TP HCMTrần Anh Hùng – Đạo diễn xuất sắc LHP Cannes 2023 với tác phẩm “The Pot-au-Feu” – ví tình yêu dành cho Việt Nam như hơi thở của ông.
Hôm 19/3, Trần Anh Hùng dự buổi ra mắt phim The Pot-au-Feu (tên Việt là: Muôn vị nhân gian, tên tiếng Anh: The Taste of Things). Sau chín tháng công chiếu ở nước ngoài, nghệ sĩ chọn Việt Nam là điểm dừng chân cuối cho tác phẩm. Dịp về nước, ông lần đầu cho biết về quan điểm làm phim và tình yêu dành cho quê hương.
– Sau tám năm – kể từ lần công chiếu phim “Eternité” (Vĩnh cửu), ông mới ra mắt một tác phẩm trong nước. Cảm xúc của ông ra sao?
– Mỗi lần về nước chiếu phim cho đồng bào của mình, tôi rất vui. Những dịp thế này khiến tôi nhớ lại đời làm phim. Buổi chiếu The Pot-au-Feu tại Cannes năm ngoái với tôi là một buổi xúc động. 30 năm trước, tôi đứng ở Cannes với Mùi đu đủ xanh, lần đầu tiên được nghe tiếng Việt vang lên trong một rạp phim tại Cannes, cảm xúc lúc đó rất mãnh liệt, khiến tôi như thấy ông bà tổ tiên đều hiện lên bên cạnh để nhắc mình nhớ về khoảnh khắc ý nghĩa đó. 30 năm sau, tôi làm một phim hoàn toàn về nước Pháp. Đó là một quá trình rất dài, nhiều thử thách.
Nếu có thể nói gì đó với khán giả, tôi chỉ cần khán giả đến và thưởng thức tác phẩm của mình. Khi tôi làm một bộ phim, tôi xem đó là món quà dành tặng cho mọi người. Tôi mong rằng số tiền khán giả bỏ ra đi xem phim sẽ không sánh được với những gì mà tác phẩm mang đến. Cũng giống như cảm giác của tôi khi ra hiệu sách, mua được một cuốn tuyệt tác của thế kỷ 17-19 chẳng hạn, thì số tiền của tôi bỏ ra mua cuốn sách đó chẳng đáng là bao. Thế nên, tôi dốc sức làm phim và tặng món quà cho khán giả. Tất nhiên, khán giả cũng có quyền từ chối nhận quà (cười).
– Từ cảm hứng nào ông thực hiện một phim về tình yêu và ẩm thực?
– Tôi cho rằng có hai điều quan trọng tác động đến nhiều phương diện trong cuộc đời của mỗi người là: Ẩm thực và tình yêu. Khi tôi đọc tiểu thuyết The Life and Passion of Dodin-Bouffant, Gourmet (1924), tôi tìm thấy ở một vài trang các nhân vật nói về ẩm thực rất hay, vì vậy, tôi quyết định thực hiện chủ đề này.
Bộ phim này đặt ra hai thử thách cho tôi. Phim bắt đầu bằng câu chuyện tập trung vào ẩm thực, nhưng thật ra càng xem, có thể người ta sẽ quên nó đi và đọng lại là câu chuyện tình. Ngoài ra, tình yêu trong phim là tình cảm vợ chồng – hầu như không có mâu thuẫn lớn, không kịch tính. Do đó, đạo diễn cần làm sao cân bằng được nội dung chính và các cảnh ẩm thực.
– Câu chuyện hậu trường nào của phim khiến ông thấy thú vị nhất?
– Dự án The Pot-au-Feu bắt nguồn từ 20 năm, khi tôi rất muốn làm một phim về nghệ thuật, chủ đề ẩm thực. Mãi đến sau này, tôi gặp minh tinh Pháp Juliette Binoche, cô ấy bày tỏ muốn hợp tác cùng tôi. Tôi nhận ra Juliette rất hợp vai Eugenie trong phim vì cũng là mẫu phụ nữ mạnh mẽ, độc lập và tự do. Khi đã có Juliette, tôi nghĩ ngay đến nhân vật nam sẽ do Benoit Magimel, chồng cũ của Juliette, đóng. Cả hai ngôi sao vốn có một cuộc ly hôn không êm đẹp lắm 21 năm trước, trong ngần ấy năm, họ không còn đóng cặp. Khán giả yêu điện ảnh có lẽ chờ đợi việc một ngày họ lại xuất hiện bên nhau trong một tác phẩm.
