Tinh hoa thi trong tác phẩm của Goethe, Schiller hay Heinrich Heine được chuyển tải qua “Nước Đức – cổ tích mùa đông”.
Sách tập hợp 108 bài thơ nhiều thể loại, sáng tác từ thế kỷ 18 đến giữa thế kỷ 20 của 17 tác giả. Theo dịch giả Phan Kim Hổ, thi ca Đức chịu ảnh hưởng của hai thời kỳ. Từ 1765-1786, thời Bão tố và Thôi thúc (Sturm und Drang) xuất hiện trào lưu dùng thi ca để phản kháng giới quý tộc, triều đình, tăng lữ, quân phiệt, chống lại bất công, độc đoán, quan điểm lỗi thời trong xã hội thời bấy giờ. Kế tiếp là thời kỳ Cổ điển Weimar (Weimarer Klassik) từ 1786-1832, mang dấu ấn của hai nhà thơ Goethe và Schiller, các tác phẩm có xu hướng nhân văn hơn, không còn đối đầu gay gắt như trước.
Bìa “Nước Đức – cổ tích mùa đông”, sách 308 trang ra mắt tháng 3 năm nay, Phan Kim Hổ tuyển chọn và dịch, NXB Thế giới và Phanbook liên kết ấn hành. Ảnh: Phanbook
Johann Wolfgang von Goethe được xem là đại văn hào lớn nhất nước Đức và thế giới. 200 năm sau ngày mất của ông, các tác phẩm vẫn được dịch ra nhiều thứ tiếng, phổ biến rộng rãi. Trong sách, dịch giả Phan Kim Hổ dịch thơ Goethe sang tiếng Việt:
“Trọn bên em là tim anh e ấp/ Và từng hơi thở dành cho em/ Tiết trời mùa xuân đượm hồng phong cảnh/ Vờn xung quanh khuôn mặt em yêu kiều/ Và trìu mến cho anh – hỡi bao thần thánh/ Mong thế, anh không xứng đáng bao nhiêu”.
Người đọc bắt gặp những sáng tác của Heinrich Heine, cha đẻ đoạn thơ từng xuất hiện trở lại, gây xôn xao mạng xã hội năm 2023: “Anh đã giấu người đời/ Chuyện em ăn ở bạc/ Anh ra tận biển khơi/ Kể cho tôm cá biết”. Theo dịch giả Phan Kim Hổ, thơ Heine mang tư tưởng phê phán hiện thực xã hội thời bấy giờ. Ông là nhân vật được ngưỡng mộ nhưng cũng gây nhiều tranh cãi tại Đức. Các tác phẩm của ông được dịch ra nhiều thứ tiếng, Franz Schubert, Robert Schumann phổ nhạc.
Heinrich Heine viết về tình yêu tan vỡ trong Và nếu hoa biết, những hoa bé bỏng. Ông mong các loài hoa, chim sơn ca, ngôi sao hiểu sự đau khổ của mình. Sau cùng, nhà thơ nhận ra thực tại cay đắng, chỉ có con người mới thực sự thấu hiểu nỗi đau đó.
Trích bản dịch thơ của Phan Kim Hổ:
“Và nếu hoa biết, những hoa bé bỏng/ Trái tim tôi thương tổn nặng dường nào/ Hoa sẽ cùng với tôi than khóc/ Để chữa lành trong tôi nỗi đau/ Và nếu lũ chim sơn ca có biết/ Tôi u sầu và bệnh tật biết bao/ Chim sẽ hát vang lên ríu rít/ Tiếng ca hót thánh thót vui sao/ Và những ngôi sao hoàng kim bé nhỏ/ Nếu biết tôi đang chịu đau buồn/ Sẽ giáng hạ từ trời cao trên đó/ Và sà vào an ủi tôi luôn/ Tất cả chúng đều không biết lý lẽ/ Chỉ một người thấu hiểu nỗi đau thôi/ Cô ấy đã tự tay mình xé/ Xé tan nát cả trái tim tôi”.
Ngoài ra, sách giới thiệu các sáng tác của Hoffmann von Fallersleben – tác giả Bài ca của người Đức, thi phẩm được phổ nhạc và chọn làm Quốc ca Đức.
Nước Đức – cổ tích mùa đông viết về lịch sử thi ca, thể loại, cấu trúc, vần thơ và tiểu sử các tác giả. Sách viết: “Thơ Đức có nhiều thể loại như xô-nê (Sonett), thơ ngợi ca (Ode), tụng ca (Hymne): Một bài bao gồm các câu thơ (Vers), có thể chỉ là vài câu hoặc vài chục, thậm chí hàng trăm, hàng ngàn câu. Như vậy, số câu trong một bài thơ không giới hạn. Kỷ lục là tác phẩm kịch thơ Faust của Goethe với 12.111 câu”.
Dịch giả Phan Kim Hổ cho biết đã nghiên cứu bối cảnh ra đời từng tác phẩm cùng trào lưu nghệ thuật đương thời để khơi nguồn cảm xúc cho người đọc. Cấu trúc thơ được giữ chặt chẽ, niêm luật, cách gieo vần, số lượng âm tiết trong câu sát thơ gốc, kết hợp thanh điệu của tiếng Việt, tạo nên những vần thơ trầm bổng du dương. Ông đưa vào sách nhiều đề tài thơ, cho thấy đời sống văn hóa, phản ánh hiện thực xã hội và lịch sử quốc gia. Dịch giả chủ trương dịch sát nghĩa, tránh suy diễn thái quá nội dung tác phẩm. “Chúng tôi cố gắng chuyển âm phần nào, chọn và sắp xếp từ ngữ, bằng trắc sao cho bài dịch vẫn là thơ, có vần nhịp và giai điệu trầm bổng như thơ tiếng Việt nhưng vẫn giữ trọn vẹn hồn của bài thơ mà tác giả đã gửi gắm”, ông viết trong lời tựa sách.
Nhà nghiên cứu Bùi Văn Nam Sơn cho biết tuyển tập thơ như một nhịp cầu nối liền Việt Nam và Đức, khơi gợi tình yêu thi ca vốn có trong lòng người Việt.
Dịch giả Phan Kim Hổ sinh năm 1951 tại TP HCM, du học Đức từ năm 1970. Ông là đồng dịch giả nhiều sách chuyên ngành của Hội Tương trợ và Hợp tác Đức – Việt (VSW) và Quỹ Thời báo Kinh tế Sài Gòn (STF), các cuốn sách của tiến sĩ Đức gốc Việt Nguyễn-Kim Mai Thi: Ngộ quá, cái gì cũng hóa! (2021) và Đừng như con ếch lên dây cót (2024).
Châu Anh
Nguồn tin: https://vnexpress.net/the-gioi-thi-ca-trong-nuoc-duc-co-tich-mua-dong-4867876.html