Năm 2022, tôi bị chảy máu đường tiêu hóa. Không xác định được nguyên nhân cũng như vị trí chảy máu, cơ sở y tế tuyến dưới lập tức chuyển tôi đến khoa cấp cứu của một bệnh viện trung ương.
Đầu giờ chiều nhập viện, 10h đêm tôi mới được nội soi và kẹp clip vị trí chảy máu.
Hai bác sĩ khám cho tôi sau khi nội soi cho một bệnh nhân nghi ung thư đường tiêu hóa. Họ xem hồ sơ và để lộ một vài biểu cảm nghi ngại, đủ để tôi hiểu rằng, tiên lượng bệnh của tôi cũng xấu như bệnh nhân kia. Tuy nhiên, khi thăm khám trực tiếp, họ chứng tỏ trình độ tay nghề của các bác sĩ tuyến trên khi nhanh chóng xác định vị trí chảy máu ở sâu trong đường ruột, điều mà cơ sở y tế trước đó không làm được.
Sau khi thực hiện thủ thuật, họ nói tôi thật may mắn vì được xử trí kịp thời, nếu chậm sẽ bị thủng ruột và phải mổ. Tôi rất cảm kích, dù trong đầu hiện lên câu hỏi: “Tôi quả thực đã may mắn được xử trí sớm sao, sau khi đã đợi 10 tiếng đồng hồ?”.
10 tiếng nằm chờ có lẽ là khoảng thời gian dài nhất tôi từng trải qua. Trong lúc tôi phải đóng bỉm nằm không nhúc nhích để hạn chế máu chảy, vợ tôi đứng ngồi không yên, chạy đôn chạy đáo để tìm gặp bác sĩ.
Trong hoàn cảnh như vậy, nếu vợ tôi nóng nảy, mất bình tĩnh hoặc nếu vợ tôi đi cùng một vài người thân nữa để thành một đám đông mất kiểm soát, rất có thể đã xảy ra chuyện ồn ào tương tự sự việc ở Trung tâm Y tế huyện Thanh Ba, Phú Thọ hay ở Bệnh viện Đa khoa Nam Định gần đây. Tôi tuyệt đối không bênh vực hay biện minh cho những hành động bạo lực với y bác sĩ, vì đó rõ ràng là hành vi xấu cần ngăn chặn. Nhưng là người từng ở trong hoàn cảnh phải cấp cứu, tôi phần nào hiểu được cảm xúc và phản ứng nóng nảy bột phát của người nhà bệnh nhân.
Tôi nhập viện trong tình trạng cấp cứu do bệnh viện khác chuyển đến, đóng đủ tiền tạm ứng mà vẫn chờ tới 10 tiếng mới được can thiệp. Tôi cố gắng nghĩ không phải do bác sĩ tắc trách, hay quy trình của bệnh viện rườm rà, dẫn đến kéo dài thời gian, mà có thể do số lượng bệnh nhân quá đông, vấn đề của tôi không quá nghiêm trọng. Nhưng đấy là sau khi tôi đã được cầm máu, nằm ở phòng hồi sức. Nếu bị thủng ruột, phải mổ như bác sĩ cảnh báo, tôi không chắc mình sẽ có cái nhìn cảm thông như vậy.
Những chuyện ở Trung tâm Y tế huyện Thanh Ba và Bệnh viện Đa khoa tỉnh Nam Định có thể đã không xảy ra hoặc theo chiều hướng ít tiêu cực hơn nếu vai trò của bộ phận phụ trách công tác xã hội tại bệnh viện được phát huy tốt.
Năm 2015, lần đầu tiên Bộ Y tế có hướng dẫn về việc triển khai công tác xã hội tại bệnh viện bằng Thông tư 43/2015/TT-BYT. Theo đó, các nhân viên công tác xã hội sẽ không chỉ hỗ trợ bệnh nhân mà còn hỗ trợ cả nhân viên y tế của bệnh viện. Đến đầu năm 2022, với Quyết định số 712/QĐ-BYT, Bộ Y tế cũng ban hành Kế hoạch phát triển công tác xã hội trong ngành y tế giai đoạn 2021-2030.
