Không còn thời vàng son nhưng cải lương vẫn giữ mạch nguồn văn hóa, ghi dấu qua các ngôi sao như Phùng Há, Thanh Nga, Minh Vương, Lệ Thủy…
Một ngày tháng 3, trong căn nhà hai tầng ở trung tâm TP HCM, Nghệ sĩ Nhân dân Minh Vương đón nhà báo đến phỏng vấn theo cung cách của kép hát lừng danh một thời. Trong câu chuyện về cải lương, ánh mắt, cử chỉ của nghệ sĩ gần 80 tuổi trở nên tinh anh. “Cái thật và đẹp của cải lương, tình cảm của khán giả luôn khiến tôi xúc động, biết ơn những gì tổ nghề ban tặng”, ông nói.
Minh Vương có hơn 60 năm gắn bó TP HCM, khi ông còn là cậu bé 12 tuổi quê Long An lên Sài Gòn, mê vọng cổ nên được một thầy đàn dưới chân cầu chữ Y, quận 8, truyền nghề ca hát. Từ thành phố này, nhiều thế hệ nghệ sĩ trước và cùng thời ông trải qua những thập niên vàng, chứng kiến giai đoạn rực rỡ của nghệ thuật cổ truyền.
Sài Gòn – trung tâm sân khấu cải lương miền Nam
Nét “thật và đẹp” nghệ sĩ Minh Vương nhắc đến chính là tuyên ngôn nghệ thuật nổi tiếng một thời mà NSND Năm Châu (Nguyễn Thành Châu) dành tâm huyết xây dựng bản sắc cho cải lương. Cải lương có tuổi đời non trẻ hơn tuồng (hát bội), chèo, quan họ hay đờn ca tài tử, nhưng bộ môn này, như Giáo sư Trần Văn Khê từng nói: “Động mà không tĩnh, phá chấp, không theo một khuôn khổ nào, từ đó phát triển thêm ra”.
Khoảng 120 năm trước, hát bội là loại hình chủ yếu trong đời sống sân khấu người miền Nam, với nhiều ban nhóm đình đám tụ hội ở Sài Gòn. Những vở tuồng thường dựa theo điển tích, câu chuyện xưa cũ trong và ngoài nước. Sự du nhập của văn hóa phương Tây vào đời sống từ tầng lớp trí thức đến bình dân khiến sân khấu có nhu cầu phải thay đổi, là tiền đề cải lương tuồng cổ ra đời: Một loại hình ca kịch kết hợp nhạc tài tử với lối diễn xuất cách tân nghệ thuật hát bội.
Nghệ sĩ cải lương Phùng Há bên cạnh chiếc đài radio vào thập niên 1930. Nguồn: L’Asie Nouvelle, tháng 3/1933.
Sài Gòn không phải là nơi sinh ra môn nghệ thuật này. Các tỉnh Nam kỳ xưa như Vĩnh Long, Mỹ Tho, Bạc Liêu là chiếc nôi của cải lương nhờ nền tảng của đờn ca tài tử. Nhưng với vị thế là trung tâm kinh tế, xã hội và văn hóa – nghệ thuật, cùng sự phát triển mạnh mẽ của báo chí chữ quốc ngữ, Sài Gòn mau chóng trở thành “vùng đất của cải lương”, sôi động cùng hàng trăm đoàn hát. Rạp Cô Tám (ở đường rue des Marins, đường Trần Hưng Đạo ngày nay) là nơi trình làng tuồng Vì nghĩa quên tình – được xem là một trong những vở cải lương đầu tiên ở miền Nam, năm 1917.
Những năm 1920, nhiều gánh như Tái Đồng Ban, Tân Thịnh, Văn Hí Ban nở rộ, hoặc những gánh hát ở các tình miền Tây cũng tập trung về, gây dựng tiếng tăm rồi tỏa nhiều tỉnh thành, tiếp cận sâu rộng vào đời sống.
Do những biểu hiện bên ngoài của loại hình ca nhạc kịch – thể thức biểu diễn dựa trên âm nhạc cổ truyền, cải lương có thể được cho là gắn với nội dung bi lụy và “sến”. Nhưng ngay từ bối cảnh ra đời bộ môn này, cải lương chính là “một sự cải tiến, cách tân và tiến bộ” (reformist), với những tác phẩm phản ánh hiện thực, tâm tư tình cảm của nhiều người.