Khi tôi đề cập với Juliette sẽ mời Benoit đóng cùng cô ấy, cô cho rằng chồng cũ sẽ không đồng ý. Tuy nhiên, đọc xong kịch bản, Benoit nhận vai. Họ đã có màn tái hợp ăn ý.
– Từ “Mùi đu đủ xanh” đến “The Pot-au-Feu” – phim đậm chất văn hóa, con người Pháp, ông giữ “chất Việt” của mình qua tác phẩm ra sao?
– “Chất Việt Nam” là điều gì đó tự nhiên thấm vào tôi, trong cuộc sống và làm phim. Khi tôi thực hiện một tác phẩm nào đó, chất của mình cứ thế tự nhiên thể hiện, tôi không phải cố gắng để có được nó. Ở một phim không có liên quan gì về Việt Nam như The Pot-au-Feu, tôi vẫn nghĩ mình chịu ảnh hưởng chút gì đó từ văn hóa, con người của quê hương. Chẳng hạn, bộ phim The Pot-au-Feu phảng phất ảnh hưởng từ tác phẩm văn học Thương nhớ mười hai của Vũ Bằng, về cảm thức thời gian, bốn mùa và câu chuyện ẩm thực. Hay khi miêu tả đời sống thường nhật, ở cảnh lột da chân gà chuẩn bị món hầm, thông thường ở Pháp, người ta thui rồi mới lột da nhưng tôi lại muốn thể hiện cảnh đó theo cách người Việt thường làm.
Hiện, tôi bắt tay vào một dự án điện ảnh hoàn toàn làm việc cùng êkíp, nội dung về cuộc sống ở Việt Nam. Tôi viết kịch bản cùng một nhà văn nữ. Trong phim này sẽ không có bóng dáng người đàn ông nào, chỉ có một nhóm phụ nữ đi chơi với nhau, mỗi tháng một lần, họ chọn cùng nhau đến một địa điểm. Những nơi họ đến phải có một gian bếp, để họ có thể cùng đi chợ mỗi người nấu một món ăn. Trong những lần ăn uống, họ nói chuyện về đời sống, đàn ông, tình yêu.
– Khi Trần Anh Hùng đoạt Đạo diễn xuất sắc LHP Cannes, nhiều người nói tự hào vì lần đầu tiên có một đạo diễn Việt Nam được vinh danh ở giải thưởng điện ảnh danh giá thế giới, nhưng cũng không ít người cho rằng thật ra ông là một đại diện cho nền điện ảnh Pháp. Còn ông, ông nghĩ mình thuộc về nền văn hóa nào?
– Tôi yêu vẻ đẹp và sự hoàn hảo riêng của hai nền văn hóa. Tuy vậy, đúng là có một thời gian, tôi cảm giác như mình ngồi cùng lúc giữa hai chiếc ghế. Vì vậy, mỗi khi nghĩ chuyện mình là người Việt hay Pháp, trong tôi là một sự đấu tranh.
Nhưng càng lớn tuổi, theo thời gian, tôi chấp nhận chuyện mình sống giữa hai nền văn hóa. Thậm chí nhiều hơn nữa, bởi tôi còn thích văn hóa Nhật, phim Hollywood, thấy mình phù hợp với nhiều nơi. Tôi không quan trọng việc mọi người nhìn nhận tôi như thế nào, nghĩ tôi là ai, mà tôi quan trọng cảm xúc và cách mình nhìn bản thân như thế nào. Mỗi lần về Việt Nam, tiếp xúc với người Việt Nam, nhìn các cô gái để mái tóc đen dài, luôn khiến tôi thấy vui, phấn khởi. Khi tôi ở Pháp, nếu người ta hỏi tôi “anh là ai?”, “anh nghĩ anh là người Việt hay người Pháp?”, tôi sẽ đáp rằng: “Bây giờ anh chửi tôi bằng tiếng Pháp thì tôi thấy không sao. Anh thử chửi tôi bằng tiếng Việt đi, tôi sẽ giết anh” (cười).
