất chỉ vài ngày. Mức lương cho giúp việc khoảng 8-10 triệu, chưa kể chi phí ăn uống và sinh hoạt nhưng vẫn không giữ chân được người làm. Mỗi lần trống người, con cháu xoay xở thay nhau, nhưng bà không muốn phiền, mà mong có dịch vụ chăm sóc người già chuyên nghiệp.
Gia đình tôi có lẽ không vất vả như nhiều nhà khác. Mẹ tôi có vài người bạn, vì hoàn cảnh, không có con hoặc con cái ở xa. Ở độ tuổi ngoài 80, hai ông bà tự lo liệu khi ốm đau, tự đưa nhau đi viện. Không phải gia đình nào cũng có khả năng thuê giúp việc.
Việt Nam bước vào giai đoạn già hóa dân số từ năm 2011. Theo dự đoán, năm 2036, Việt Nam sẽ trở thành xã hội già với tỉ lệ người cao tuổi (trên 60) đạt 18%; và là xã hội siêu già vào 2050 với khoảng 25% người cao tuổi. Tại Nhật Bản, thời gian chuyển từ tình trạng già hóa dân số sang xã hội già là 24 năm, ở Việt Nam, con số này là 21 năm. Quỹ Dân số Liên hợp quốc đánh giá Việt Nam nằm trong nhóm 10 quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất trên thế giới.
Về chất lượng, tuy tuổi thọ người Việt tăng lên đáng kể nhưng người già nói chung chưa được tiếp cận các điều kiện chăm sóc tốt. Theo Ủy ban Người cao tuổi, 70% người già ở Việt Nam không có thu nhập ổn định và 30% không có bảo hiểm y tế. Theo Bộ Y tế, trung bình người già sống 14 năm trong tình trạng không khỏe mạnh và mang gần ba loại bệnh. Bên cạnh các bệnh lý lão khoa thông thường, các nghiên cứu gần đây cho thấy người già Việt Nam hiện mắc nhiều bệnh mãn tính hơn, đặc biệt, các vấn đề sức khỏe tâm thần cũng trở nên phổ biến.
Những thống kê đáng lo ngại trên là minh chứng cho hiện tượng “chưa giàu đã già” mà Việt Nam đang đối mặt. Thu nhập quốc gia (GDP) trên đầu người của Nhật Bản năm 1994, khi nước này bước vào xã hội già, là 40.000 USD. Trong khi đó, mục tiêu GDP đầu người của Việt Nam năm 2030 là khoảng 7.000 USD và năm 2035 là 10.000 USD. Như vậy, Việt Nam sẽ không đạt được mức tăng trưởng kinh tế như Nhật Bản khi chuyển sang xã hội già. Trong khi đó, chi phí chữa bệnh cho người già thường cao hơn 7-8 lần so với chi phí chữa trị cho người trẻ.
Ở Việt Nam, theo truyền thống Á Đông, con cái thường gánh vác trách nhiệm chăm sóc cha mẹ, một phong tục lâu đời được nhiều chuyên gia khuyến khích vì những lợi ích rõ rệt đối với sức khỏe tinh thần của người cao tuổi. Tuy nhiên, với sự gia tăng nhanh chóng của nhóm người trên 80 tuổi, chính thế hệ con cái giờ đây cũng trở thành người già cần được chăm sóc, tạo nên tình huống nhiều thách thức cho cả gia đình và xã hội. Nếu con cái đang ở tuổi lao động, việc chăm sóc người già đòi hỏi thời gian và sức lực, trong khi thu nhập của người chăm bệnh giảm sút hoặc mất đi do không thể đi làm.
Gần đây, văn phòng nội các Nhật Bản tích cực chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm về vấn đề già hóa dân số với Việt Nam trong khuôn khổ Sáng kiến Sức khỏe và Phúc lợi Châu Á (AHWIN). Từ năm 2000, Nhật Bản triển khai Hệ thống Bảo hiểm Chăm sóc dài hạn (LTCI), chuyển từ cung cấp dịch vụ do chính quyền quyết định sang cung cấp dịch vụ hỗ trợ và chăm sóc người già theo nhu cầu cá nhân. Hệ thống này mở rộng phạm vi bảo hiểm, chi trả cho dịch vụ chăm sóc y tế dài hạn, điều dưỡng tại nhà, phục hồi chức năng ngoại trú, cho thuê thiết bị hỗ trợ và nhà nhóm nhỏ cho người mắc chứng mất trí nhớ.
Điểm sáng tạo nổi bật của chương trình này là việc mở rộng phạm vi bảo hiểm không chỉ cho người cao tuổi mà còn cho người chăm sóc, bao gồm con cái hoặc các thành viên khác trong gia đình. Thông qua các dịch vụ hỗ trợ như tắm rửa cho người bệnh, nấu ăn, và dọn dẹp tại nhà, cùng với cung cấp tài chính và đào tạo chuyên sâu cho người chăm sóc, chương trình không chỉ giúp giảm bớt căng thẳng cho người chăm sóc mà còn nâng cao chất lượng hỗ trợ người cao tuổi. Chính sách này được thiết lập sau nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, sau tuổi 40, hầu hết người dân Nhật Bản sẽ phải chăm sóc cha mẹ, do đó nhu cầu có thêm hỗ trợ từ xã hội tăng lên.
Với bối cảnh Việt Nam, có lẽ không còn quá sớm để nghiên cứu triển khai mô hình này. Dân số già kéo theo sự thiếu hụt về lực lượng lao động, bao gồm cả điều dưỡng, y tá trong lĩnh vực lão khoa. Mô hình nhà dưỡng lão ở Việt Nam chưa phát triển và chắc cũng không thể thành xu hướng do các yếu tố xã hội và văn hóa. Do vậy, một chương trình bảo hiểm toàn diện hướng tới người cao tuổi lẫn người chăm sóc sẽ phù hợp với hoàn cảnh của Việt Nam.
Chăm sóc người cao tuổi dựa trên ba trụ cột chính là gia đình, cộng đồng và nhà nước. Với nhà nước, chất lượng tăng trưởng kinh tế sẽ quyết định mức độ hào phóng của các chính sách an sinh xã hội. Trong cộng đồng, các câu lạc bộ hưu trí, nhóm sinh hoạt tập thể, và trung tâm chăm sóc người già cần được mở rộng. Ở gia đình, mỗi cá nhân cần ý thức rõ vòng tuần hoàn sinh – lão – bệnh – tử và chuẩn bị chu đáo cho tuổi già. Mỗi người cao tuổi hạnh phúc sẽ góp phần vào sự khỏe mạnh của cả một xã hội già hóa.
Cẩm Hà
Nguồn tin: https://vnexpress.net/chua-giau-da-gia-4826883.html