Nữ sinh Bành Di Ái mang nỗi sợ thua kém người khác, nỗ lực chứng tỏ bản thân và tìm sự công nhận, trong phim “Thiếu nữ ánh trăng”.
* Bài viết tiết lộ nội dung phim
Trailer ‘Thiếu nữ ánh trăng’
Trailer “Thiếu nữ ánh trăng”, dành cho khán giả từ đủ 13 tuổi trở lên, công chiếu trong nước ngày 28/3. Video: Lotte Entertainment Vietnam
Phim do Ching Shen Chuang đạo diễn, lấy bối cảnh cuối những năm 1990 ở Đài Loan. Tại trường trung học First Girl dành cho nữ sinh, các học sinh chia thành lớp ban ngày và ban đêm. Nữ sinh lớp đêm có phù hiệu màu trắng, tượng trưng cho ánh trăng. Còn phù hiệu lớp ngày màu vàng, tượng trưng mặt trời.
Lớp ngày được coi là ưu tú hơn, điều này khiến Bành Di Ái (Buffy Chen thủ vai) – cô gái lớp đêm – mang nỗi mặc cảm. Theo truyền thống, các lớp dùng chung một phòng học, học sinh trao đổi và làm quen với nhau vào khoảng thời gian giao nhau của hai lớp. Cô kết bạn với Mẫn Mẫn (Chloe Xiang thủ vai) – cô bạn lớp ban ngày ngồi cùng bàn. Sau đó, Mẫn Mẫn đổi đồng phục giúp bạn dự lớp học. Họ trải qua những tháng ngày tươi đẹp, nhưng vô tình đem lòng yêu một chàng trai. Hoàn cảnh trớ trêu đẩy Di Ái vào vòng xoáy của tình yêu, tình bạn và những giằng xé tuổi thanh xuân.
Phim khắc họa nỗi bất an của con người khi đối mặt định kiến xã hội. Vốn không phải là người tài giỏi, gia đình lại khó khăn khi mẹ lâm cảnh nợ nần, Bành Di Ái luôn mang nỗi sợ vô hình. Những ngày đầu đi học, cô thân thiết với Mẫn Mẫn, cùng trốn học, “trao đổi” đồng phục như cách để thoát khỏi áp lực, tìm niềm vui của tuổi học đường. Tuy nhiên, khi cả hai dần gắn bó, những lời nói dối của Bành Di Ái – nhằm che đậy xuất thân – lại khiến mọi thứ trở nên phức tạp.
Một cảnh trong phim “Thiếu nữ ánh trăng”. Ảnh: Renaissance Films
Tác phẩm không đắm chìm trong sắc hồng của mối tình đầu ngây ngô. Thay vào đó, phim khai thác những sai lầm trong suy nghĩ và hành động của tuổi trẻ, gửi thông điệp: Chỉ khi nhận ra lỗi lầm và sửa chữa, chúng ta mới có thể hướng tới tương lai tốt đẹp. Câu chuyện còn phản ánh vấn đề phân biệt giai cấp trong hệ thống giáo dục, khi những định kiến vẫn âm thầm len lỏi, gây áp lực lên những học sinh đang đứng trước ngã rẽ cuộc đời.
Nữ chính Buffy Chen thể hiện tự nhiên xung đột nội tâm: Từ nỗi bất an, khát khao được chấp nhận đến những phút giây xấu hổ vì tình cảnh của bản thân. Từng cử chỉ, ánh mắt và lời nói mở ra chiều sâu tâm lý, giúp khán giả cảm nhận sự đối lập giữa ước mơ và hiện thực.
Phim kết hợp các cảnh trung và cận, đưa người xem vào không gian trường học, ghi lại nét biểu cảm của nhân vật. Thiếu nữ ánh trăng còn ghi điểm nhờ hình ảnh hoài cổ của Đài Loan. Các bài hát của ban nhạc Mayday và bối cảnh trận động đất Tân Ký 92 làm tăng thêm không khí u buồn của thời thanh xuân đã qua. Gam màu trầm làm nổi bật sự hoài niệm, khi mỗi khung hình dường như kể câu chuyện riêng về những năm tháng khó phai trong lòng mỗi người.
Dù có nhiều điểm sáng, phim vẫn tồn tại những “hạt sạn”. Cách khai thác đề tài thanh xuân vườn trường có phần an toàn, khiến cho dự án không đọng lại nhiều cảm xúc sau khi xem. Việc xây dựng nhân vật nữ chính với những hành động thiếu nhất quán dẫn đến một số chi tiết thiếu thuyết phục. Đoạn kết mở cũng để lại nhiều thắc mắc, tạo cảm giác chưa trọn vẹn.
Gia Hưng
Nguồn tin: https://vnexpress.net/giai-tri/phim/thu-vien-phim/thieu-nu-anh-trang-793