Năm nào cũng thế, cứ chuyển mùa là nhiều người đổ bệnh, chủ yếu là trẻ em và người già.
Trẻ em mắc các bệnh về đường hô hấp như viêm phế quản, viêm phổi… người già còn mắc thêm cả bệnh tim mạch. Bệnh nhân sụt sịt bảo nhau “giời độc quá”.
Trời bây giờ chưa lạnh cũng không còn quá nóng, thậm chí tiết thu đang mát mẻ, khắp nơi các nhiếp ảnh gia say sưa chụp ảnh những tia nắng thu xuyên qua vòm lá… cớ sao lại “đổ cho” thời tiết khắc nghiệt.
Nhưng chính là nó. Bụi. Trong không khí có nhiều bụi thì ánh sáng mới rõ nét thành tia (giới nhiếp ảnh gọi là có ray). Bụi là nguyên nhân gây ra bệnh lý hô hấp và tim mạch khi tiết trời vào thu ở miền Bắc. Tác nhân này thỉnh thoảng bùng lên thành nỗi lo cho cả cộng đồng rồi lại bị quên lãng, thay vì được nghiên cứu để cải thiện, nên cứ đến mùa lại lơ lửng bay lên, gây bệnh cho con người.
Thời tôi đi học, môn vệ sinh dịch tễ chú trọng đến vấn đề phân, nước, rác, và ba diệt: diệt ruồi, diệt muỗi, diệt chuột. Bụi chỉ xuất hiện trong các bài học về công nhân hít phải nhiều bụi đá, gây bệnh bụi phổi.
Nhiều năm sau đó, kiến thức về vệ sinh môi trường bổ sung nhiều tác nhân mới như hóa chất, thuốc trừ sâu, ô nhiễm nguồn nước, thậm chí cả ô nhiễm tiếng ồn. Nhưng bụi vẫn ít được để ý. Vào giai đoạn 2010-2020, tình trạng ô nhiễm bụi đã được một số nhà khoa học nghiên cứu, nhưng dư luận xã hội chưa mấy quan tâm.
Đầu năm 2019, tổ chức IQAir công bố một báo cáo rằng Hà Nội ô nhiễm bụi mịn cao hàng thứ hai Đông Nam Á, chỉ xếp sau Jakarta, khiến dư luận bùng lên tranh cãi. Phần đông ý kiến phản bác, coi đây là số liệu cục bộ, không đại diện cho toàn thành phố.
Nhưng dần dà, người ta nhận ra báo cáo kia đã đánh động một vấn đề từ trước tới giờ chưa được quan tâm đến: ô nhiễm bụi. Nhiều người thậm chí lần đầu tiên biết đến từ “bụi mịn”. Ứng dụng theo dõi chất lượng không khí của IQAir được tải về nhiều. Người dân tự mua sắm khẩu trang N95.
Các bộ ngành họp với thành phố, đề ra giải pháp như: di dời các cơ sở ô nhiễm khỏi nội đô, quy định tiêu chuẩn khí thải đối với ôtô nhằm hạn chế tối đa mức độ xả thải của phương tiện giao thông, yêu cầu các công trình xây dựng che chắn kỹ, giảm thiểu bụi, vật liệu xây dựng.
Đại dịch Covid-19 ập đến sau đó, nhấn chìm nỗi lo bụi mịn. Các phương án chống ô nhiễm đang nằm trên giấy cũng dần dà bị lãng quên.
Tôi nhắc lại một chút về tác hại của bụi mịn. Bụi mịn là những hạt bụi rất nhỏ, đường kính dưới 2,5 µm (bằng 1/30 đường kính sợi tóc), viết tắt là PM 2.5. Hạt bụi siêu mịn còn nhỏ hơn nữa, dưới 1µm, PM1.0. Ô nhiễm bụi mịn đặc biệt tăng mạnh vào những tháng thu đông, khi không khí hanh khô, gió quẩn làm tăng cường phát tán và duy trì bụi. Bụi mịn có đợt kéo dài nhiều ngày liền tạo nên hiện tượng sương mù ô nhiễm, không liên quan đến sương mù do thời tiết lạnh.
Các hạt bụi này có kích thước siêu nhỏ nên vượt qua tất cả hàng rào bảo vệ của phổi mà đi tận vào phế nang, thậm chí xuyên qua phế nang vào máu gây nên nhiều bệnh về hô hấp và tim mạch như viêm phế quản, viêm phổi, hen, nhồi máu cơ tim, đột quỵ, ung thư…
Phân tích Báo cáo Gánh nặng Bệnh tật Toàn cầu (Aaron Cohen et al., 2017) chỉ ra số người chết bởi phơi nhiễm PM2.5 ở Việt Nam từ 1990 đến 2015 có xu hướng tăng, từ mức trên 26.000 người/năm lên trên 42.000 người/năm.
Để đánh giá ô nhiễm không khí nói chung, nhiều nước trên thế giới đã sử dụng bộ tiêu chí AQI (Air Quality Index) của Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ (EPA), dựa trên 5 yếu tố ô nhiễm không khí, trong đó nồng độ bụi mịn là yếu tố quan trọng. Việc dùng chung một bộ chỉ số giúp đơn giản hóa việc so sánh chất lượng không khí giữa các nước.
