Cafe Bệt

Nhịp sống trẻ mỗi ngày

Font ResizerAa
  • Thời Sự
  • Đời Sống
    • Góc Nhìn
  • Nhịp Sống Trẻ
    • Cơ Hội
    • Sự Kiện
    • Giải Trí
    • Cuộc Thi
  • Kiến Thức
    • Tài Chính
  • Kỹ Năng Sống
    • Sống Đẹp
  • Tuyển Dụng
  • Doanh Nghiệp
  • Công Nghệ
  • Thể Thao
Font ResizerAa
Cafe BệtCafe Bệt
Search
  • Thời Sự
  • Đời Sống
    • Góc Nhìn
  • Nhịp Sống Trẻ
    • Cơ Hội
    • Sự Kiện
    • Giải Trí
    • Cuộc Thi
  • Kiến Thức
    • Tài Chính
  • Kỹ Năng Sống
    • Sống Đẹp
  • Tuyển Dụng
  • Doanh Nghiệp
  • Công Nghệ
  • Thể Thao
Have an existing account? Sign In
Follow US
© 2022 Foxiz News Network. Ruby Design Company. All Rights Reserved.
Cafe Bệt > Blog > Giải Trí > Phim ảnh > “Đàn Cá Gỗ”: Khi phép màu không đến từ bên ngoài
Phim ảnh

“Đàn Cá Gỗ”: Khi phép màu không đến từ bên ngoài

Last updated: 22/07/2025 2:37 pm
Cafe Bệt
Share
SHARE

Ra rạp từ ngày 15/07/2025, “Đàn Cá Gỗ” – tác phẩm ngắn của đạo diễn trẻ Nguyễn Phạm Thành Đạt nhanh chóng thu hút sự chú ý nhờ vào phong cách kể chuyện tinh giản, tiết chế, đậm chất thơ với bối cảnh gợi nhắc miền biển và những điều bình dị. Bộ phim mang dáng dấp của một lời tự sự nhỏ, khắc họa thế giới nội tâm đầy dằn vặt của những người trẻ, khi họ phải lựa chọn giữa quê hương và thành phố, giữa trách nhiệm gia đình và khao khát tự do, giữa mộng mơ và thực tại.

Không phải phép màu, chỉ là một câu chuyện bình dị

Với những khán giả biết tới bộ phim qua MV “Phép Màu” – ca khúc chủ đề ngập tràn hình ảnh tươi sáng, mang hơi hướng chữa lành, có lẽ sẽ bất ngờ khi bộ phim lại chọn màu sắc trầm lắng, thiên về suy tư, có phần u hoài. “Phép Màu” là những mảnh ký ức đẹp đẽ, lạc quan, còn “Đàn Cá Gỗ” lại phơi bày những va đập thực tế, nơi hạnh phúc không còn là điều dễ nắm bắt. Ngay từ đầu, bộ phim không hướng tới số đông hay chiều lòng người xem bằng những thông điệp dễ dãi. Đây là một tác phẩm rất cá nhân, phản ánh những chất chứa riêng trong góc nhìn và trải nghiệm của đạo diễn.

Những hình ảnh đẹp nhất trong “Đàn Cá Gỗ” đều được đặt để vào OST “Phép Màu”

Mang phim tốt nghiệp ra rạp: Áp lực là điều không tránh khỏi.

Khi từ một bộ phim tốt nghiệp vươn tới Cánh Diều Vàng 2024, rồi tiếp tục viral nhờ thành công của MV “Phép Màu”, và sau cùng bước ra thị trường thương mại, “Đàn Cá Gỗ” không còn là câu chuyện để kể cho riêng mình nghe nữa. Nó đã trở thành một sản phẩm thuộc về công chúng, nơi bị đặt vào bàn cân so sánh, mong đợi, thậm chí là hoài nghi, thất vọng – đó là điều tất yếu. Khi chọn bước ra ánh sáng, bộ phim chấp nhận mình sẽ đối diện với đủ mọi luồng ý kiến.

Không ít khán giả ra rạp xem “Đàn Cá Gỗ” vì phải lòng “Phép Màu”

Thành công vượt kỳ vọng, nhưng không hề ngẫu nhiên.

