Sài Gòn – TP HCM mang tinh thần trẻ trung, hiện đại, nơi từng con đường, góc phố có thể là sàn diễn để giới trẻ tự do thể hiện phong cách cá nhân.

Trong một bài viết về TP HCM năm 2020, tạp chí Vogue ví sự biến chuyển trong thời trang là tấm gương phản chiếu bộ mặt văn hóa, kinh tế và đời sống người nơi đây. Như “một cái chớp mắt” – từ những ngày gắn với tấm áo ngũ thân mộc mạc hơn 300 năm trước, Sài Gòn hôm nay vươn mình thành đô thị ngập tràn màu sắc.

Những năm 1950, thành phố có sự giao thoa giữa phong cách Á – Âu do ảnh hưởng của Pháp và một phần văn hóa Mỹ. Đàn ông công chức, trí thức chuộng những bộ vest may đo, kết hợp sơ mi dài tay cài măng séc (manchette), quần Dormeuil và giày da verni bóng, với mũ phớt, cà vạt bản nhỏ, đồng hồ dây da. Những người du học ở Pháp về thì đeo đồng hồ Oméga, bút máy Waterman hay Parker nắp vàng gài ở túi ngực áo. Còn người lao động diện áo bà ba nâu hoặc đen, quần lửng, nón lá – hình ảnh đậm chất Nam Bộ.

Với phụ nữ, thời trang thể hiện sự thanh lịch. Ngoài áo dài, họ diện những bộ đầm chiết eo, áo blouse in hoa lá phối cùng giày bệt, sandals hay kitten heels (giày gót thấp).
Cuối những năm 1950, áo khoác da, áo phông trắng và quần jeans xuất hiện. Cánh mày râu có thêm sự lựa chọn với giày oxford, loafer cho dịp trang trọng, giày thể thao, sandals được sử dụng ngày thường, mang đến sự thoải mái và hiện đại.
Sài Gòn năm 1945 qua ống kính của Michael Rogge
Dù phong cách phương Tây có lan tỏa đến đâu, áo dài luôn là biểu tượng đẹp của phụ nữ Sài Gòn. Từ kiểu áo chiết eo vốn ôm sát cơ thể, nay eo được thắt sâu hơn, cổ thuyền hay cổ tim theo phong cách lấy cảm hứng từ mẫu thiết kế của bà Trần Lệ Xuân.
Từ năm 1958, áo cổ thuyền do đạo diễn Thái Thúc Nha sáng tạo được ưa chuộng vì tôn phần cổ, bờ vai của người mặc, phù hợp thời tiết nhiệt đới. Ngoài ra, áo dài Raglan áp dụng từ kiểu ráp tay của đầm phương Tây được xem là một trong những chi tiết “tân thời”, có sức ảnh hưởng đối với áo dài Việt hiện đại. Trong thập niên này, các nhà may Sài Gòn còn sáng tạo nên kiểu áo dài midi gồm ba mảnh – một thân sau và hai thân trước, có sự cách tân nhưng vẫn giữ nét cổ điển. Quần của áo dài cũng có nhiều biến tấu, may bằng hai lớp mỏng hoặc ứng dụng kiểu cắt vải xéo yểu điệu hơn.

Năm 1953, trên con phố Pasteur – nơi sầm uất bậc nhất Sài Gòn khi ấy, một “phù thủy đường cong” xuất hiện: Nhà may Thiết Lập, một trong những nơi đặt nền móng và đưa áo dài vươn lên hàng thời trang cao cấp ở mảnh đất này. Qua lời kể của thế hệ trước, ông Nguyễn Văn Vinh, 58 tuổi, truyền nhân đời thứ ba của nhà may Thiết Lập, nhớ lại “Đàn bà, con gái thời ấy, thậm chí cả người buôn kẻ bán ở chợ Tân Định, Đa Kao, khi ra đường đều mặc áo dài. Ai nấy đều duyên dáng, thanh lịch”.
“Chuẩn mực của chiếc áo dài đẹp thời điểm đó là phải có phần thắt eo nhỏ, tà áo rộng, có độ rủ nhất định. Áo dài cũng có nhiều cách biến tấu để tạo sự linh hoạt, không nhàm chán, ví dụ cổ áo khoét sâu, cổ tim, cổ lá sen, nhưng cổ cao truyền thống vẫn được lựa chọn nhiều nhất”, ông nói.
Nhưng Sài Gòn đâu chỉ có Thiết Lập. Vài năm sau khi nhà may này ra đời, đầu thập niên 1960, các bà các cô có thêm hai địa chỉ để sắm sửa những tấm áo mới. Thiết Lập, Bích Hùng và Nha trở thành ba tiệm nổi nhất bấy giờ, vẫn còn tồn tại đến ngày nay như chứng nhân lịch sử, ôm trong mình bao đổi thay của thành phố.

