Đọc ”Thắp hương xong/ Dựa lưng/ Vào ngôi mộ bên cạnh” (Viếng mộ ông bà) của Mai Văn Phấn, độc giả nói “thơ này ai làm cũng được”.
Hôm 20/2, một số câu thơ trong tập thả (2015) của tác giả Mai Văn Phấn được nhiều người bàn luận trên mạng xã hội, nhận ý kiến trái chiều. Các tác phẩm đều được đặt tên, nối liền nội dung bài, mỗi bài gồm ba câu, ghi lại những khoảnh khắc đời thường, ví dụ ”Vàng mã bén lửa/ Gió giật vội/ Mang đi” (Nơi đầu gió), ”Quét sạch/ Đất/ Lá rụng” (Dọn đường), ”Kêu chíp chiu/ Bay/ Tôi chưa kịp hiểu” (Chim chích bông).
Độc giả Trần Linh, 26 tuổi, Hà Nội, nhận định các bài thơ có sự sáng tạo, gợi liên tưởng thể loại Haiku của Nhật Bản song câu từ đơn điệu, tạo cảm giác tác giả chỉ xuống dòng một câu văn để ép nó thành thơ. ”Tôi nghĩ việc sáng tạo trong văn học rất đáng hoan nghênh nhưng mong rằng các tác giả có thể làm nên những bài thơ đúng nghĩa”, Trần Linh nói. Độc giả Hồng Hạnh, 27 tuổi, Hà Nội, nói tác phẩm nghệ thuật chưa đạt được thành công khi người đọc thấy khó kết nối, không đón nhận.
* Một số bài của tập thơ ”thả”
Trước một số ý kiến của bạn đọc cho rằng ”thơ ba câu như thế này thì ai cũng có thể viết”, ông Mai Văn Phấn quan niệm thi ca là ”ánh sáng khai thị cho con người bằng nghệ thuật ngôn từ, làm hiển lộ vẻ đẹp tâm hồn tác giả, tạo cõi sống khác”. Qua đó ông cho rằng người viết có thể làm thơ với bất kỳ thể thức nào, chủ đích lập ra một không gian mới. “Nếu người đọc không nhìn ra thế giới khác lạ trong văn bản thơ, họ sẽ không tìm thấy giá trị của thi ca”, tác giả nói.
Bìa tập thơ “thả” của tác giả Mai Văn Phấn. Ảnh: NXB Hội Nhà văn Việt Nam
Theo ông Mai Văn Phấn, thơ ba câu của ông có hình thức gần với thơ Haiku nhưng không tuân thủ niêm luật, tinh thần sáng tác của một số tên tuổi như Matsuo Basho, Yosa Buson, Kobayashi Issa. ”Ngôn ngữ trong bài thơ được tối giản, tăng khả năng biểu đạt của tiếng Việt, thể hiện những khuynh hướng nghệ thuật thị giác và âm nhạc”, ông nói.
Haiku là loại thơ cực ngắn của Nhật, một bài chỉ có ba câu, mười bảy âm tiết, ngắt thành 5-7-5, không đề, không chấm câu, nội dung thường đề cập thiên nhiên hay nội tâm cá nhân. Trong thơ Haiku cổ điển bắt buộc phải có kigo (quý ngữ) để miêu tả một mùa nào đó trong năm. Từ này có thể trực tiếp chỉ bốn mùa hoặc gián tiếp thông qua hình ảnh hoa, cây cỏ, động vật, các lễ hội.
Nhà thơ Mai Văn Phấn. Ảnh: Hội Nhà văn Việt Nam
Tập thơ thả gồm 1.017 bài, do Nhà xuất bản Hội Nhà văn phát hành, đã được dịch sang ngôn ngữ Anh, Tây Ban Nha, Hindi, một số bài được chuyển ngữ qua tiếng Hàn Quốc, Thụy Điển. Nhà thơ đặt tên thả bởi ”tính đa nghĩa của nó trong tiếng Việt”, cho rằng dù trong hoàn cảnh nào, chữ này vẫn thể hiện sự an nhiên, tự tại.
Nhà thơ Hoàng Thụy Anh từng viết: ”Mỗi bài trong tập thả là một bức họa. Chỉ vài nét phác thảo mà ghi lại, chụp lại nhịp sống, khoảnh khắc luân chuyển nguyên sơ, tự nhiên, trong khiết, tươi ròng của thiên nhiên bốn mùa cũng như vẻ đẹp tâm hồn thánh thiện, nồng hậu của con người”. Dịch giả Phạm Văn Bình nhận định: ”Thơ ba câu của Mai Văn Phấn là thơ tối giản, đa nghĩa, gần với nghệ thuật sắp đặt hiện đại. Mỗi bài của ông hoàn chỉnh, mang số phận riêng, đủ dữ liệu cho bạn đọc liên tưởng, nhận biết không gian trước mặt”.
Nhà thơ Mai Văn Phấn 70 tuổi, sinh tại Kim Sơn, Ninh Bình, hiện sống và làm việc ở Hải Phòng. Ông là hội viên Hội Nhà văn thành phố Hải Phòng, Hội Nhà văn Việt Nam. Tác giả từng xuất bản các tập thơ Giọt nắng (1992), Gọi xanh (1995), Cầu nguyện ban mai (1997) Nghi lễ nhận tên (1999), Vách nước (2003), Hôm sau (2009), hoa giấu mặt (2012), trường ca Người cùng thời (1999).
Phương Linh
Nguồn tin: https://vnexpress.net/tranh-cai-ve-tho-ba-cau-cua-mai-van-phan-4851959.html