Dù thế nào đi nữa, việc “Đàn Cá Gỗ” ra rạp và thu về doanh thu hơn 4,3 tỷ đồng (tính đến ngày 21/7, theo Office Box Vietnam) là một tín hiệu đáng mừng cho thể loại phim ngắn nói riêng và thị trường điện ảnh Việt Nam nói chung. Ít nhất, con số ấy cho thấy khán giả đại chúng đã bắt đầu mở lòng hơn với những câu chuyện nhỏ bé, lặng thầm, mang nhiều màu sắc cá nhân và không dễ chiều lòng số đông. Những con đường vốn ít nhà làm phim chọn đi theo, hoặc nếu đi thì sẽ đi ở một con hẻm rất ngách, rất nhỏ và kén chọn

“Phép Màu” là cánh cửa dẫn lối, nhưng “Đàn Cá Gỗ” mới là hành trình đối mặt với hiện thực.

Hiệu ứng lan tỏa từ “Phép Màu” chắc chắn góp phần giúp bộ phim tiếp cận rộng rãi hơn. Tuy vậy, không thể phủ nhận rằng chính sự cộng hưởng này đã hoàn thiện vũ trụ câu chuyện của đạo diễn: Nếu “Phép Màu” là hồi quang của những tháng ngày thanh xuân tươi đẹp, thì “Đàn Cá Gỗ” lại đưa người xem trở về với thực tại, nơi những giấc mơ có thể tan vỡ, hạnh phúc không dễ tìm, và con người phải học cách mạnh mẽ để bước tiếp.

Hai tác phẩm bổ trợ, soi chiếu lẫn nhau để kể trọn vẹn hành trình một đời người: từ mơ mộng, hy vọng cho đến khi đối mặt với thực tế.

“Đàn Cá Gỗ” chưa bao giờ là phần mở rộng của “Phép Màu”

Hình ảnh đẹp, câu chuyện nhẹ nhàng nhưng không dễ nuốt trôi

Không khí trầm buồn, cô tịch của miền biển, sự nhỏ bé của con người trước thiên nhiên, cùng những khung hình gợi cảm giác mênh mang về sự mất mát, lạc lõng là điểm nhấn xuyên suốt bộ phim. Đó cũng chính là cách đạo diễn khéo léo để không cần lời thoại, nhưng vẫn đủ sức khiến khán giả hiểu về sự bấp bênh, mơ hồ trong tâm hồn nhân vật.

Câu chuyện trong phim được “kể” bằng hình ảnh là chủ yếu

Diễn xuất của Nguyễn Hùng (vai Cường) cũng nhận được nhiều lời khen. Anh thể hiện tròn vai nhân vật mang nhiều tâm sự, ít lời, nội tâm phức tạp, góp phần làm nổi bật tinh thần lặng thầm mà bộ phim muốn truyền tải. Những cảnh phim của Hùng đem lại cảm giác đan xen giữa hy vọng và tuyệt vọng. Cường không phải kiểu nhân vật u buồn bi lụy, anh vẫn vui vẻ, vẫn cười, nhưng đó là kiểu nụ cười chất chứa những trăn trở, như thể đang cố gắng tỏ ra mình ổn trong khi nội tâm hoàn toàn không như vậy.

Nhân vật Cường mang trong mình nhiều mâu thuẫn nội tâm, loay hoay giữa giấc mơ mà gánh nặng cơm gạo áo tiền

Điều may mắn nhất trong đời Cường chính là có một người vợ như Hoa (Minh Hà thủ vai) – người phụ nữ thấu hiểu, kiên nhẫn và chưa bao giờ thôi hy vọng ở chồng mình. Dù cuộc sống nghèo khó, dù bao lần cãi vã vì những bế tắc không lời giải, Hoa vẫn không một lần khiến Cường cảm thấy tự ti hay lạc lối hơn. Ở Hoa có một thứ tình yêu bền bỉ, không phải tình yêu lãng mạn nồng nhiệt mà là sự đồng hành thầm lặng, sự bao dung đủ lớn để chờ người đàn ông mình thương tự tìm được lối ra.