Từ năm 1955, trước sức ảnh hưởng của văn hóa Mỹ, trang phục được cách tân trong từng thớ vải, đường kim. Những tấm vải in hoa, chấm bi, các loại vải tổng hợp dần thay thế nét mềm mại của lụa truyền thống. Phụ nữ bước ra từ những con hẻm nhỏ với váy ngắn ôm sát đường cong, váy midi chữ A xòe nhẹ, quần capri hay ống loe tôn chân. Có người lại diện jeans bụi bặm với sơ mi bó hay crop top ngắn khoe eo.

Thời kỳ này, chị em mê giày búp bê, cao gót mũi nhọn hay đế xuồng, kính râm, khăn turban quấn quanh tóc uốn lọn hoặc bới cao kiểu tổ ong. Nhiều cô gái cắt phăng mái tóc dài truyền thống, thử tóc pixie uốn nhẹ, kẻ mắt mèo, chuốt mascara dày, gắn mi giả cong vút, tô son đỏ hay san hô rạng rỡ, má phớt hồng. Tất cả mang hơi thở Hollywood, phảng phất bóng dáng của những biểu tượng thời trang như Brigitte Bardot, Twiggy.
Trang phục của đàn ông với vest ve áo rộng và quần vải ống loe bắt đầu xuất hiện ở thành phố giữa thập niên 1970, phản ánh xu hướng ăn mặc theo văn hóa disco, tạo nên diện mạo lịch lãm mà vẫn phong trần.
Làn sóng rock & roll cùng hơi thở hippie cũng tác động mạnh đến thời trang giới trẻ. Những chàng trai khoác lên mình áo da bóng, đeo kính mát to bản che nửa gương mặt, chân xỏ bốt cổ cao hoặc giày lười. Mái tóc bồng bềnh như sóng, chải ngược hoặc rẽ ngôi, được vuốt keo hay buông tự nhiên bỗng trở thành xu hướng. Sơ mi hoa sặc sỡ, quần jeans ống loe, giày bata trắng và tóc dài chấm vai trở thành hình ảnh quen thuộc của những chàng trai lái Vespa, Lambretta lướt trên đường Nguyễn Huệ.
Giữa sự đổi thay ấy, áo dài cũng được sáng tạo, cải biên triệt để. Eo áo được xếp ly tinh tế, bóp nhỏ đến nghẹt thở. Có những cô gái mặc nịt ngực bó bụng, cốt sao cho vòng eo con ong hiện ra dưới lớp áo mỏng. Tới năm 1968, áo dài hippy ra đời với phần vạt ngắn hơn, xẻ tà hai bên, không còn chít eo cầu kỳ, cổ thấp phóng khoáng, đi cùng quần dài ống rộng tới 60 cm hoặc quần tây. Kiểu áo này được chị em chọn mãi đến giữa thập niên 1990.

Sau ngày thống nhất đất nước 30/4/1975, Sài Gòn bước vào giai đoạn hậu chiến với những chuyển động sâu sắc. Thành phố hướng đến sự giản dị, tiết kiệm, phù hợp thời cuộc. Nhưng ngay trong sự tối giản ấy, phong cách riêng vẫn hình thành, phản ánh gu thẩm mỹ.
Những năm đầu thập niên 1980, phụ nữ ưu tiên trang phục tiện dụng. Áo bà ba may từ vải nội địa, quần lụa đen, sơ mi cotton với hoa văn nhỏ, đơn sắc là lựa chọn phổ biến. Giày dép cũng đơn giản hóa với sandals quai hậu hoặc dép tông, dép lốp làm từ cao su tái chế. Những chiếc áo dài dần trở nên vắng bóng, không còn được mặc hàng ngày mà trở thành trang phục chỉ xuất hiện trong một số dịp đặc biệt như lễ Tết hay đám cưới. Nhiều người tận dụng lại vải cũ để may áo dài mới.

