“Bà già trong quả bầu” là tên của một truyện cổ tích. Nội dung truyện cũng như bất kỳ truyện cổ tích nào khác: Đơn giản, dễ hiểu, tốt xấu rạch ròi, và cuối cùng là kết thúc có hậu.
Tôi nhớ đến nó vì đây là tác phẩm cuối cùng bố đọc cho tôi nghe trước khi tôi biết chữ, có thể tự mình đọc sách.
Những năm tháng của tuổi thơ tôi, cũng như của nhiều người cùng thế hệ, là cuối thời bao cấp. Cái thời gian khó, đến tivi cũng là thứ xa xỉ phát theo giờ và chỉ có vài kênh, thì sách gần như là lựa chọn giải trí tất yếu. Ngày ấy sách hiếm nhưng mọi người đọc sách có lẽ nhiều hơn hẳn bây giờ. Trong tâm trí tôi vẫn sống động những cuộc bàn luận của người lớn quanh mình về Tam quốc, Thủy hử, Cuốn theo chiều gió, hay của trẻ con chúng tôi về Doraemon, Bảy viên ngọc rồng, về tích Triệu Tử Long cứu A Đẩu trong Tam quốc diễn nghĩa.
Sau 30 năm, mọi thứ đã khác. Bây giờ đến tivi, “món xa xỉ” của thời tôi, trẻ con cũng không xem nhiều nữa. Đây là thời của mạng xã hội, của video ngắn, của các thuật toán trí tuệ nhân tạo (AI) biết “chiều chuộng” người dùng đến tận mắt bằng cách mang đến kịp thời, chính xác những thông tin như được đo ni đóng giầy, bất kể địa vị, trình độ học vấn, tuổi tác. Internet gây nghiện là câu chuyện không lạ và mới gì. Hình ảnh quen thuộc giờ đây là những đứa trẻ chúi mũi vào điện thoại.
Những tưởng sách đã “chết”.
Nhưng tôi vẫn đọc sách cho con gần như hàng tối mà không cần gợi ý, dỗ dành hay áp đặt. Và ngắm giá sách nhà mình đầy dần lên bởi Bạch Tuyết, Thạch Sanh, Phù thủy xứ Oz là một niềm vui. “Team (nhóm) hai người” chúng tôi tua đi tua lại những câu chuyện ấy, hết lượt thì quay lại từ đầu. Những buổi đọc sách, dù kéo dài 15 phút hay một giờ cũng luôn kết thúc bằng câu quen thuộc: “Thêm một trang nữa thôi bố ơi!”.
Vì sao sách vẫn hấp dẫn, khi bên cạnh con có YouTube, game và Tiktok? Tôi tự đặt câu hỏi ấy cho mình, sau khi đã hỏi chính con và nhận được câu trả lời đơn giản “vì đọc sách cũng vui”. Phải nói thêm, ai cũng biết rằng không dễ áp đặt trẻ làm cái chúng không thích.
Nhiều nghiên cứu cho thấy nội dung trực tuyến, đa phương tiện tuy sinh động, hấp dẫn nhưng lướt qua trí óc non nớt của trẻ quá nhanh, tuy khiến trẻ vui và phấn khích nhưng khó nắm bắt và gây phân tâm. Sách (nhất là sách thiếu nhi), ngược lại, như được “đo ni đóng giày” cho tâm trí trẻ. Mỗi câu chuyện đều “vừa” với trải nghiệm, mức độ tiếp thu, với niềm tin tuy thơ ngây của trẻ về điều tốt đẹp hay sự lương thiện. Sách đi vào tâm trí trẻ từ từ, chậm rãi, bằng ngôn từ, đôi khi bằng những hình ảnh tĩnh chứ không ào ào dồn dập đến quá tải như YouTube hay mạng xã hội. Sách dành thời gian cho trẻ suy nghĩ và “chiêm nghiệm” theo cách của chúng.
