Tôi nhận được cuộc gọi của Xuân, quản lý sản xuất của một nhà máy nằm trong khu công nghiệp ở Hải Phòng vào lúc sáng sớm, ngay sau đêm siêu bão Yagi càn quét qua Hà Nội và một số tỉnh ở miền Bắc.
Làm gì bây giờ? Thiệt hại lớn quá, công ty bảo hiểm sẽ bồi thường chứ anh? Giọng Xuân đầy lo lắng khi cho biết khu nhà xưởng sản xuất và hệ thống nhà kho của công ty bị bão giật tốc mái, hàng hóa không kịp di dời đã ướt sũng, hư hại gần như toàn bộ.
Tôi nhẹ nhàng trấn an Xuân “chắc chắn bảo hiểm sẽ bồi thường theo điều kiện và điều khoản của hợp đồng”. Tôi hướng dẫn cô thực hiện một số công việc cần thiết để hạn chế phát sinh thêm tổn thất và đảm bảo an toàn cho nhân viên trong khi chờ công ty bảo hiểm cử giám định viên đến. Xuân trở nên bình tĩnh và ghi nhận thêm một số hướng dẫn của tôi về việc chuẩn bị hồ sơ cho thủ tục yêu cầu chi trả bồi thường.
Hiếm khi nào chỉ trong một tuần làm việc, tần suất sử dụng điện thoại mỗi ngày của tôi và đồng nghiệp ở công ty lại tăng lên nhiều đến thế. Cuộc gọi của Xuân không phải là duy nhất trong buổi sáng hôm ấy. Chuông điện thoại reo liên tục, chập chờn nhiều lần sau đó. Nhiều khách hàng hối hả thông báo tình trạng thiệt hại đối với tài sản của họ do bão. Lần đầu tiên đối mặt với một sự cố thiên tai mang tính thảm họa, không ít người trong số họ đã thật sự hoang mang và bối rối.
Không chỉ riêng những người làm công việc môi giới và tư vấn như tôi, nhân viên của đối tác là các công ty bảo hiểm và công ty giám định độc lập cũng trong tình trạng liên lạc ngắt quãng, “cháy máy” như thế. Thị trường bảo hiểm Việt Nam, chủ yếu là khối phi nhân thọ được đặt trong tình trạng trực chiến 24/24 suốt cả một tuần qua. Toàn bộ đội ngũ nhân viên giám định của các doanh nghiệp bảo hiểm và công ty giám định độc lập đã được huy động tối đa, tập trung cho công việc chuyên môn đánh giá tổn thất ngay tại hiện trường để làm cơ sở tiến hành chi trả bồi thường cho khách hàng sau đó.
Theo Cục giám sát, quản lý bảo hiểm thuộc Bộ Tài chính, dựa trên số liệu thống kê sơ bộ do các doanh nghiệp bảo hiểm cung cấp, tổng số tiền bồi thường thiệt hại về cả tài sản và con người tính đến 17h ngày 12/9/2024 ước tính khoảng 7.000 tỷ đồng. Con số đó vẫn chưa phải là cuối cùng bởi những thiệt hại sau hoàn lưu của bão và tổn thất về gián đoạn kinh doanh vẫn còn đang được tiếp tục đánh giá, có khả năng sẽ chiếm một tỷ trọng không hề nhỏ.
Rõ ràng các công ty bảo hiểm Việt Nam đang chịu một áp lực rất đáng kể khi sẽ phải đối mặt với số lượng lớn yêu cầu bồi thường từ các cá nhân và doanh nghiệp bị thiệt hại về tài sản, nhà cửa, cơ sở vật chất và sự đình trệ trong sản xuất kinh doanh. Việc đánh giá thiệt hại và xử lý bồi thường nhanh chóng đáp ứng chỉ thị của Chính phủ và Bộ Tài chính sẽ tiêu tốn nguồn lực khá lớn của các công ty bảo hiểm. Khi số lượng lớn hồ sơ yêu cầu bồi thường được gởi đến cùng một thời điểm, họ phải đối mặt với thách thức trong việc xử lý kịp thời, bảo đảm không chậm trễ hoặc nhầm lẫn trong quá trình đánh giá và chi trả bồi thường.
Áp lực lên các công ty bảo hiểm càng gia tăng khi hiện tại mọi thứ vẫn còn ngổn ngang sau sự tàn phá kinh hoàng của bão. Tình trạng ngập vì lũ lụt giảm đi một cách chậm chạp đang còn gây khó khăn và phức tạp cho công việc tiếp cận hiện trường để thực hiện công việc giám định thiệt hại, làm chậm đi quy trình xử lý bồi thường.
Sự tàn phá của cơn bão lớn nhất trong nhiều thập kỹ qua đã và đang tạo ra những khó khăn và thách thức lớn cho ngành bảo hiểm quốc gia nói chung và các doanh nghiệp bảo hiểm nói riêng. Thế nhưng đây cũng là cơ hội quan trọng để mỗi doanh nghiệp bảo hiểm chứng minh, thể hiện năng lực tài chính và chất lượng cung cấp dịch vụ của mình. Người mua bảo hiểm chắc chắn sẽ chú trọng vào dịch vụ bồi thường của các công ty bảo hiểm sau những thiệt hại to lớn về cả vật chất và tinh thần vô cùng lớn của họ. Không chỉ cần phải giải quyết vấn đề hỗ trợ tài chính kịp thời thông qua việc chi trả tạm ứng, xử lý bồi thường nhanh chóng, minh bạch và hiệu quả, các công ty bảo hiểm còn cần giữ được niềm tin của khách hàng khi cho thấy họ là luôn là những người bạn đồng hành đáng tin cậy trong những lúc khó khăn nhất.
Thị trường bảo hiểm Việt Nam vốn đã rất cạnh tranh nay càng trở nên cạnh tranh hơn bao giờ hết khi mỗi doanh nghiệp trong ngành bảo hiểm bao gồm các công ty môi giới, công ty bảo hiểm, công ty giám định tổn thất đều phải cố gắng hết sức chứng minh uy tín và khả năng ứng phó của mình trong tình hình khẩn cấp.
Với bối cảnh hiện tại, doanh nghiệp nào cho thấy được năng lực tài chính ổn định, đội ngũ chuyên viên giải quyết sự cố bồi thường nhanh nhạy, có kinh nghiệm, làm việc minh bạch và đồng cảm với khách hàng sẽ giành được lợi thế lớn trên thị trường.
Hà Đức Trí
VnExpress mở chiến dịch “Cùng đồng bào vượt lũ” nhằm hỗ trợ người dân vượt lên nghịch cảnh thiên tai, tái thiết cuộc sống. Mọi đóng góp của bạn xin ủng hộ
tại đây.
Nguồn tin: https://vnexpress.net/boi-thuong-sau-bao-4793320.html