Số 0 đặt ra câu hỏi lớn cho khoa học, tôn giáo về sự hư vô và vĩnh cửu, theo Giáo sư Charles Seife trong “Số 0: Tiểu sử một phát kiến nguy hiểm”.
Sách có tên tiếng Anh là Zero: The Biography of a Dangerous Idea, dày 264 trang, là công trình nghiên cứu của giáo sư Charles Seife về vai trò của số không từ cổ chí kim, do nhà xuất bản Penguin Books phát hành tại Mỹ vào năm 2000. Năm 2001, tác phẩm đoạt giải Pen/ Martha Albrand cho thể loại phi hư cấu, được New York Times bình chọn là Sách đáng chú ý. Tại Việt Nam, tác phẩm do tiến sĩ ngành Toán, giảng viên Đại học Khoa học Tự nhiên TP HCM – Nguyễn Trung Hiếu – chuyển ngữ, ra mắt bạn đọc trong tháng 3.
Bìa sách “Số 0: Tiểu sử một phát kiến nguy hiểm” do NXB Dân trí phát hành. Ảnh: Omega+
Tác phẩm gồm 10 chương đánh số thứ tự từ 0 đến ∞ (ký hiệu vô cực). Theo tác giả, đây là “con số quyền lực vì là anh em sinh đôi của vô cùng”. Cả hai thách thức hiểu biết của con người, đặt ra vô số câu hỏi lớn cho khoa học, tôn giáo về sự hư vô và vĩnh cửu. Số không bắt nguồn từ “thuở bình minh của toán học”, trước sự ra đời của nền văn minh đầu tiên. Dần dà, nó trở thành công cụ quan trọng của bộ môn tính toán, giúp nhân loại khai phá các kiến thức về tự nhiên và vũ trụ như Vụ nổ Lớn, Thuyết Vạn Vật.
Dù thế hệ ngày nay không xa lạ với số không, nhiều dân tộc cổ xưa không biết sự tồn tại của nó. Giáo sư cho biết số và các nguyên tắc đếm cơ bản phát triển trước việc đọc và viết hàng nghìn năm trước. Song, người xưa cảm thấy không cần thiết để tìm một thứ đại diện sự thiếu vắng của vật hay đối tượng. Số không thậm chí vắng mặt trong hệ thống toán học của Ai Cập và Hy Lạp cổ đại. Ở một số nơi, nó còn bị xem là khái niệm đáng sợ, đặt đức tin và lý trí vào thế đối chọi.
* Một số trích đoạn trong sách
Cuối cùng, một nền văn minh đã tìm thấy nó từ nhiều thế kỷ trước khi chúa Jesus ra đời. Đó là người Babylon. Họ cho rằng đây là con số “không chỉ gợi lên hình ảnh của một sự trống rỗng căn bản mà còn mang trong mình nhiều tính chất toán học nguy hiểm”, phá vỡ logic. Từ đó, khái niệm này bắt đầu len lỏi khắp các nền văn hóa, vừa được tôn thờ ở phương Đông vừa bị phương Tây ghẻ lạnh. Mặt khác, nó khiêu khích sự tò mò của nhiều học giả như Pythagoras, Aristotle, Newton, Heisenberg. Bên cạnh các kiến thức hàn lâm, người viết đan xen câu chuyện gắn liền những sự kiện, nhân vật làm nên vai trò của số không ngày nay.
Chân dung tác giả Charles Seife. Ảnh: Sigrid Estrada
Trong lời giới thiệu bản tiếng Việt, ông Lê Minh Hà, thuộc Viện Nghiên cứu Cao cấp về Toán Việt Nam (VIASM), nhận xét quyển sách mang nhiều thông tin thú vị. “Tác giả đưa ra những luận điểm dựa trên quan điểm triết học và tôn giáo xoay quanh khái niệm hư không và sự vô hạn để lý giải việc số 0 không có chỗ đứng ở phương Tây cổ đại nhưng lại bén rễ và phát triển rực rỡ ở phương Đông. Cuốn sách thu hút người đọc bằng những giai thoại, những mẩu chuyện hấp dẫn về cuộc đời và sự nghiệp của những con người gắn liền với lịch sử phát triển của các ý tưởng khoa học, những người với sự bền bỉ, dũng cảm và sáng tạo đã tạo nên những đột phá, những bước nhảy về nhận thức khi vượt qua những trở ngại, bế tắc đôi lúc do sự thiếu vắng hoặc lúc khác do sự hiện diện của số 0”, ông viết.
Charles Seife sinh năm 1972, là giáo sư khoa Báo chí kiêm giám đốc Học viện Báo chí Arthur L. Carter của Đại học New York, Mỹ. Ông viết nhiều bài báo khoa học cho các tạp chí như Science, The Economist, Wired, New Scientist, The Washington Post, New York Times. Năm 2008, tác giả phát hành quyển Sun in a Bottle: The Strange History of Fusion and the Science of Wishful Thinking (Mặt Trời trong cái chai: Lịch sử kỳ lạ của phản ứng tổng hợp hạt nhân và khoa học của tư duy mơ mộng), đoạt giải Davis Prize do Hiệp hội Lịch sử Khoa học Mỹ trao tặng năm 2009.
Phương Thảo
Nguồn tin: https://vnexpress.net/vai-tro-cua-so-0-4867079.html