Hoạt hình “Moana 2” kể quá trình nữ chính cùng bạn bè hóa giải lời nguyền của ác thần Nalo để tìm ra các dân tộc khắp đại dương.
* Bài viết tiết lộ nội dung phim
Phim lấy bối cảnh ba năm sau phần phim năm 2016, khi công chúa Moana (Auli’i Cravalho lồng tiếng) trả lại trái tim cho nữ thần Te Fiti, được người dân đảo Motunui tôn vinh. Trong buổi lễ đánh dấu Moana trở thành “Người tìm đường” giúp khám phá những vùng đất mới, cô nghe thấy tiếng gọi của tổ tiên, dấn thân tìm hòn đảo Motufetu chìm dưới châu Đại Dương. Đồng hành nhân vật chính là ba người dân trên đảo, cùng á thần Maui (Dwayne Johnson lồng tiếng), gà trống Heihei và lợn Pua, từng xuất hiện trong phần đầu.
Tác phẩm tập trung mô tả quá trình “đạp gió rẽ sóng” của nhóm Moana chinh phục biển cả. Đầu phim, Moana trở về Motunui, mang theo món cổ vật chứng minh sự tồn tại của những hòn đảo có người ở khác trong khu vực. Sau đó, êkíp giới thiệu nhân vật mới gồm chàng trai Moni (Hualalai Chung), cô thợ đóng tàu Loto (Rose Matafeo), lão nông Kele (David Fane) và em gái của Moana, Simea (Khaleesi Lambert-Tsuda). Dưới sự lãnh đạo của nữ chính, mỗi người dần nhận ra trách nhiệm của mình, phát huy thế mạnh để giúp đỡ Moana.
Từ cô gái trẻ nhiều mơ mộng, Moana trở thành người hùng của mọi người, ra sức bảo vệ các bộ tộc. Nhân vật đối mặt nhiều thử thách, từ đó nhận ra giá trị của lòng bao dung và thấu hiểu. Ở lần đụng độ bộ tộc dừa Kakamora, Moana đồng cảm khi biết được chúng là những sinh vật cố chống chọi kẻ thù để an toàn tìm đường về nhà.
Sự xuất hiện của phù thủy dơi Matangi (Awhimai Fraser) giúp Moana hiểu rằng có nhiều cách để đạt được thứ cô mong muốn, chỉ cần tin tưởng vào lựa chọn của bản thân. Khi ác thần Nalo gây trở ngại để cô không tìm thấy hòn đảo Motufetu, Moana lập kế hoạch mới để giúp các dân tộc biết đến sự tồn tại của nhau. Qua đó, nhà làm phim cho thấy nữ chính trưởng thành, nghĩ đến lợi ích của cộng đồng.
Phim có tông màu và hình ảnh tươi sáng, mô tả đa dạng hệ sinh thái biển. Sau tám năm từ phần đầu, chất lượng hiệu ứng điện ảnh có sự phát triển, mô tả chi tiết chuyển động của ngọn sóng, con cá voi lẫn hòn đảo kỳ quái khổng lồ lấy cảm hứng từ bạch tuộc và loài ngao. Tinh thần văn hóa Polynesia được miêu tả qua bối cảnh, cách xây dựng hình ảnh nhân vật và trang phục truyền thống, nổi bật là hoa văn siapo, tatau (hình xăm), vải tapa.
Số đông khán giả yêu thích cách xây dựng nhân vật chính, cho điểm A- trên trang Cinema Score. Trên Google Reviews, khán giả Noah Pichler nói ấn tượng trường đoạn Moana hy sinh sau đó trở thành nữ thần. “Khoảnh khắc này giúp làm tăng cảm xúc cho câu chuyện, đồng thời gửi thông điệp về tình cảm gia đình và quyết tâm vượt qua khó khăn”, người này bình luận.
Tuy nhiên, phần hai không đáp ứng kỳ vọng của giới phê bình, với điểm “tươi” 62% trên Rotten Tomatoes. Nhiều người cho rằng dự án có kịch bản hời hợt, không ấn tượng như phần đầu.
Theo Guardian, dù có nhiều cảnh phiêu lưu đặc sắc, cốt truyện Moana 2 khá mỏng, chỉ tập trung giới thiệu phản diện mới. Tác phẩm mang thông điệp về nữ quyền, khát khao tuổi mới lớn nhưng chỉ lồng ghép qua các chi tiết nhỏ, không đủ sức nặng cho toàn bộ mạch phim. Trang Subculture Entertainment viết: “Phim chỉ đủ sức giải trí cho trẻ nhỏ. Việc nhồi nhét nhiều tình tiết khiến dự án trở nên dàn trải, thiếu điểm nhấn”.
Tạp chí Variety nhận xét nhà làm phim truyền tải không khí sôi động qua bản nhạc như Beyond, There’s Another Way, Get Lost, What Could Be Better Than This?, nhưng tiết tấu các ca khúc chưa thực sự tạo ấn tượng cho khán giả. Đồng quan điểm, trang IGN đánh giá điểm trừ của tác phẩm nằm ở phần âm nhạc nhạt nhòa. Dù được đội ngũ từng tạo nên những giai điệu bất hủ trong phần phim năm 2016 thực hiện, các bản nhạc trong Moana 2 không thể gây sốt như How Far I’ll Go hay You’re Welcome.
Quế Chi
Nguồn tin: https://vnexpress.net/giai-tri/phim/thu-vien-phim/moana-2-759