Tập truyện “Trên đỉnh giời” của Y Ban, tiểu thuyết “Nhà có bốn chị em gái” của Phạm Thị Bích Thủy, giành Giải thưởng Hội Nhà văn 2024.
Ngày 8/1, Hội Nhà văn Việt Nam công bố Giải thưởng Văn học của năm nay gồm bày tác phẩm. Ở hạng mục văn xuôi, Y Ban đoạt giải với Trên đỉnh giời, tuyển tập gồm 18 truyện ngắn. Trong tác phẩm mới nhất, bà tiếp tục viết về những nỗi đau của đàn bà. Họ gặp nhiều tình huống trớ trêu, từ đó bộc lộ rõ tính cách, nội tâm, sự phản kháng với số phận.
Trong truyện ngắn chủ đề Trên đỉnh giời, nhà văn kể câu chuyện về một cô bé lớn lên ở vùng cao. Mẹ mất, ông bà già yếu, cô tìm mọi cách để thoát khỏi việc bị bố sàm sỡ. Cô có cơ hội lập gia đình nhưng cuối cùng quyết định trở về “đỉnh giời” để bảo vệ em gái.
Bà tên thật là Phạm Thị Xuân Ban, 63 tuổi, từng tốt nghiệp và làm việc trong ngành y. Năm 1989, bà chuyển hẳn sang viết văn, được cử đi học Trường Viết văn Nguyễn Du. Tốt nghiệp, bà làm báo, viết văn. Y Ban từng xuất bản hơn 20 tập truyện ngắn, tiểu thuyết và thơ. Một số cuốn nổi bật của bà gồm Người đàn bà có ma lực, Đàn bà xấu thì không có quà.
Nhà văn Phạm Thị Bích Thủy được vinh danh với tiểu thuyết Nhà có bốn chị em gái. Tác phẩm miêu tả cuộc sống gia đình ông Bình, bà Bằng, và bốn người con lần lượt được đặt tên là Hiền Thương, Thuận Ái, Khánh An, Bảo Yên. Thời bao cấp khó khăn, bà Bình chắt chiu, vun vén nên cả bốn cô đều được học hành đến nơi đến chốn, có địa vị xã hội. Những tưởng họ là một gia đình kiểu mẫu nhưng nhà văn lại dần hé lộ nhiều rạn nứt, mâu thuẫn của những con người máu mủ ruột rà.
Thông qua câu chuyện của gia đình ông Bình, tác giả đề cập nhiều mặt trái như thói ham hư vinh, nạn chạy chức chạy quyền.
Nhà văn Phạm Thị Bích Thủy 60 tuổi, là thạc sĩ quản trị kinh doanh, cử nhân văn chương và tiếng Nga. Từ năm 1986 đến 2000, bà là giảng viên Văn học Nga tại Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội. Từ năm 2000 đến nay, bà làm việc cho các tổ chức quốc tế và tập đoàn đa quốc gia. Bà từng xuất bản tập truyện ngắn Chạy trốn (2013), tiểu thuyết Đồi cát bay (2014), tiểu thuyết Tiếng sáo lạc (2015), tiểu thuyết Đáy giếng (2015), tập truyện ngắn Zero (2017).
Giải thưởng thơ được trao cho ba tập: Phục sinh của tác giả Đào Quốc Minh (Nhà xuất bản Hội Nhà văn), Viễn ca của tác giả Nguyễn Tiến Thanh (Nhà xuất bản Văn học), Đồng của tác giả Trần Lê Khánh (Nhà xuất bản Văn học).
Giải Lý luận Phê bình được trao cho tác phẩm Lý luận phê bình văn học miền Nam 1954 – 1975; tiếp nhận và ứng dụng (Nhà xuất bản Hội Nhà văn) của nhà lý luận phê bình Trần Hoài Anh.
Giải Văn học thiếu nhi thuộc về cuốn Chiếc xe buýt bay, truyện của hai tác giả Võ Thị Mai Chi và Huỳnh Bá Long (Nhà xuất bản Kim Đồng).
Giải thưởng Hội nhà văn Việt Nam ra đời từ năm 1999 đến nay, tổ chức thường niên. Hàng năm, các tác phẩm đoạt giải thuộc nhiều thể loại như văn xuôi, thơ, lý luận phê bình, văn học thiếu nhi và văn học dịch. Năm 2023, giải thưởng văn xuôi được trao cho Giờ thứ sáu đến giờ thứ chín (Nguyễn Một) và Tuyệt không dấu vết (Nguyễn Việt Hà).
Hà Thu
Nguồn tin: https://vnexpress.net/sach-y-ban-pham-thi-bich-thuy-doat-giai-hoi-nha-van-4837123.html