Văn hóa thưởng thức cải lương
Thập niên 1960, Sài Gòn – Chợ Lớn có gần 40 rạp hát cải lương và liên tục sáng đèn để phục vụ nhu cầu giải trí của khán giả. Người xem đến rạp vào những tối cuối tuần, quây kín các sân khấu lớn lẫn điểm diễn ở vùng ven. Các suất diễn tại các rạp Hưng Đạo, Quốc Thanh, Nguyễn Văn Hảo, Hào Huê, Lao Động luôn “cháy” vé. Nghệ sĩ Bảo Quốc nhớ lại cuộc sống của mọi người lúc này còn khó khăn, thậm chí ăn cơm độn, nhưng vẫn ùn ùn đi xem cải lương.
“Vé vừa bán một tiếng sau đã hết sạch. Nhiều người sẵn sàng bỏ tiền ra mua vé chợ đen giá gấp ba, bốn lần. Có fan chấp nhận ngồi ghế đẩu để được vào rạp xem vở diễn yêu thích, ngắm nhìn thần tượng”, Bảo Quốc cho biết.
Sau mỗi suất diễn, khán giả không chịu về, chen chân khu vực cửa sau rạp hát để chờ được nhìn tận mặt nghệ sĩ mình yêu thích. Họ mong được nắm tay, ôm hôn nghệ sĩ để thể hiện tình cảm.
Với đoàn Thanh Minh – Thanh Nga của bà bầu Thơ, khán giả đi xem đoàn hát ăn mặc rất lịch sự. “Đàn ông mặc vest lịch lãm, phụ nữ mặc áo dài thướt tha nhìn rất đẹp mắt”, nghệ sĩ Bảo Quốc nói.
Truyện ngắn ‘Bàn thờ tổ của một cô đào’
Truyện ngắn “Bàn thờ tổ của một cô đào” (nhà văn Nguyễn Quang Sáng). Tác phẩm nằm trong tập truyện cùng tên, khai thác chủ đề tín ngưỡng sân khấu, được Hội đồng chuyên môn của TP HCM bầu chọn vào danh sách tác phẩm văn học tiêu biểu qua 50 năm. Video: YouTube Song Lang
Thời hát cho đoàn Minh Tơ, nghệ sĩ Bạch Long vẫn còn nhớ có nhiều người mê cải lương đến mức đặt chỗ ngồi nguyên tuần cho các suất hát. Khi nghệ sĩ vừa đến, họ reo hò: Vũ Linh, Tài Linh, Minh Vương, Lệ Thủy vang cả một góc phố.
Không ồn ào, náo nhiệt như bên ngoài rạp, khi màn nhung sân khấu mở ra, mọi người chăm chú nghe các nghệ sĩ ca. Nhất là lúc diễn viên trên sân khấu vô câu vọng cổ, lập tức, khán giả im phăng phắc để thưởng thức từng lời, cách nhả chữ, luyến láy. Khi nghệ sĩ xuống câu vọng cổ, khán phòng rào rào vỗ tay tán thưởng. Mỗi đoàn thường có cặp đào, kép chánh, như đoàn Minh Tơ có Điền Thanh – Bạch Lê, Sài Gòn 2 là Minh Vương – Lệ Thủy. Khán giả thích nghệ sĩ nào sẽ theo người đó trên từng sân khấu và vào tận hậu trường chăm sóc, động viên.
Sinh thời, nghệ sĩ cải lương Vũ Linh từng có những đêm diễn thu hút chục nghìn khán giả, tiền thù lao đựng trong bao tải chưa hết. Vũ Linh hát ở Đầm Môn (Khánh Hòa) đón 12.000 khán giả. Mọi người đốt đuốc, lội suối đến điểm diễn để xem trực tiếp nghệ sĩ.