Bộ chỉ số này cho điểm và mã hóa bằng màu giúp cho người dân nhanh chóng nắm bắt được mức độ ô nhiễm. Điểm số AQI 0-50 là màu xanh, tốt cho sức khỏe, 51-100 là màu vàng, chấp nhận được. 101-150 là màu cam, không tốt cho sức khỏe của nhóm nhạy cảm. 151-200 là màu đỏ, không tốt, khuyến cáo mọi người tránh ra ngoài đường, không mở cửa sổ. 201-300 là màu tím, rất có hại cho sức khỏe.
Từ khi được đánh động về bụi mịn ở Hà Nội đến nay, tình hình không có nhiều cải thiện, nếu không muốn nói là ngày càng xấu hơn. Nếu vào năm 2019, có những ngày chỉ số ô nhiễm bụi mịn của Hà Nội đứng thứ hai Đông Nam Á, thì sau 5 năm, vào tháng 9, 10/2024, Hà Nội có nhiều ngày ô nhiễm ở mức cao của thế giới, chỉ số AQI nhiều ngày ở mức đỏ, cá biệt có ngày ở mức tím.
Để phòng chống bụi mịn, người dân được khuyến cáo không nên ra khỏi nhà, đóng kín cửa, bật máy lọc không khí, đeo khẩu trang N95… nhưng đều là những lời khuyên sách vở. Thực tế, hàng triệu người hàng ngày vẫn phải ra đường mưu sinh, tiếp tục di chuyển làm việc trong bầu không khí ô nhiễm đó và tiếp tục làm cho không khí ô nhiễm nặng hơn.
Tất cả biện pháp mà các bộ ngành đưa ra từ những năm trước vẫn hoàn toàn đúng, nhưng bao giờ thì những điều đúng đắn ấy được thi hành.
Giảm mật độ dân cư vùng lõi của Hà Nội là yếu tố quan trọng nhất. Giảm được mật độ dân cư thì mới giảm được mật độ giao thông, mới tăng được diện tích cây xanh trên đầu người. Cây xanh có tác dụng rất lớn trong việc chống ô nhiễm không khí do hấp thu các khí độc, bắt giữ bụi. Mật độ cây xanh bình quân đầu người của trung tâm Hà Nội hiện khá thấp, chưa tới hai mét vuông một người, thấp hơn tiêu chuẩn Việt Nam là 6-7 m2 , càng thấp hơn so với tiêu chuẩn thế giới 15- 20 m2.
Nội đô lịch sử hiện rất thiếu diện tích cho trường học và cây xanh, chỉ còn trông chờ vào việc di dời cơ quan và nhà máy ra ngoại ô. Tuy nhiên thực tế phát triển của Hà Nội thời gian qua cho thấy điều ngược lại: nhà cao tầng tiếp tục chất thêm tải vào nội đô, làm tăng mật độ dân cư, tăng mật độ giao thông, góp phần lý giải tại sao Hà Nội ngày càng ô nhiễm.
Chính quyền đã có những chương trình phát triển công viên, tăng diện tích cây xanh, chuẩn bị hạn chế xe có động cơ đốt trong vào nội đô. Tuy nhiên tốc độ thực hiện các giải pháp chưa theo kịp tốc độ tăng trưởng phát thải của thành phố.
Nhìn từ phía người dân, tôi thấy có mấy điều mỗi cá nhân đều có thể đóng góp. Trước hết là tất cả xe cơ giới phải được rửa sạch. Nên tạo điều kiện xây dựng các điểm rửa xe tự động ở ngoại thành để phun rửa xe trước khi vào trong phố. Ngoài ra, cũng nên khởi động lại kế hoạch rửa đường. Các trục đường lớn phải được phun rửa hàng ngày. Rửa xe và rửa đường sẽ góp phần giảm lượng bụi phát tán khi lưu thông.
Nên hạn chế xe xăng, tiến tới cấm hoàn toàn xe máy ở nội đô. Việc này đã có kế hoạch, với dự kiến đưa 12 quận nội thành vào vùng hạn chế phát thải. Vấn đề là tạo ra các giải pháp an sinh đi kèm, bởi kế sinh nhai của người dân hiện nay vẫn phụ thuộc lớn vào phương tiện cá nhân. Bên cạnh đó, cũng cần siết chặt vấn đề đăng kiểm, để loại bỏ triệt để các phương tiện không đáp ứng tiêu chuẩn khí thải. Đây sẽ là một trong những bộ giải pháp quan trọng, vì theo số liệu của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, trong 5 nguồn phát thải gây ô nhiễm không khí trên địa bàn thành phố Hà Nội, nguồn giao thông chiếm tới 56%.
Việc cuối cùng có thể làm ngay là tăng cường các mảng xanh. Nội đô không còn đất để trồng cây nhưng có thể tận dụng một diện tích rất lớn chưa được phủ xanh, là các mái nhà. Hoàn toàn có thể vận động người dân trồng các loại cây xanh cỡ nhỏ, cây dây leo trên các tầng mái, vừa chống nóng, vừa tăng diện tích cây xanh cho thành phố, góp phần giảm ô nhiễm.
Những ngày này, theo dõi chất lượng không khí của nhiều thành phố lớn trên thế giới, tôi thấy phần lớn đều đạt màu xanh. Bắc Kinh mấy năm trước còn là điểm nóng về ô nhiễm của Trung Quốc, nay chỉ số không khí đã chuyển xanh. Chúng ta cũng có thể hy vọng Hà Nội sẽ xanh lại, nếu cả chính quyền và người dân cùng góp sức.
Quan Thế Dân
Nguồn tin: https://vnexpress.net/bui-min-ha-noi-4813013.html