“Năm 2000, khi lần đầu tiên tôi đi ra nước ngoài là đến Singapore, tôi thật sự bị sốc và ấn tượng mạnh với một quốc đảo nhỏ bé, rất trẻ với sự phát triển mạnh mẽ và dường như cả một thế giới khác hoàn toàn mở ra trước mắt tôi. Tại thời điểm đó, thông tin về Việt Nam rất ít được bạn bè thế giới biết đến hoặc biết đến những thông tin tiêu cực, không chính xác. Trong suy nghĩ của nhiều người dân ở các nước tôi đến là hình ảnh một Việt Nam trong chiến tranh, một Việt Nam nghèo nàn lạc hậu, họ không được biết nhiều về Việt Nam với nhiều hình ảnh khác, với những giá trị văn hóa, dân tộc truyền thống, với những khung cảnh tươi đẹp thanh bình hay những thay đổi của nền kinh tế đang tăng tốc phát triển.
Điều này đã làm cho tôi rất tự ái, cảm thấy mình mang một nỗi nhục của sự tụt hậu, sự thua kém về nhiều thứ trước nhiều cơ hội và thách thức mở ra của đất nước trong bối cảnh nền kinh tế mở cửa, hội nhập. Tôi cảm thấy mình phải có một phần trách nhiệm chuyển tải được những giá trị văn hóa Việt, chuyển tải những hình ảnh tích cực hơn về Việt Nam, về một quốc gia không chỉ anh hùng trong chiến đấu mà còn mạnh mẽ, kiên cường từng bước vươn lên bằng nội lực của cả một dân tộc để nhanh chóng bắt kịp và hội nhập vào nền kinh tế khu vực.
Dân tộc Việt Nam có một bề dày lịch sử, về tinh thần quật khởi và không cam chịu lùi bước trước nhiều kẻ thù mạnh hơn, đông hơn, hiện đại hơn và nhiều thủ đoạn hơn. Ở mỗi thời kỳ lịch sử, dân tộc Việt Nam đều lập nên những chiến tích vang dội, vậy khi đất nước chuyển qua thời kỳ xây dựng và phát triển đất nước bằng nội lực, bằng kinh tế thì chúng ta sẽ ghi dấu bằng kỳ tích gì đây? Việt Nam hoàn toàn có thể làm được như nước Nhật, Hàn Quốc đã từng đứng lên trong tro tàn đổ nát của chiến tranh, trong sự nghèo khó của cả một dân tộc. Và họ đã chứng minh cho cả thế giới thấy sự diệu kỳ của nề kinh tế Nhật Bản, Hàn Quốc của ngày hôm nay bằng hình ảnh của những biểu tượng tập đoàn kinh tế, bằng những thương hiệu nổi tiếng khắp toàn cầu.
Thời chiến tranh, những người lính đã không ngần ngại hy sinh cả sinh mệnh, cả tuổi thanh xuân và nhiều thứ khác hơn nữa để mong có một Việt Nam hùng mạnh thì ngày nay chúng ta phải cạnh tranh bình đẳng công bằng, càng phải chiến đấu với một tinh thần cao hơn để xứng đáng với cống hiến của cha ông ta. Chỉ cần bây giờ chúng ta có một nửa hào khí của dân tộc năm xưa trong chiến trận thì tôi tin chúng ta sẽ làm nên được những điều kỳ diệu cho đất nước trong thời bình.
Tôi không phải là người bán cà phê đơn thuần: chúng tôi có mục tiêu xây dựng một hình ảnh quốc gia thông qua thương hiệu Việt. Trong mỗi sản phẩm Trung Nguyên, chúng tôi gửi đi một thông điệp: hãy dùng hàng Việt Nam. Tất nhiên, nếu chất lượng hàng đó xứng đáng.
Thương hiệu là hình ảnh quốc gia. Thấy Toyota, Sony, Hitachi, JVC người ta biết đó là Nhật. Thấy Mescedes là nghĩ ngay tới Đức. Thương hiệu trở thành một đại sứ, hình ảnh đối thoại của một quốc gia, một dân tộc.
