Thái Hòa nói như sống trong một trận chiến thực sự, mỗi ngày chỉ ăn gạo rang trên phim trường khi vào vai chiến sĩ du kích phim “Địa đạo”.
Anh vào vai đội trưởng nhóm du kích bám trụ ở Củ Chi sau trận càn Cedar Falls (1967) của Mỹ, trong tác phẩm của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên. Dịp này, Thái Hòa nói về nhiệt huyết làm nghề ở tuổi ngoài 50.
– Hai năm dồn sức cho tác phẩm, cảm xúc của anh ra sao ngày phim ra rạp?
– Hôm phim công chiếu ở TP HCM, tôi về sớm, không ở lại xem cùng êkíp. Tôi thích cảm giác mua vé ra rạp, chọn một chỗ ngồi cùng khán giả hơn. Tôi hạnh phúc khi nhận được những phản hồi tích cực về diễn xuất. Nhiều người hỏi tôi về cái khổ khi đóng phim này, song tôi thích nói nhiều hơn về những cái sướng. Sau thời gian chỉ đóng các phim hài, kinh dị, tâm lý – tình cảm, tôi được thử thách với một tác phẩm khó về thể loại lẫn bối cảnh, cảm giác như lao vào một trận chiến thật sự.
Tôi may mắn khi tham gia dự án. Chưa từng có một phim chiến tranh – đề tài vốn mạo hiểm về doanh thu – được các nhà sản xuất tư nhân đầu tư đến nơi đến chốn như vậy. Khi nhận vai, tôi chủ động bàn với êkíp giảm một nửa cátxê đóng phim, như một cách cùng họ san sẻ những áp lực. Tôi nghĩ chuyện tiền bạc ở đây nhỏ lắm, vì từng chứng kiến nhiều người trong êkíp làm việc với cường độ khủng khiếp. Như đạo diễn Bùi Thạc Chuyên mất hơn 10 năm để viết kịch bản, thai nghén tác phẩm.
Tạo hình Thái Hòa trong vai Bảy Theo. Ảnh: Thanh Huyền
– Anh chuẩn bị cho vai diễn ra sao?
– Trước khi bấm máy, tôi lo đủ thứ tới mức gặp stress. Tôi sợ không giảm đủ cân, không thể hiện đúng tâm lý nhân vật. Chúng tôi có hai tháng tập luyện, rèn thể lực, chuẩn bị trước khi ghi hình.
Về thể trạng, tôi áp dụng chế độ siết cân để có thân hình phù hợp. Nhiều ngày, đến phim trường, tôi chỉ ăn gạo rang, bên cạnh đó vẫn phải đảm bảo sức khỏe theo yêu cầu của đạo diễn. Chúng tôi còn phải tập cúi người đi trong mô hình địa đạo với đường kính chỉ khoảng 50 cm. Các diễn viên trẻ như Anh Tú Wilson có thể làm việc này dễ dàng, còn có tuổi như tôi đi một chốc đã mỏi nhừ lưng. Dần dà, người tôi nhẹ nhàng hơn, cơ lưng dẻo dai, có thể luồn lách suốt ngày. Chúng tôi còn trải qua một tháng được Bộ tư lệnh TP HCM tập luyện với súng thật, học cách chiến đấu với các loại vũ khí.
Với những đoạn phức tạp về tâm lý, tôi bàn trước với anh Chuyên về lối diễn. Tôi dành nhiều tháng xem kỹ các video tư liệu trên YouTube về Củ Chi, về đội quân Mỹ chuyên lùng sục địa đạo. Đoàn phim tổ chức cho diễn viên các chuyến gặp gỡ, trò chuyện với những cô chú cựu chiến binh, trong đó có anh hùng lực lượng vũ trang Tô Văn Đực – người góp phần chế tạo mìn gạt trong cuộc chiến ở Củ Chi. Tuy nhiên, quan trọng nhất vẫn là phải bám vào kịch bản để hình dung đường dây câu chuyện, mọi thứ khác chỉ là tham khảo để tưởng tượng ra không khí thời chiến.
Hậu trường dàn diễn viên ‘Địa đạo’ rèn thể lực
Thái Hòa (0:57) trong hậu trường tập bắn súng, rèn thể lực cho phim “Địa đạo”. Video: Đoàn phim cung cấp
– Cảnh quay nào đáng nhớ nhất với anh?
– Đoạn đầu phim – Bảy Theo dẫn Hai Thưng (Hoàng Minh Triết đóng) khám phá địa đạo – là một trong những cảnh khó xử lý nhất với tôi. Chúng tôi mất 20 lần ghi hình vì phải phối hợp với bộ phận ánh sáng, âm thanh. Hầm rất kín, chúng tôi vừa quay vừa ngộp thở, lưng mỏi nhừ, mồ hôi nhễ nhại. Tuy nhiên, anh em quay phim mệt mỏi hơn gấp 10 lần. Chúng tôi di chuyển trong địa đạo ra sao thì cameraman phải bám theo như thế cùng máy quay nặng 9-10 kg.
Cũng có những cảnh không vất vả về thể lực nhưng khó về tâm lý, như phân đoạn Bảy Theo biết tin nhiều chiến sĩ, trong đó có con gái anh, hy sinh. Tôi nhận được thắc mắc rằng vì sao ở phân cảnh đó, nhân vật lại không bật khóc. Theo tôi, đó là một phần đặc thù của thời chiến. Nhiều người lính – nhất là chỉ huy như Bảy Theo – không được rơi nước mắt trong những hoàn cảnh đớn đau nhất. Họ không thể thả bản thân theo dòng cảm xúc để gây ảnh hưởng đến đồng đội, mà buộc phải vượt qua.