Ở những gia đình khá giả, phụ nữ thường mặc sơ mi cổ sen, váy cổ điển và đeo đồng hồ, vòng cổ ngọc trai, đi cùng guốc gỗ sơn mài hay giày búp bê, tạo nét duyên dáng khi dạo phố. Từ năm 1984 trở đi, những cô dâu giàu có đã có thể chọn đầm cưới chữ A làm bằng lụa satin, bên cạnh áo dài truyền thống.
Với đàn ông, họ ưu tiên những trang phục tiện dụng như áo polo, sơ mi cộc tay bằng vải Tô Châu, quần tây ống suông kết hợp dép tổ ong – vật dụng kinh điển trong những năm tháng khó khăn. Những người làm công việc văn phòng thường diện sơ mi trắng và quần tây sẫm màu, hướng đến vẻ gọn gàng, lịch thiệp.
Bước sang thập niên 1990, nền kinh tế bắt đầu có sự khởi sắc, kéo theo sự trở lại của thời trang phương Tây cùng phong cách grunge và hip hop. Những bộ phim của Hong Kong, Đài Loan cũng ảnh hưởng đến lối ăn mặc của người dân với các kiểu sơ mi rộng, quần vải thụng, quần jeans cạp cao, váy hoa. Những món đồ second-hand từ chợ trời Sài Gòn trở thành “báu vật” của giới trẻ. Nào quần jeans mài rách, nào áo phông in hình ca sĩ, nhóm nhạc, sơ mi vải flannel oversized, áo khoác denim, sneakers trắng. Những tay chơi yêu phong cách bụi bặm thì diện áo khoác denim, đội mũ lưỡi trai. Tất cả phản ánh sự ảnh hưởng mạnh mẽ từ văn hóa pop của thế giới.

Phụ nữ thời này bắt đầu có nhiều lựa chọn hơn trong cách ăn mặc. Các thiết kế may từ vải nhập khẩu dần xuất hiện ở các con phố trung tâm. Những người sành điệu có thể diện váy lụa satin, áo khoác len mỏng phối vòng ngọc trai. Giày gót cao, túi xách nhỏ nhắn cũng trở thành phụ kiện yêu thích. Ngành công nghiệp mỹ phẩm, làm đẹp quốc tế ùa vào, mang theo xu hướng môi thâm, lông mày lá liễu. Nhà thiết kế Liên Hương nhận xét: “Người dân nơi này rất nhạy cảm với thời trang, trình độ am hiểu cao, có sự chắt lọc trước làn sóng của thế giới”.
Thập niên 1990 có thể xem là giai đoạn hình thành nền tảng quan trọng cho ngành thời trang Việt. Đây là thời điểm sản xuất, tiêu dùng và trình diễn thời trang bắt đầu có tiếng nói chung, đặt nền móng cho sự phát triển của các thương hiệu nội địa, các nhà thiết kế và người mẫu.
Nền kinh tế từ cuối những năm 1980 đã mở ra một chương mới cho lĩnh vực dệt may – vốn từng gắn với sản xuất nhỏ lẻ và thị trường nội địa – trở thành một trong những ngành xuất khẩu chủ lực của quốc gia.
Những doanh nghiệp may mặc nhà nước như May Việt Tiến, May Nhà Bè, May Thắng Lợi giữ vai trò tiên phong trong giai đoạn này. Không chỉ đảm nhận sản xuất phục vụ nhu cầu trong nước, các công ty nhanh chóng chuyển mình để đáp ứng đơn hàng nước ngoài. Từ đầu thập niên 1990, họ bắt đầu ký kết các hợp đồng xuất khẩu lớn sang Nhật Bản, châu Âu và Mỹ, đánh dấu sự xuất hiện của hàng may mặc “Made in Vietnam” trên thị trường quốc tế.
Bên cạnh vai trò kinh tế, các doanh nghiệp lớn này còn ảnh hưởng rõ rệt đến thói quen tiêu dùng, thúc đẩy người dân mua hàng may sẵn thay vì may đo như trước. Họ từng bước định hình phong cách ăn vận công sở cho tầng lớp trí thức và trung lưu thành thị. Những chiếc sơ mi trắng Việt Tiến, quần âu Nhà Bè, vest công sở may sẵn trở thành lựa chọn quen thuộc, có mặt tại các cửa hàng quốc doanh và siêu thị lớn.