– Ông làm thế nào để vượt qua được cảm giác của người “ngồi giữa hai chiếc ghế”?
– Có một câu chuyện vui trong cuộc sống đời thường của tôi thế này. Tôi thường hay bắt chước làm điều này điều kia theo vợ tôi – Yên Khê. Khi Yên Khê tập yoga, tôi cũng tập theo. Lần đầu tập, Yên Khê bày cho tôi cách hít thở bằng mũi. Sau này, Yên Khê tập khí công, tôi lại tập theo cách hít vào bằng mũi và thở ra bằng miệng. Rồi gần đây, tôi mới đi học bơi, người ta lại dạy tôi hít bằng miệng, thở ra bằng mũi. Cách nào cũng khó cả và tôi phải tập. Tôi liên tưởng câu chuyện học thở của mình với chuyện trước đây, khi tôi rời Việt Nam, sang Pháp sống, có lúc tôi đã tưởng mình “không thể thở nữa”, và tôi phải cố gắng để vượt qua cảm giác khó nhọc như mất đi hơi thở đó.
Dù sống ở Pháp lâu năm, tôi vẫn giữ ý thức cho việc giữ gìn tiếng Việt. Nhiều người hay hỏi vì sao tôi vẫn còn nói được tiếng Việt tốt. Thật ra, đó là điều tự nhiên, tôi không cố gắng gì cả. Tôi luôn thích thú việc nói và diễn đạt để mọi người hiểu mình thông qua tiếng Việt. Tôi vẫn giữ thói quen đọc sách, báo tiếng Việt, dù tôi đọc khá chậm.
– Nhắc về vợ mình, ông nghĩ Yên Khê giữ vai trò như thế nào trong sự nghiệp và cuộc sống của ông?
– Ở nhà Yên Khê là chủ căn bếp, là đầu bếp của tôi. Trên phim trường, cô ấy cũng là chủ. Khi tôi quay phim, Yên Khê luôn ngồi bên cạnh, cùng tôi theo dõi monitor, trao đổi những gì cần thiết. Lúc tôi hô “cắt”, Yên Khê sẽ chạy vào quan sát, có khi thay đổi này kia trong bối cảnh. Yên Khê phụ trách về thẩm mỹ cho các phim của tôi. Tất cả cảm giác thẩm mỹ khán giả thấy trong tác phẩm của tôi là nhờ cô ấy.
Trần Anh Hùng, 62 tuổi, sang Pháp định cư sau năm 1975, học chuyên ngành triết học tại một đại học. Sau lần tình cờ xem phim A Man Escaped (1956) của Robert Bresson, ông quyết định dấn thân vào con đường nghệ thuật, học trường điện ảnh danh tiếng École Louis-Lumière. Khi thực hiện những tác phẩm đầu tiên, đạo diễn theo đuổi những đề tài đậm tính Việt, như phim ngắn Người thiếu phụ Nam Xương (La Femme Mariée de Nam Xuong), chuyển thể Truyền kỳ mạn lục. Năm 1993, phim điện ảnh đầu tay Mùi đu đủ xanh – lấy bối cảnh Sài Gòn những năm 1950 – của đạo diễn nhận giải Caméra d’Or Liên hoan phim Cannes, được đề cử Oscar hạng mục Phim quốc tế xuất sắc.
Trong sách France and Indochina: cultural representations (2005), Carrie Tarr – giáo sư về Điện ảnh tại Đại học Kingston, Anh – nhận định phim của Trần Anh Hùng mang đến cho khán giả cái nhìn khác về Việt Nam, xóa bỏ hình ảnh một quốc gia nghèo đói, lạc hậu trong các bộ phim Mỹ và Pháp.
Quế Chi thực hiện
Nguồn tin: https://vnexpress.net/tran-anh-hung-toi-tung-mat-di-hoi-tho-khi-roi-viet-nam-4724416.html