Tháng 5 hàng năm, tôi thường dự triển lãm và hội thảo khoa học PCIM (Power Conversion and Intelligent Motion) tại thành phố Nuremberg, Đức.
Đây là sự kiện thường niên quy tụ các nhà khoa học, viện nghiên cứu, doanh nghiệp, và người sử dụng trong lĩnh vực bán dẫn.
PCIM phác họa bức tranh toàn cảnh về sự phát triển của ngành bán dẫn toàn thế giới, đồng thời là diễn đàn để đánh giá, điều chỉnh và tổng kết những tiến bộ khoa học, công nghệ trong lĩnh vực này sau một năm, gắn liền với sự phát triển và tác động của các ngành công nghiệp mũi nhọn.
Ngành bán dẫn là một lĩnh vực công nghiệp hiện đại, có quy mô lớn và ứng dụng sâu rộng tới mọi lĩnh vực, từ các sản phẩm công nghệ cao trong hàng không, vũ trụ, xe điện đến đồ gia dụng. Các thiết bị điện tử công suất vẫn là “trái tim” của bán dẫn, sẽ phát triển trong nhiều năm tới, và tiếp tục là lĩnh vực chủ chốt, thúc đẩy sự cạnh tranh, đổi mới giữa các nhà sản xuất.
Tôi rất vui khi biết Việt Nam có chủ trương tham gia vào chuỗi sản phẩm công nghệ này, như một bước đi chủ lực trong nhiều năm tới.
Tôi hoàn toàn đồng ý với ý kiến của TS. Phan Lê Quỳnh Hoa rằng con người là yếu tố trung tâm trong sự phát triển ngành công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam. Tuy nhiên, điều quan trọng cần thảo luận là con đường và cơ cấu mà Việt Nam sẽ định hình trong bức tranh toàn cảnh của ngành này, đặc biệt trong bối cảnh các tập đoàn lớn như Infineon, Intel, Samsung, Amkor… đang đặt những nền móng đầu tiên tại Việt Nam.
Việc đầu tiên cần thực hiện là đẩy mạnh đào tạo trong trường đại học, tiếp nối những nỗ lực mà Việt Nam đang triển khai. Một chương trình toàn diện trong lĩnh vực bán dẫn cần được xây dựng, đảm bảo phù hợp với sự phát triển và các ứng dụng thực tế của công nghệ này. Để đạt mục tiêu đào tạo 50.000 kỹ sư bán dẫn vi mạch từ nay đến năm 2030, chương trình không chỉ đáp ứng về số lượng mà còn phải đảm bảo chất lượng, đồng thời bao quát cả những lĩnh vực vệ tinh liên quan, từ nền tảng lý thuyết đến ứng dụng thực tiễn.
Về cơ bản, việc tham gia sâu vào các chuỗi nghiên cứu và phát triển (R&D) sơ cấp là thách thức lớn, do đây là những công nghệ mũi nhọn được các nhà sản xuất bán dẫn bảo mật gần như tuyệt đối. Tuy nhiên, việc triển khai và học hỏi từ các dự án R&D thứ cấp, tập trung vào ứng dụng thực tiễn, sẽ tạo tiền đề vững chắc và mang lại những kinh nghiệm quý báu, giúp Việt Nam tiến những bước dài và xa hơn trong ngành này. Các trường đại học đóng vai trò quan trọng trong việc tích hợp những phát minh, công nghệ mới, cũng như phát triển các công cụ và thành tố kỹ thuật vệ tinh, góp phần thúc đẩy nghiên cứu và ứng dụng trong lĩnh vực bán dẫn.
Tuy nhiên, do đặc thù của ngành công nghiệp bán dẫn, các sản phẩm trước khi đưa ra thị trường phải đáp ứng tiêu chuẩn khắt khe của từng lĩnh vực cụ thể, chẳng hạn DO, MIL, SEMI trong hàng không hay ISO, IEC trong xe điện. Vì vậy, việc thành lập các viện nghiên cứu trung gian đóng vai trò chuyển giao công nghệ từ trường đại học đến doanh nghiệp thông qua việc phát triển và thử nghiệm các sản phẩm theo tiêu chuẩn thương mại là một yếu tố quan trọng cần được xem xét. Việt Nam có thể học hỏi và áp dụng những mô hình chuyển giao công nghệ tiên tiến như IRT (Pháp), Fraunhofer (Đức) hay các trung tâm nghiên cứu và chuyển giao công nghệ bán dẫn như CPES (Mỹ), PES (Thụy Sĩ).
Các viện nghiên cứu sẽ hoạt động dựa trên sự hỗ trợ ngân sách từ nhà nước và doanh nghiệp, đồng thời tận dụng nguồn nhân lực chất lượng cao, bao gồm các chuyên gia trong nước và những người Việt Nam từ nước ngoài trở về. Những chuyên gia này không chỉ đóng góp kinh nghiệm mà còn giúp Việt Nam khai thác các mạng lưới sẵn có, góp phần giải quyết những bài toán lớn đặt ra trong Nghị quyết 57, như giáo sư Nguyễn Đức Khương đã chia sẻ. Qua đó, Việt Nam có thể dần thu hẹp khoảng cách trong lĩnh vực bán dẫn với các quốc gia tiên phong.
Nếu đánh giá một sản phẩm từ khi hình thành ý tưởng đến lúc ra thị trường theo thang đo mức độ sẵn sàng công nghệ (TRLs – Technology Readiness Levels) từ 1 đến 10, thì mỗi giai đoạn phát triển sẽ có vai trò cụ thể. Trường đại học đảm bảo các mức từ 1 đến 3, tập trung vào việc hình thành ý tưởng và nghiên cứu nền tảng để ứng dụng khoa học bán dẫn vào thực tiễn. Các viện nghiên cứu trung gian sẽ phụ trách mức 4 đến 6, triển khai sản phẩm từ nghiên cứu hàn lâm và thử nghiệm theo các tiêu chuẩn công nghệ của từng ngành. Cuối cùng, việc hoàn thiện và thương mại hóa sản phẩm sẽ do doanh nghiệp đảm nhiệm, với các mức từ 7 đến 10.
Lộ trình này đòi hỏi những bước đi dài hơi cùng sự định hướng rõ ràng từ Nhà nước và các cơ quan ban ngành, đảm bảo tính đồng bộ để đưa các sản phẩm bán dẫn “Made by Vietnam” hòa nhập vào xu hướng phát triển chung của thế giới. Sự kết hợp chặt chẽ giữa trường đại học, viện nghiên cứu ứng dụng và doanh nghiệp sẽ tạo nền tảng vững chắc, giúp Việt Nam từng bước khẳng định vị thế và sẵn sàng cạnh tranh khốc liệt trong ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu.
Trần Đức Hoàn
Nguồn tin: https://vnexpress.net/ban-dan-duong-xa-nhung-rong-4869180.html