Một cái tên khác để lại dấu ấn sâu đậm với người tiêu dùng miền Nam là Thái Tuấn. Ra đời năm 1993, từ một xưởng dệt nhỏ chuyên sản xuất vải gấm và polyester cung cấp cho các tiệm may địa phương, công ty nhanh chóng trở thành thương hiệu được ưa chuộng trong phân khúc vải may áo dài, đồng phục học sinh, công sở dành cho nữ.
Thời điểm đó, trong khi các loại vải thông thường như cotton, kate có giá dưới 10.000 đồng một thước, gấm Thái Tuấn được xếp vào nhóm cao cấp với mức giá dao động từ 15.000 đến 40.000 đồng một thước.
Trong các dịp Tết, cưới hỏi hay sự kiện trọng đại, vải gấm Thái Tuấn thường được lựa chọn làm quà tặng hoặc để may trang phục, vừa thể hiện sự trang trọng, vừa mang giá trị truyền thống được cách tân.
Nhiều cá nhân thời kỳ này để lại đóng góp to lớn, tạo nền tảng cho thời trang trong nước phát triển mạnh mẽ, tiêu biểu là Minh Hạnh, Sĩ Hoàng. Nhờ họ, khái niệm nhà thiết kế bắt đầu được biết đến ở Việt Nam, đi kèm các sản phẩm áo dài, trang phục dự tiệc. Dưới sự dìu dắt của họ, nhiều thế hệ học trò thành công, có sức ảnh hưởng ngày nay như Nguyễn Công Trí, Võ Công Khanh.
Nhờ những nhà thiết kế tiên phong, áo dài được lăng xê trở lại, cải biên phù hợp thời đại mới. Từ tà áo hippy, thiết kế trở nên mềm mại hơn nhờ tà dài với cổ thuyền, tay lửng, siết eo và tôn dáng.
Từ năm 1989, Sĩ Hoàng tiên phong đưa hội họa vào áo dài, biến tà áo truyền thống thành một tác phẩm nghệ thuật với những bức tranh hoa lá, phong cảnh, họa tiết lập thể. Trong khi ấy, với lòng say mê thổ cẩm, Minh Hạnh đưa chất liệu này lên áo dài, tạo sự mới lạ.

Sự phát triển mạnh mẽ của ngành dệt may kéo theo nhu cầu thể hiện và thưởng thức thời trang. Nhiều chương trình chuyên nghiệp đầu tiên xuất hiện, nổi bật nhất là Duyên Dáng Việt Nam do báo Thanh Niên tổ chức từ năm 1994. Đây không chỉ là sự kiện văn hóa, nghệ thuật mà còn là sân chơi sáng tạo của các nhà thiết kế.
Bên cạnh đó, sự phát triển của các cuộc thi người mẫu và hoa hậu cũng đóng vai trò quan trọng định hình thị trường thời trang trong nước. Hoa hậu Việt Nam được tổ chức định kỳ từ năm 1988, ngày càng thu hút công chúng với các phần trình diễn trang phục dân tộc, dạ hội và áo dài. Chương trình Siêu mẫu Việt Nam, ra đời năm 1994, đã mở đường cho nhiều gương mặt chuyên nghiệp sau này như Trần Thu Hằng, Hoàng Khánh Ngọc, Võ Hoàng Yến, Ngọc Thạch, Lan Khuê.
Không thể không nhắc đến các địa điểm đã trở thành “sân khấu” của thời trang Việt trong giai đoạn đầu này. Nhà Văn hóa Thanh Niên và Nhà Thiếu nhi TP HCM thường xuyên tổ chức các buổi biểu diễn đồ ứng dụng – công sở, dạo phố – do các thương hiệu như An Phước, Việt Tiến thực hiện, thu hút sự quan tâm lớn từ công chúng, nhất là giới trẻ thành thị. Trong khi đó, các khách sạn năm sao như Rex, Caravelle, New World lại là nơi tổ chức những show cao cấp, bộ sưu tập cá nhân, phục vụ giới thượng lưu và doanh nhân.
Không chỉ thời trang nội địa phát triển, TP HCM thời kỳ này còn đón nhận luồng gió mới là những thương hiệu quốc tế du nhập. Các cửa hiệu của Giordano, Bossini, Levi’s với mặt kính sáng bóng bắt đầu xuất hiện trong các trung tâm mới mở như Saigon Centre (từ năm 1996), Diamond Plaza (từ năm 1999). Những chiếc áo thun Levi’s, quần jeans ống đứng cứng cáp, giày Nike trắng, kính Ray-Ban được nhiều thanh niên khi ấy khát khao sở hữu.