– Anh còn tiếc nuối gì khi xem lại diễn xuất của mình?
– Tôi đã dồn hết tâm sức cho các phân cảnh, chỉ xót vì một số đoạn bản thân tâm đắc đã bị đạo diễn cắt đi, trong đó có cảnh kết của Bảy Theo. Ban đầu, nhân vật có cảnh trao lại cuốn sổ ghi công trạng của các chiến sĩ cho Ba Hương (Hồ Thu Anh) và Tư Đạp (Quang Tuấn), trước khi hy sinh. Đó là cảnh cho thấy lý tưởng của Bảy Theo – người sống vì đồng đội. Tuy nhiên, đạo diễn chọn một kết thúc khác. Dù hơi buồn, tôi hiểu quyết định của anh Chuyên là hợp lý để phim trọn vẹn hơn về tổng thể.
Trailer phim “Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối”
Trailer “Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối” (dán nhãn 16+). Video: Đoàn phim cung cấp
– Anh nghĩ gì về những lời nhận xét Thái Hòa là “ông hoàng phòng vé”, gương mặt bảo chứng cho tác phẩm?
– Thú thực, tôi áp lực với những danh xưng đó thay vì tự hào, bởi phim tôi đóng lỗ nhiều hơn lời. Tôi đã cố gắng sống hết mình với tác phẩm, còn việc đến với khán giả ra sao, đạt doanh thu thế nào là câu chuyện của nhà sản xuất.
Với tôi, mỗi vai diễn đều có đời sống riêng biệt. Bảy Theo là một trong những đứa con tinh thần, cũng như nhiều nhân vật trước đó của tôi. Khi nhận kịch bản, tôi không có thói quen phân biệt phim chính thống, nghệ thuật hay thương mại. Tôi yêu diễn xuất, do đó cũng yêu cảm giác được sống cùng nhân vật.
Thái Hòa ở buổi ra mắt phim “Địa đạo” tại TP HCM hôm 31/3. Ảnh: Thanh Huyền
– Ít đóng phim, anh trang trải cuộc sống ra sao?
– Tôi không quá giàu nhưng cũng không thấy thiếu thốn gì. Tôi nghĩ cuộc đời tôi gói gọn trong chữ “đủ” – cái “đủ” đến từ bên trong. Trong tay có 700-800 triệu đồng mà mơ đến 70-80 tỷ đồng thì chắc chẳng bao giờ thấy thỏa mãn. Với cátxê hiện tại, tôi lo cho con cái học hành, giúp đỡ được một số người. Tôi cũng không biết thù lao đóng phim của tôi là nhiều hay ít so với mặt bằng (cười).
– Gần 20 năm tham gia điện ảnh, anh giữ “lửa” nghề bằng cách nào?
– Một điều kỳ lạ là từ thập niên 1990, lúc bước vào trường Sân khấu Điện ảnh TP HCM đến giờ, tôi vẫn giữ nguyên đam mê diễn xuất, chưa có cảm giác chai sạn. Một số đạo diễn nói may mắn khi có Thái Hòa góp mặt trong dự án, nhưng tôi không thấy vậy. Tôi hạnh phúc khi được nhiều nhà làm phim tìm đến, có lẽ do thấy được tình yêu nghề ở tôi.
Tôi toàn tâm toàn ý làm nghề là nhờ bà xã. Cô ấy cũng là người khuyên tôi nhận kịch bản Địa đạo, sau khi đọc qua câu chuyện, cảm động trước hình ảnh người lính. Cuốn hồi ký của ông ngoại vợ tôi – một chiến sĩ từng chiến đấu ở Củ Chi – là nguồn tư liệu quý giúp tôi nhập vai. Thời gian tôi lên phim trường, vợ ở nhà quán xuyến gia đình, chăm lo con cái. Tôi ít bạn bè nên những lúc vướng khúc mắc, chỉ có vợ giúp tôi tháo gỡ. Tôi thường ví cô ấy như tia sáng, luôn kề cận để từ đó, tôi không bao giờ lạc đường.
Thái Hòa diễn cảnh tự tát vào mặt 40 lần
Thái Hòa diễn cảnh tự tát vào mặt 40 lần khi đóng người cha nghiện rượu trong hậu trường “Con Nhót mót chồng” (2023). Video: Đoàn phim cung cấp
Thái Hòa, 51 tuổi, sinh tại TP HCM, vào nghề từ những năm 1990. Những năm 2000, anh thành công trên sân khấu hài, như chương trình Gala Cười 2003. anh gây ấn tượng với nhiều tác phẩm điện ảnh Để Mai tính, Long Ruồi, Cưới ngay kẻo lỡ. Năm 2020, anh tham gia Tiệc trăng máu của đạo diễn Quang Dũng – tác phẩm vào top năm doanh thu phim Việt cao nhất mọi thời khi đó (175 tỷ đồng).
Năm 2021, anh góp mặt trong series Cây táo nở hoa. Năm 2023, anh đoạt hai danh hiệu Nam diễn viên chính xuất sắc điện ảnh (Con Nhót mót chồng) lẫn truyền hình (Mẹ Rơm) tại giải Cánh Diều. Thái Hòa cũng giành Nam diễn viên chính xuất sắc tại Liên hoan phim Việt Nam 2023. Ngoài diễn xuất, anh là biên kịch, tác giả của hai dự án ăn khách – Người vợ ma và Quả tim máu.
Mai Nhật
Nguồn tin: https://vnexpress.net/thai-hoa-toi-may-man-khi-dong-chinh-dia-dao-4870410.html