Tôi luôn trăn trở về hình ảnh đối thoại của quốc gia mình. Ai biết đến ta? Nếu không thì mình cứ mãi làm ăn chụp giật, ăn xổi ở thì. Chúng ta có thể có những doanh nghiệp gia công có hàng ngàn công nhân, tạo ra giá trị hàng triệu đôla nhưng cũng chỉ thuần túy gia công mà thôi. Điều đó cũng tốt nhưng chưa tự chủ, chưa bền vững.
Khi quốc gia có những thương hiệu mạnh thì chính những thương hiệu này sẽ có tính dẫn dắt, là nguồn cảm hứng thúc đẩy mạnh mẽ hơn nhiều thương hiệu, nhiều doanh nghiệp mang cùng khát vọng vươn ra thế giới và trở thành niềm tự hào của nhiều quốc gia.
Lâu nay, chúng ta có cách nhìn và suy nghĩ sai lầm khi cho rằng những lợi thế so sánh lâu nay vốn là điểm mạnh của chúng ta như nhân công trẻ, thuận lợi về địa lý, …Trong xu thế toàn cầu hóa thì những lợi thế so sánh nêu trên sẽ dần được thay thế bằng những lợi thế cạnh tranh mới là chuỗi giá trị gia tăng cộng thêm cho thương hiệu nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và của chính cả quốc gia. Quốc gia nào thiết lập được một cách chặt chẽ mối liên kết ngành thì sẽ nâng cao năng lực cạnh tranh của chính quốc gia đó trong bối cảnh kinh tế toàn cầu hội nhập và phát triển.
Nếu chúng tôi là những chiến sĩ thời hòa bình ra trận với hành trang của lòng tự tôn dân tộc, là sự nhạy bén xoay sở trên thương trường thì phía sau chúng tôi còn là một hậu phương vững chắc rộng lớn của hàng triệu người tiêu dùng Việt đã ủng hộ, tin tưởng cho những thương hiệu Việt, sản phẩm Việt. Sự hậu thuẫn mạnh mẽ trở nên có ý nghĩa hơn khi chính các doanh nghiệp Việt phải chuẩn bị sẵn sàng tinh thần chiến đấu vì một thương hiệu Việt. Sẽ có những mất mát, những hy sinh, những tổn thất rất lớn về tài lực trong một cuộc chiến không cân sức ngay trên chính đất nước của chúng ta, nhưng không thể vì thế mà các doanh nghiệp, các thương hiệu Việt không sẵn sàng xả thân chiến đấu. Trong cuộc chiến không cân sức thì sự liên kết hợp lực giữa các thương hiệu Việt, cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân Việt sẽ là sức mạnh cốt lõi vì một hình ảnh thương hiệu quốc gia.
Điều trăn trở của tôi còn là sự day dứt của nhiều bạn trẻ đang mặc cảm của sự nghèo khó, của lòng tự ti, nhưng tiền bạc không phải là vốn mà điều quan trọng là phải có những ước mơ lớn lao. Hiện nay, có nhiều bạn trẻ đang mang trong lòng những ước mơ rất hạn hẹp về những giá trị vật chất mà thiếu đi “chất lửa” của tuổi trẻ khát khao được cống hiến, được chia sẻ và tâm huyết với những thay đổi lớn lao của dân tộc, của đất nước – đó cũng là một phần lỗi không nhỏ ảnh hưởng của nền giáo dục hiện nay đang làm bảo mòn đi tính sáng tạo trong suy nghĩ của họ.
Cuộc hành trình của tôi, những con người tâm huyết Trung Nguyên, dù dưới hình thức nào cũng đều nhằm mục tiêu gửi đi thông điệp: hãy xây dựng thương hiệu nông sản Việt Nam, người Việt ủng hộ hàng Việt. Và luôn trăn trở để làm thế nào cùng chung sức xây dựng thương hiệu hình ảnh quốc gia, xác lập niềm tự hào dân tộc bằng những thương hiệu Việt vươn tầm Quốc tế…”
Đặng Lê Nguyên Vũ – Chủ tịch, Tổng giám đốc Tập đoàn cà phê Trung Nguyên