Con gái tôi năm nay 17 tuổi. Tức là tôi đã có thâm niên đọc sách cho con. Làm việc này thực sự vui và hạnh phúc, tôi phải chia sẻ với bạn như vậy. Tôi không biết bố đã nghĩ gì năm xưa khi đọc “Bà già trong quả bầu” cho tôi, chỉ nhớ bố đã đọc với đầy sự quan tâm và ân cần. Giờ đây, các con tôi có thể cũng không biết rằng đọc sách không chỉ khiến con vui, mà còn là niềm vui của bố chúng. Có những điều chỉ có tâm trí tươi mới, ngây thơ, không thành kiến của trẻ mới có thể phát hiện ra. Những thắc mắc hồn nhiên của con, như “Cái ông Thạch Sanh này chả lịch sự gì cả, trước mặt phụ nữ mà lúc nào cũng cởi trần” cũng đủ làm nguồn vui cho tôi suốt nhiều ngày.
Và hơn cả những phút vui cười, tôi cũng được học qua đọc sách. Đọc nhiều khiến tôi nhận ra truyện cổ tích, truyện thiếu nhi không phải là thứ chỉ dành cho trẻ. “Tại sao bù nhìn đã thông minh rồi mà vẫn phải đi xin Oz trí thông minh?”, “Có phải mọi người yêu quý công chúa vì công chúa xinh đẹp?”. Tôi đã có thể trả lời ngay những câu hỏi ấy của con nhưng đồng thời cũng hiểu những câu trả lời “ngay và luôn” của mình chưa thể là câu trả lời cuối cùng.
Có thể sang năm hay 10 năm nữa tôi sẽ cho con được câu trả lời tốt hơn bây giờ chăng. Sau này những đứa cháu nội ngoại của tôi có thể sẽ hỏi bố mẹ chúng những câu hỏi này, thì câu trả lời “tốt” nếu có của tôi hôm nay đến lúc đó sẽ phần nào có ích. Sự gấp gáp, ào ạt trong thời đại của AI, mạng xã hội dễ khiến ta nghĩ sách đại diện cho những thứ cũ kỹ. Nhưng ngược lại mới đúng. Có khi chỉ người đọc là già và cũ đi theo thời gian thôi. Còn Bà già trong quả bầu, Phù thủy Xứ Oz, Thạch Sanh sẽ chẳng bao giờ cũ. Vì chúng vẫn còn mang lại niềm vui, vì chúng vẫn không ngừng khiến ta suy nghĩ, đặt câu hỏi, và trả lời.
Giá sách nhỏ nhà tôi bên cạnh Phù thủy Xứ Oz, Thánh Gióng, bên cạnh Xứ Đông Dương, Sapiens – Lược sử loài người, Nỗi buồn chiến tranh hay Thơ Lưu Quang Vũ, vẫn còn nguyên bộ Những người khốn khổ đã sờn bìa mà ngày xưa những đêm mất điện thời bao cấp bố hay đọc cho cả nhà nghe. Con gái tôi đùa đây là “di sản gia đình đã truyền được ba đời”. Sách ấy không phải chỉ là sách, không chỉ là kiến thức và những câu chuyện, mà còn là những bài học, là tình cảm, ký ức, sự quan tâm – những thứ giúp gắn kết gia đình.
Yêu sách, yêu những câu chuyện là thứ có sẵn trong tâm hồn mỗi đứa trẻ, như ngọn đèn hay đống củi chờ lửa. Nhưng ngọn lửa không thể nào tự cháy. Nên nhiệm vụ của cha mẹ – không khó lắm đâu – là hãy châm giúp con một tia lửa. Hãy kiên trì và cần mẫn từng ngày kể chuyện, đọc sách cho con, cùng con. Tia lửa, nhanh thôi, sẽ biến thành ngọn lửa của niềm đam mê sách vở và kiến thức.
Lê Văn Hùng
Nguồn tin: https://vnexpress.net/ba-gia-trong-qua-bau-4758328.html