Hà NộiPhụ nữ khỏa thân, phong cảnh Việt Nam là chủ đề nổi bật trong tranh của họa sĩ Nguyễn Ngọc Thọ.
Bộ sưu tập tranh của họa sĩ do nhà sưu tập Đào Danh Hưng cùng con rể Trần Cường giới thiệu sau khoảng 5 năm lưu trữ, chọn từ 200 tác phẩm của ông.
Triển lãm chia hai không gian, một phòng gồm những tác phẩm chất liệu sơn mài, sơn dầu trên toan, nơi còn lại là những tranh màu nước, bột màu trên giấy. Nguyễn Ngọc Thọ vẽ các loài vật như gà, dê, phong cảnh Việt Nam, hiện tượng thiên nhiên, phụ nữ khỏa thân.
Nhà sưu tập Trần Cường cho biết những năm 2012-2013, nhờ hàng xóm của Ngọc Thọ kết nối, bố con anh đã quen biết họa sĩ, thường xuyên qua nhà ông ngắm tranh. Tình yêu văn hóa, nghệ thuật là điểm chung gắn kết hai gia đình.
Thời điểm đó, tác giả tuổi cao sức yếu, phải điều trị trong bệnh viện. Trước khi họa sĩ mất, Đào Danh Hưng – Trần Cường mong muốn có thời điểm hợp lý sẽ phối hợp gia đình Nguyễn Ngọc Thọ làm sách và tổ chức triển lãm cho ông. “Sau quá trình dài tích lũy, có thể khẳng định đây là bộ sưu tập khá đầy đủ, khẳng định rõ chân dung, sự cống hiến của họa sĩ Ngọc Thọ qua nhiều giai đoạn, gắn với sự thay đổi của đất nước”, Trần Cường nói.
Tại sự kiện, họa sĩ Lê Huy Tiếp – học trò Nguyễn Ngọc Thọ – cho biết trân trọng và biết ơn người thầy của mình, dùng ba từ “lãng tử”, “đam mê”, sáng tạo” để miêu tả về ông.
Ngoài 75 bức họa tiêu biểu, cuốn sách ảnh về sự nghiệp mỹ thuật của Nguyễn Ngọc Thọ cũng được ra mắt. Sách tranh và triển lãm những tác phẩm còn lại của ông dự kiến ra mắt dịp kỷ niệm 100 năm sinh họa sĩ.
Nguyễn Ngọc Thọ (1925-2016) là họa sĩ thuộc thế hệ thứ ba của nền mỹ thuật hiện đại Việt Nam, sau Đông Dương và Kháng chiến. Ông là một trong 76 học viên của khóa Tô Ngọc Vân (1955-1957) – khóa đầu tiên của Trường Cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam sau ngày hòa bình lập lại. Tên tuổi của ông gắn với nhiều thể loại: sơn mài, sơn dầu, bột mầu, màu nước và tranh khắc gỗ đen trắng. Các sáng tác của họa sĩ nổi bật ở chất Á Đông đậm nét, mang dấu ấn văn hóa, lịch sử qua nhiều giai đoạn có tính bước ngoặt, góp phần ca ngợi tinh thần, vẻ đẹp con người, đất nước, quê hương.
Sinh thời, Ngọc Thọ được trao nhiều giải thưởng tại các triển lãm mỹ thuật trong nước và quốc tế. Ông nhận Huân chương kháng chiến hạng nhì (1986), giải thưởng 35 năm Hội Mỹ thuật Việt Nam, Huân chương lao động hạng nhất (1992), huy chương Vì sự nghiệp Mỹ thuật Việt Nam (1997), huy chương Vì sự nghiệp Văn học nghệ thuật Việt Nam (1999).
Phương Linh
Nguồn tin: https://vnexpress.net/trien-lam-75-tranh-cua-hoa-si-nguyen-ngoc-tho-4693579.html