Nghệ sĩ Minh Vương trong vở “Sông dài” (2007). Ảnh: Thanh Hiệp
Nghệ sĩ Lệ Thủy kể hồi xưa đi hát, khoảng 200 vé là diễn viên chê, bán cả nghìn vé trở lên thì đêm hát mới diễn ra. Từ sáng sớm, các xe đi phát tờ bướm đông vui, rôm rả. Băng rôn quảng cáo về các suất diễn treo rợp khắp các tuyến đường.
“Không chỉ khán giả ở Sài Gòn, khán giả ở miền Tây, miền Trung thời đó rất ái mộ nghệ sĩ cải lương. Đoàn diễn xong, họ mời đến nhà chơi, đãi tiệc, tặng trái cây, thức ăn. Họ coi nghệ sĩ như người trong gia đình”, nghệ sĩ Bạch Long nhớ lại.
Những giai đoạn thăng hoa
Hơn một thế kỷ, sự phát triển của cải lương gắn với các dấu mốc quan trọng ở giai đoạn 1955-1975 hay 1980-1990. Trước biến động của xã hội, thời cuộc và nhu cầu thưởng thức của khán giả, cải lương định hình là bộ môn hoàn thiện, chuyên nghiệp trong các khía cạnh: Tác phẩm (kịch bản, bài ca), nghệ sĩ, sân khấu.
Không chỉ ở Sài Gòn, cải lương còn lan tỏa trên cả nước. Những năm 1940, công tử Trần Viết Long (Bầu Long) phải lòng cô đào cải lương Kim Chung nên lập gánh Kim Chung tại Hà Nội. Danh cầm đất Bắc Trần Văn Vân và vợ là danh hài Vân Quý cũng từng hát cho Kim Chung ở Hà Nội. Đôi vợ chồng có con đều theo nghiệp cải lương, sau 1975, họ vào Nam đóng góp cho cải lương tại TP HCM những tên tiêu biểu như: NSƯT Thanh Dậu (nguyên giám đốc Nhà hát Cải lương Trung Ương), NSND Thanh Vy (Nàng Xê Đa lừng danh), nhạc Văn Hai, nhạc sĩ Văn Thắng. Sui gia của đôi vợ chồng nhạc sĩ, danh hài này có cô Ái Liên, một nghệ sĩ cải lương lừng danh trong Nam ngoài Bắc ở thập niên 1940-1950.
Tại Sài Gòn, nhiều gia tộc cả đời với nghiệp diễn, như gia tộc Huỳnh Long, Minh Tơ, Đoàn cải lương Thanh Minh – Thanh Nga, gánh hát Phước Cương. Trong đó, đoàn Thanh Minh – Thanh Nga với 30 năm phát triển vang dội (khoảng 1950-1980) góp cho nghệ thuật cải lương hàng loạt ngôi sao: Út Trà Ôn, Hoàng Giang, Thanh Nga, Thành Được, Út Bạch Lan, Bảo Quốc, Thành Được. Những vở tuồng của đoàn này, như Tiếng trống Mê Linh hay Sân khấu về khuya (Năm Châu) là minh chứng cho khái niệm “thánh đường nghệ thuật” trong lòng công chúng.
“Nữ hoàng cải lương Thanh Nga” – một trong những huyền thoại của sân khấu cải lương miền Nam. Ảnh: Tư liệu
Thời kỳ vàng son của cải lương còn kéo dài sang 50 năm sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. NSND Thanh Tòng, con của ông bầu Minh Tơ và chú ruột là nhạc sĩ Đức Phú có công lớn trong việc thay đổi mạnh mẽ cải lương tuồng cổ, từ cải cách dàn nhạc dân tộc đến tạo những nội dung thuần Việt cho sân khấu.
Trước năm 1975, miền Nam có khoảng 60 đoàn cải lương, sau năm này, riêng ở TP HCM có khoảng 22 đoàn, trong đó, có hai đoàn quốc doanh được nhà nước bao cấp. Vốn quý của sân khấu là thể loại cải lương tuồng cổ, hình thành thêm nhiều nghệ nhân, đạo diễn tên tuổi như Bích Lâm, Bá Huỳnh, Huỳnh Nga, Minh Trị.