Bước sang thế kỷ 21, TP HCM không chỉ là trung tâm kinh tế mà còn trở thành thủ phủ thời trang của cả nước. Nếu Hà Nội mang vẻ đẹp trầm tĩnh với những bộ cánh cổ điển, TP HCM đại diện cho tinh thần trẻ trung, hiện đại, không ngừng thay đổi để bắt kịp dòng chảy thế giới.
Những năm đầu 2000, nhịp sống trở nên sôi động. Từ trung tâm thương mại đến các khu chợ truyền thống, đâu đâu cũng tràn ngập xu hướng ăn mặc mới. Những chiếc quần cạp trễ, croptop ôm sát, quần ống thụng hip hop tạo nên nét phóng khoáng cho giới trẻ.

Phong cách Y2K bắt đầu nở rộ với quần legging, chân váy mini xếp ly, áo cardigan, áo buộc vạt – những món đồ xuất hiện trong phim Hàn Quốc như Full House hay Boys Over Flowers. Britney Spears, Christina Aguilera hay các nhóm nhạc Kpop thế hệ đầu như H.O.T, Baby V.O.X, BoA cũng trở thành nguồn cảm hứng cho lớp thanh niên, với áo hai dây, kính râm màu sắc, boot cao cổ và những bộ đồ denim.
Phụ nữ giai đoạn này linh hoạt trong ăn vận. Họ có thể mặc áo dài cách tân với quần jeans khi đi chơi, váy maxi tung bay trong những buổi dạo phố cuối tuần, hay khoác lên mình những bộ đầm cắt xẻ táo bạo tại bữa tiệc sang trọng. Nhà thiết kế Sĩ Hoàng nhận định: “Người Sài Gòn không ngại thử nghiệm, họ biến truyền thống thành hiện đại mà vẫn giữ được hồn Việt”.
Dấu ấn thời trang Sài Gòn ở thập niên 2010-2020
Thập niên 2010-2020 chứng kiến sự lên ngôi của thời trang cao cấp, cá nhân hóa. Những cửa hiệu mọc lên, giới trẻ không còn chỉ tìm kiếm hàng nhập ngoại mà bắt đầu săn lùng những bộ trang phục mang đậm dấu ấn của các nhà thiết kế trong nước. TP HCM trở thành cái nôi của nhiều tên tuổi lớn trong ngành.
Nguyễn Công Trí, người tiên phong trong dòng Haute Couture tại Việt Nam, đã biến những ký ức về thành phố thành nguồn cảm hứng bất tận cho các bộ sưu tập. Từ ánh đèn vàng hắt qua ô cửa sổ đến hình ảnh gánh hàng rong trên phố được anh đưa vào các thiết kế.
Thành lập thương hiệu riêng từ năm 2002, anh đi theo công thức của như những nhà mốt phương Tây thời trước, tiếp cận khán giả bằng các show ra mắt bộ sưu tập mới, chuyên nghiệp. Nhà thiết kế nói về mảnh đất anh gắn bó gần 30 năm qua: “Ở đây cái gì cũng có, mà hình như cái gì cũng thiếu – đủ làm người ta sung sướng, lại vừa khiến lòng bâng khuâng chờ đợi, nhớ nhung”.
Sau Công Trí, một thế hệ nhà thiết kế tài năng tiếp tục đưa thời trang Việt lên tầm cao mới. Đỗ Mạnh Cường xuất hiện như một cơn gió từ trời Âu sau những năm du học tại Pháp. Với những show diễn được đầu tư lớn và bài bản, thu hút các sao hạng A, anh trở thành người đầu tiên tổ chức hai show Xuân Hè và Thu Đông suốt 15 năm qua. Đỗ Mạnh Cường chinh phục người hâm mộ bằng những thiết kế hợp mốt theo xu hướng chung của thế giới.
Võ Công Khanh, Lê Thanh Hòa, Chung Thanh Phong, Trương Thanh Hải, Lâm Gia Khang và nhiều nhà thiết kế khác cũng góp phần tạo nên bản sắc riêng cho thời trang Việt. Những sáng tạo của họ là nguồn cảm hứng, giúp thế hệ gen Z học hỏi, từng bước đưa bộ sưu tập đến các tuần lễ thời trang tại New York, Milan, Tokyo và Thượng Hải.
Tốc độ phát triển nhanh chóng còn khiến nơi đây trở thành mảnh đất thu hút nhiều nhà thiết kế từ miền Bắc chuyển vào gây dựng sự nghiệp, như Thủy Nguyễn, Trần Hùng, Cường Đàm.
TP HCM có nhiều trung tâm đào tạo người mẫu chuyên nghiệp nhất cả nước với hàng loạt công ty, như beU Model, Mod Management, hay các chương trình tìm kiếm người mẫu tài năng như Vietnam’s Next Top Model, The Face Vietnam. Nhờ những hoạt động này, làng mốt ghi nhận nhiều gương mặt sáng giá như Xuân Lan, Anh Thư, Bằng Lăng, Thanh Hằng, Hoàng Khánh Ngọc, Võ Hoàng Yến, Hoàng Thùy, Tuyết Lan, Khiếu Thị Huyền Trang, Thùy Trang, Phương Oanh.
Sự ra đời của Vietnam International Fashion Week năm 2014 góp phần nâng tầm thời trang của TP HCM cũng như cả nước. Nhờ các show diễn thường niên, mọi người quen với văn hóa đi xem thời trang, hòa vào những cuộc so tài phối đồ phong cách đường phố, cập nhật xu thế mới.