Ông bà ta nói: “Thuận vợ thuận chồng, tát biển Đông cũng cạn” là vậy. Cuộc hôn nhân nào rồi cũng sẽ trải qua những thăng trầm, quan trọng là hai người còn đủ niềm tin để nắm tay nhau qua giông gió. Trong phim, Hoa không hề xuất hiện như một hình mẫu nữ chính lý tưởng hóa hay hy sinh quá đà. Cô hiện lên rất thật, rất đời – vừa yếu đuối, vừa mạnh mẽ, vừa biết tổn thương, vừa biết thứ tha. Cô không ngăn Cường khi anh mơ, nhưng cũng không để anh mãi trôi trong mê muội. Nhân vật Hoa giống như một ngọn hải đăng lặng lẽ, kiên trì soi đường cho Cường, nhắc anh nhớ về chính mình, về cội rễ của đam mê và yêu thương.

Hình ảnh Hoa “đồng cam cộng khổ” bên chồng, không để giấc mơ của Cường bị cuốn trôi theo những chuyến tàu cá cũ kỹ, cũng rất phù hợp với tinh thần ca khúc “Phép Màu”:

Gọi tôi thức giấc cơn ngủ mê,
Dìu tôi đi lúc quên lối về,
Quãng đời mai sau luôn cạnh nhau…

Lời bài hát “Phép Màu”

Tuy nhiên, nếu xét về phương diện diễn xuất, Hoa tuy đẹp, nếu không muốn nói là rất đẹp, điều này vốn đã được truyền thông nhắc tới khá nhiều với những mỹ từ như ” Chương Tử Di Việt Nam”, nhưng về khía cạnh diễn xuất, nhân vật của Hoa vẫn chưa thực sự chạm được đến chiều sâu nội tâm. Một số phân đoạn thoại còn thiếu tự nhiên, chưa lột tả trọn vẹn sự giằng co, mâu thuẫn trong tâm lý của người phụ nữ giữa yêu thương và thất vọng. Ở những cảnh chuyển biến cảm xúc từ vui sang buồn, biểu cảm của diễn viên chưa tạo được sự khác biệt rõ rệt, khiến cảm xúc cao trào đôi khi chưa đạt hiệu quả như mong đợi. Đây là điểm cần cải thiện để nhân vật trở nên thuyết phục và tròn vai hơn.

Nhân vật Hoa của Minh Hà vẫn còn có khả năng khai thác sâu hơn về mặt cảm xúc

Các tuyến nhân vật phụ trong phim chủ yếu đảm nhận vai trò dẫn dắt thông tin, hỗ trợ câu chuyện của nhân vật chính, chứ không được khai thác sâu về tính cách hay hành trình riêng. Do hạn chế về nhân sự, những vai diễn này xuất hiện khá ngắn ngủi, hoàn thành chức năng rồi nhanh chóng rút lui, nên không để lại nhiều dấu ấn. Một điểm thú vị là chính đạo diễn cũng tham gia diễn xuất trong phim, cho thấy ê-kíp đã cố gắng tối ưu nguồn lực một cách linh hoạt. Vì vậy, hạn chế này có thể xem như điều dễ cảm thông với một dự án phim ngắn độc lập.

Các thuyền viên trong phim còn khá trẻ, có vẻ như là người của đoàn phim =))

Đoạn kết phim: Khi phép màu không đến từ ai khác ngoài chính mình

Khán giả có thể nhìn cảnh kết như một cú twist nghệ thuật: Cường say rượu, chìm xuống biển, chơi nhạc giữa đàn cá. Nhưng đằng sau hình ảnh ấy là tầng ý nghĩa rõ ràng. Biển – nơi từng cạn kiệt – nay lại có cá, như niềm tin trong anh từng lụi tắt nay hồi sinh. Âm nhạc – đam mê bị chôn vùi trở thành thứ cứu vớt tinh thần, chứ không phải hiện thực.

Cường chơi đàn dưới nước là một trong những cảnh đẹp, giàu ý nghĩa nhất phim

Đó chính là phép màu, nhưng không phải đến từ biển, từ người thân hay ai khác, mà từ chính việc Cường nhận ra mình không cần sống như một khúc gỗ trôi, hay một “con cá gỗ” vô hồn nữa.

Đáng chú ý, Cường không tự bơi lên khỏi đáy biển, cũng không tự mình tỉnh dậy. Người kéo anh lên lại chính là Hoa – người vợ âm thầm bao năm kiên nhẫn. Dẫu im lặng, dẫu chịu nhiều tổn thương, cô vẫn luôn là người duy nhất không rời bỏ Cường, dù là trong khoảnh khắc sinh tử.