Từ loại hình kịch hát dân tộc mang tính vùng miền, cải lương còn Bắc tiến, cũng như chinh phục khán giả cả nước. Đạo diễn Đoàn Bá dựng vở Người trong cõi nhớ của Lưu Quang Vũ, tạo dấu ấn ở Hội diễn sân khấu toàn quốc năm 1985. Nhiều vở diễn hay, như Tiếng hò sông Hậu, quy tụ dàn diễn viên thanh sắc, kịch bản trau chuốt, sân khấu được đầu tư kỹ càng.
Cuối 1980 và đầu 1990, do quy luật tất yếu của sự chuyển mình trong đời sống kinh tế – xã hội, cải lương dần thoái trào. Các loại hình nghệ thuật – giải trí nghe nhìn, phim ảnh, nhạc trẻ lên ngôi. Nghệ thuật truyền thống đối diện thách thức về kịch bản khan hiếm, sân khấu cũ kỹ, chưa có thế hệ lứa nghệ sĩ trẻ kế thừa.
Từ một thời kỳ huy hoàng với hàng chục sân khấu liên tục sáng đèn, hiện tại nhiều sân khấu cải lương xưa ở thành phố đóng cửa. Dẫu còn nhiều khó khăn, sức sống của cải lương vẫn như mạch ngầm len lỏi trong đời sống phố thị náo nhiệt. Các đơn vị nghệ thuật công lập và xã hội hóa bám trụ, tổ chức nhiều buổi biểu diễn để đưa loại hình này đến lớp khán giả mới. Các nhà hát vẫn nỗ lực sáng đèn, như nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang, rạp Hồng Liên (quận ), Sân khấu Sen Việt (Hội Sân khấu TP HCM).
Từ trái qua: Nghệ sĩ Xuân Trúc, Tú Sương và Lê Thanh Thảo – các nghệ sĩ thế hệ tiếp nối của Đoàn cải lương tuồng cổ Minh Tơ biểu diễn trích đoạn cải lương “Câu thơ yên ngựa” (2024). Ảnh: Thúy Bình
Tiến sĩ Trần Thị Minh Thu – trưởng ban Nghiên cứu Nghệ thuật, Viện Văn hóa, Nghệ thuật, Thể thao và Du lịch Việt Nam – cho biết trong một lần dẫn sinh viên khoa Du lịch, Đại học Văn hóa Hà Nội, đi xem vở Người đi tìm minh chủ (2018) của Nhà hát Cải lương Việt Nam, một sinh viên bật khóc nói: “Cô ơi, em từng nghĩ cải lương chỉ có ủy mị, sướt mướt, tình yêu nhạt nhẽo. Nhưng sau khi xem vở diễn, em thấy mình đã hiểu sai. Em không nghĩ cải lương lại hay đến thế”.
Nhờ sự năng động, dung nạp và tiếp biến văn hóa để chọn lọc nét hay của nhiều loại hình biểu diễn, cải lương một thời không chỉ là một hình thức giải trí mà còn là dòng chủ lưu của nghệ thuật sân khấu. Kho tàng hàng trăm bản vọng cổ, cải lương còn được lưu giữ đến hôm nay chứa đựng ngôn ngữ giàu và đẹp, văn hóa dân gian, nếp sống, lối ứng xử, phong tục và phẩm chất của người Việt.
Nghệ sĩ Minh Vương khép lại buổi trò chuyện với nụ cười ấm áp khi nhắc về bạn diễn vàng – nghệ sĩ Lệ Thủy. Ông cho biết vừa được lưu diễn ở Hà Nội và chờ Lệ Thủy từ Australia về để tiếp tục “chạy show”. Với “Ông hoàng của sân khấu cải lương”, được hát đến cuối cuộc đời và còn khán giả nghe hát là hạnh phúc.
Hà Linh Dung
Bài viết có tham khảo tư liệu:
1. Nghệ thuật sân khấu: Hát bội, Đờn ca tài tử và cải lương (tác giả Nguyễn Đức Hiệp, NXB Tổng Hợp TP HCM).
2. Những thay đổi trong đời sống văn hóa ở TP HCM (1986-2006, Phân Viện Văn hóa, Nghệ thuật Việt Nam tại TP HCM)
Nguồn tin: https://vnexpress.net/sai-gon-thoi-say-me-cai-luong-4862056.html