Khoảng 5 năm trở lại đây, thành phố còn nổi tiếng với nhiều local brand (thương hiệu địa phương) do gen Z thành lập. Ngoài trang phục, cách quảng bá sản phẩm của một số hãng được đánh giá không thua kém cách làm của các nơi trong khu vực như Trung Quốc, Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc.
Họ không chỉ đầu tư vào trải nghiệm nghe nhìn thông qua cách làm show trực tiếp mà còn tận dụng triệt để sức sáng tạo trên TikTok, Instagram. Nhiều hãng thu hút khách hàng thông qua chiêu marketing độc lạ bằng những đoạn video ngắn hoặc series hài hước theo kiểu show truyền hình thực tế. Với tư duy kinh doanh sáng tạo, bắt kịp nhanh hơi thở của thời đại, La Lune, Bupbes, Monsant, Beuter, Latui Atelier, Lsoul trở thành địa chỉ mua sắm của các sao quốc tế như Lisa, Jennie, Taylor Swift, Bella Hadid, Sabrina Carpenter.
Nhà thiết kế Sĩ Hoàng thường nói với các học trò của ông rằng: “Thời trang chỉ phát triển trong một nền kinh tế phát triển, một xã hội ổn định”. 50 năm sau ngày thống nhất đất nước, nhà thiết kế vui mừng khi thấy sự “thay da đổi thịt” tích cực của thành phố cùng văn hóa thời trang. Nhiều người không ngờ rằng có ngày, những ngôi sao hạng A của thế giới như Adele, Katy Perry tỏa sáng trên sân khấu trong thiết kế của Công Trí, Đỗ Mạnh Cường.
Với tinh thần sáng tạo không ngừng, Sài Gòn – TP HCM tiếp tục là mảnh đất thăng hoa của thời trang, nơi truyền thống và hiện đại hòa quyện.
Nội dung: Ý Ly
Đồ họa: Minh Thu
Nguồn tin: https://vnexpress.net/sai-gon-tram-nam-bien-thien-trong-ta-ao-4878641.html