Theo Bộ Y tế, hiện nay 100% bệnh viện tuyến trung ương và hơn 90% bệnh viện đa khoa, chuyên khoa tuyến tỉnh, huyện đã thành lập phòng/tổ công tác xã hội. Tổng số người làm công tác xã hội tại các cơ sở y tế là gần 10.000.
Trong lúc viết bài này, tôi có tham khảo trang web của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Nam Định. Khi vào nội dung Công tác xã hội nằm trong mục Tin tức, tôi không thấy thông tin nào liên quan. Tôi tìm đọc trên báo các thông tin xung quanh những vụ hành hung nhân viên y tế vừa xảy ra, cũng không thấy sự xuất hiện của nhân viên công tác xã hội, trong khi, đây là một trong những nhiệm vụ của họ.
Bộ phận công tác xã hội có nhiệm vụ hỗ trợ thanh toán viện phí cho bệnh nhân không thể hoặc tạm thời chưa thể thanh toán viện phí. Nguồn kinh phí để hỗ trợ người bệnh đến từ tài trợ và đóng góp của các doanh nghiệp, tổ chức từ thiện – xã hội, cơ quan báo chí, cá nhân và các nguồn hợp pháp khác mà bệnh viện huy động được, kể cả đóng góp từ chính y, bác sĩ của bệnh viện.
Không những thế, dịch vụ công tác xã hội tại bệnh viện cũng tham gia vào việc hỗ trợ chính nhân viên y tế. Ngoài nhiệm vụ “cung cấp thông tin về người bệnh cho nhân viên y tế trong trường hợp cần thiết để hỗ trợ công tác điều trị”, nhân viên công tác xã hội bệnh viện còn “động viên, chia sẻ với nhân viên y tế khi có vướng mắc với người bệnh trong quá trình điều trị” (theo khoản 4, Điều 2, Thông tư số 43/2015/TT-BYT).
Nhiệm vụ hỗ trợ nhân viên y tế của dịch vụ công tác xã hội tại bệnh viện là điều có thể nhiều người không nghĩ tới nhưng không kém phần quan trọng. Trong các vụ hành hung, dù nhân viên y tế đúng sai đến đâu, họ đều cần được chia sẻ về mặt tâm lý và hỗ trợ các thủ tục liên quan trong quá trình giải trình với cơ quan điều tra và thanh tra y tế.
Bên cạnh việc áp dụng chặt chẽ các biện pháp ngăn người nhà tiếp cận khu vực điều trị (trừ phi được bác sĩ yêu cầu) và sự hỗ trợ của bộ phận an ninh, các nhân viên công tác xã hội có mặt kịp thời có thể giúp người nhà bệnh nhân bình tĩnh hơn bằng cách cung cấp thông tin, giải thích, tư vấn và hỗ trợ các thủ tục cần thiết. Thực tế, theo thông tin từ Bộ Y tế, một số người nhà bệnh nhân do không hiểu rõ quy trình cấp cứu, điều trị hoặc suy đoán bác sĩ chậm trễ nên đã quát tháo, hành hung y bác sĩ.
Tôi luôn coi nghề y là một nghề cao quý và đặc biệt. Thực tế không tránh khỏi việc có những trường hợp y bác sĩ cá biệt là “con sâu làm rầu nồi canh” không làm hết trách nhiệm, gặp tai nạn nghề nghiệp hay bệnh nhân có biến chứng y khoa ngoài mong muốn. Nhưng tôi luôn tin và kỳ vọng rằng chữa bệnh cứu người theo lời thề Hippocrates vừa là đạo đức, trách nhiệm và vừa là mong muốn nghề nghiệp của mỗi y bác sĩ.
Y bác sĩ sẽ chuyên tâm cứu người hơn, nếu sau lưng họ là bóng dáng tận tụy của những nhân viên công tác xã hội, chứ không phải những cú đấm, đá giáng xuống bởi nỗi bất an và giận dữ.
Nguyễn Minh Hoàng
Nguồn tin: https://vnexpress.net/ai-xoa-diu-bac-si-bi-danh-4882980.html