Bức ”Ở hang” (1951) của Trần Văn Cẩn – tác giả tranh “Em Thúy” – lần đầu được công bố trong sách về cuộc đời ông.
Ấn phẩm Trần Văn Cẩn – Tác phẩm chọn lọc trong bộ sưu tập của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam được lên ý tưởng từ năm 2020, hoàn thiện trong bốn năm, hệ thống sự nghiệp mỹ thuật cùng bộ sưu tập tranh của danh họa.
Sách gồm ba phần chính, một là quá trình họa sĩ đến với nghệ thuật, có những bức vẽ đầu đời. Giai đoạn tiếp theo, ông cùng một số nghệ sĩ rời bỏ ”tháp ngà” lên chiến khu Việt Bắc, đồng hành cuộc kháng chiến chống Pháp của dân tộc. Sau khi hòa bình lập lại ở miền Bắc, họa sĩ có nhiều chuyến đi tại đây cũng như ra nước ngoài, sáng tác loạt tranh về lao động sản xuất, khắc họa hình ảnh công nhân, nông dân.
Tại sự kiện ra mắt sách sáng 8/8 tại Hà Nội, nhà nghiên cứu mỹ thuật Nguyễn Hải Yến – cố vấn nội dung – cho biết ông Trần Văn Cẩn là người duy nhất của bộ tứ Trí – Vân – Lân – Cẩn sống trọn cuộc đời ở thế kỷ 20, giúp thế hệ sau hiểu hơn về hội họa Việt trong dòng chảy lịch sử. Giai đoạn đầu thành lập Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, ông tích cực tham gia hỗ trợ sưu tập các tác phẩm từ thời cận đại.
Theo bà Nguyễn Hải Yến, các sáng tác của Trần Văn Cẩn đi theo ba mệnh đề chính là lịch sử, di sản và sự lan tỏa đến xã hội. Trong ký ức của bà, danh họa là người nho nhã, tình cảm, luôn dành sự yêu mến cho phong cảnh, con người Việt Nam, trân trọng nghề nghiệp, nhân vật.
Trong lời tựa sách, họa sĩ Lương Xuân Đoàn – chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam – viết về danh họa: ”Sống nhẹ nhõm và bình dị, ông yêu quý nét đẹp miên viễn của những người đàn bà Việt, những đứa trẻ Việt ở thị thành và thôn quê. Hồn hậu sống và vẽ, ông là người đồng hành thủy chung với số phận của dân tộc, của đất nước và của bất kỳ ai.
Hành trình Bắc Trung Nam của ông là một thiên sử dài chưa bao giờ cũ. Nét đẹp Việt hòa điệu thật ấm áp, dịu dàng với tâm hồn Việt trong những ký họa dọc đường khi ông đặt bút vẽ nhanh như chỉ sợ nét đẹp mà ông vụt thấy của người Việt và thiên nhiên Việt biến mất”.
Họa sĩ Trần Văn Cẩn (1910-1994) quê Từ Sơn, Bắc Ninh nhưng sinh ra ở Kiến An, Hải Phòng. Ông tốt nghiệp thủ khoa khóa bảy (1931-1936) của Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, thuộc bộ tứ danh họa Trí – Vân – Lân – Cẩn (Nguyễn Gia Trí, Tô Ngọc Vân, Nguyễn Tường Lân, Trần Văn Cẩn). Họa sĩ từng được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật năm 1996, huân chương độc lập hạng nhất và nhiều giải thưởng chuyên môn.
Từ khi là sinh viên, ông đã có những đóng góp lớn trong việc tìm tòi, cải tiến kỹ thuật vẽ sơn mài. Danh họa cũng thành công ở chất liệu lụa, có nhiều tác phẩm tiêu biểu, như Mẹ tôi (1993), Cha con, Đi làm đồng (1935), Hai thiếu nữ trước bình phong (1944). Với sơn dầu, họa sĩ để lại dấu ấn qua những bức tranh tươi sáng. Trong số đó, Em Thúy – bức sơn dầu ông vẽ chân dung cháu gái mình – được công nhận là bảo vật quốc gia năm 2013.
Tác phẩm khiến nhạc sĩ người Anh Paul Zetter sáng tác bài Little Thúy Minuet sau khi chiêm ngưỡng. Ông cho biết mê hoặc, “như nhìn thấy tuổi thơ của mình, thấy những xáo động nội tâm đến rơi nước mắt bởi sự mộc mạc, giản dị tuyệt đối của bức tranh”. Ở sự kiện sáng 8/8, ông Paul Zetter đã trao tặng bản nhạc cho Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.
Phương Linh
Nguồn tin: https://vnexpress.net/sach-tai-hien-su-nghiep-tac-gia-tranh-em-thuy-4779261.html