Lyrics "Phép Màu" xuất hiện xuyên suốt bộ phim Đàn Cá Gỗ
Lyrics “Phép Màu” xuất hiện xuyên suốt bộ phim Đàn Cá Gỗ

Và khi họ trở về mặt nước, bình minh cũng vừa ló dạng. Biển sau cơn tối tăm lại bừng sáng. Một kết thúc vừa biểu tượng, vừa đủ hy vọng. Bình minh ấy không phải để khẳng định mọi chuyện sẽ tốt đẹp, mà là lời nhắc nhở: sau giông bão, dù có bao lần hụt hơi, nếu còn người bên cạnh đủ bao dung, còn đủ chính mình để níu lấy đam mê, thì ngày mới vẫn sẽ đến.

Tên phim “Đàn Cá Gỗ” cũng hàm chứa nhiều tầng nghĩa:

  • “Đàn” đại diện cho âm nhạc, phần sống động, khát vọng nghệ thuật.
  • “Cá” tượng trưng cho mơ ước ra khơi, vươn ra biển lớn.
  • “Gỗ” là truyền thống, là gánh nặng, là thứ kéo níu con người vào những khuôn mẫu cũ kỹ.

Khi hòa vào nhau, chúng trở thành phép ẩn dụ cho hành trình của con người: Muốn sống đúng với mình, phải dám đối diện cả thực tại lẫn giấc mơ. Nhưng không ai có thể làm điều đó một mình. Tình yêu, bao dung, đôi khi chính là phép màu thầm lặng nhất.

Với ai đó, cái kết của “Đàn Cá Gỗ” có thể để lại cảm giác lửng lơ, dang dở. Nhưng theo cảm nhận của người viết, đạo diễn đã cố ý để mọi thứ mở ra như vậy. Không ai có thể viết đoạn kết thay cho mình. Mỗi người đều phải tự đi qua hành trình ấy bằng những trải nghiệm, lựa chọn riêng.

Bình minh mới của vợ chồng Cường, cũng là hy vọng cho một bình minh mới của thị trường phim ngắn Việt Nam. Mong rằng những đạo diễn, nghệ sĩ trẻ sẽ có thêm cơ hội để đưa tác phẩm của mình đến gần hơn với khán giả.”

Share This Article
Email Copy Link Print
Previous Article Cần Thơ thay người giữ chức Trưởng ban Tuyên giáo và Dân vận
Next Article Vần thơ tưởng nhớ nghệ sĩ Lê Thiết Cương

Nhịp sống trẻ mỗi ngày!

Cùng cập nhật những tin tức nóng hổi, đa dạng về kinh tế, xã hội, văn hóa và giải trí. Đón nhận nhịp sống trẻ, năng động, và sáng tạo mỗi ngày.
FacebookLike
XFollow
PinterestPin
InstagramFollow
YoutubeSubscribe
TiktokFollow
- Advertisement -
Ad image

Đang được quan tâm

Siêu máy tính loại Real khỏi nhóm ứng viên Club World Cup

Siêu máy tính của hãng thống kê hàng đầu thế giới Opta xếp Real Madrid…

By Cafe Bệt

Tổng Bí thư yêu cầu sửa chính sách tiền lương cán bộ, công chức phù hợp với mô hình mới

Tổng Bí thư Tô Lâm yêu cầu tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung…

By Cafe Bệt

Indonesia phát hiện hợp chất mới chống ung thư

Nhà nghiên cứu Indonesia tìm thấy hợp chất chống ung thư cổ tử cung trong…

By Cafe Bệt

Tin liên quan

Phim ảnh

Cổ Thiên Lạc: Từ bóng tối tuổi trẻ đến ngọn đèn điện ảnh Hong Kong

By Cafe Bệt
Phim ảnh

Thám tử tư: Phía sau vết máu – Khi bất kỳ ai cũng có thể ngoại tình

By Cafe Bệt
Phim ảnh

Barbie trở lại, Greta Gerwig vắng bóng?

By Cafe Bệt
Phim ảnh

Thanh Gươm Diệt Quỷ: Vô Hạn Thành, bom tấn “xuyên phá” phòng vé tại thị trường Nhật Bản

By Cafe Bệt
Go to mobile version
Welcome Back!

Sign in to your account

Username or Email Address
Password

Lost your password?