“Anora” – phim đoạt giải Cành Cọ Vàng LHP Cannes 2024 – lấy môtíp tình yêu của nàng Lọ Lem để kể câu chuyện trần trụi thời hiện đại.
* Bài viết tiết lộ nội dung phim
Phim do Sean Baker đạo diễn và viết kịch bản, lấy bối cảnh ở New York (Mỹ) trong mùa đông ảm đạm. Nhân vật chính của phim là Anora – cô gái làm “công nhân tình dục” trong một hộp đêm cao cấp ở khu Manhattan. Tại đây, cô phục vụ đàn ông trong phòng VIP với dịch vụ múa cột, nhảy sexy khỏa thân và có dịch vụ “đi đêm” bên ngoài.
Anora lấy nghệ danh là Ani và hàng đêm đều đi loanh quanh quán rượu, “bắt khách” bằng sự quyến rũ. Sau đêm làm việc, cô trở về căn hộ tồi tàn cạnh đường tàu trên cao ở Brooklyn, đối mặt những giấc ngủ chập chờn. Đến một ngày, Ani gặp Vanya – thiếu gia siêu giàu con gia đình tài phiệt người Nga. Bắt được khách “sộp”, Ani không ngờ Vanya sẽ đưa mình bước vào cuộc phiêu lưu của những giấc mơ.
Cả hai cuốn lấy nhau và trong một phút bốc đồng, Vanya cầu hôn Ani. Họ lập tức tổ chức đám cưới, đăng ký kết hôn, chỉ biết ăn chơi, hưởng thụ. Từ đó hàng loạt tình huống dở khóc, dở cười bắt đầu khi bố mẹ Vanya biết chuyện và lập tức đến Mỹ để giải quyết “nỗi ô nhục gia đình”.
Anora có môtíp cũ với câu chuyện về giấc mơ đổi đời của những cô gái được coi là tầng lớp dưới đáy xã hội, làm công việc bị khinh thường. Nhưng cách kể chuyện của Sean Baker tạo nên sự độc đáo cho tác phẩm. Không xây dựng Anora theo hình mẫu rập khuôn về Lọ Lem là cuộc sống phải bi kịch, đẫm nước mắt, nhân vật hiện lên là một cô gái hiện đại, đanh đá, làm chủ cuộc sống. Cô cũng như bao người khác, cũng đi làm, đi chơi, có những nhu cầu cá nhân thường ngày, chỉ khác là lao động kiếm sống dựa trên xác thịt.
Ngôi sao thế hệ gen Z Mikey Madison có màn hóa thân gây bất ngờ với vai Anora. Từ cái đảo mắt đi tìm khách trong hộp đêm, nụ cười quyến rũ đến những lúc ngồi thinh lặng trên tàu điện hay trong ôtô, diễn viên sinh năm 1999 mang đến sự đa diện cho Anora – một nàng “Lọ Lem” có nội tâm phức tạp, tự tin nhưng cũng có mộng tưởng hão huyền về những câu chuyện cổ tích. Nhưng sau tất cả, qua góc nhìn của Sean Baker, cô vẫn là một người trẻ cô độc. Diễn xuất của Madison tạo nên sức sống cho một trong những nhân vật hay nhất của điện ảnh thế giới năm qua, để lại nhiều dư vị. Trong những cảnh chửi thề, Mikey Madison còn đem lại tiếng cười cho người xem.
Ở nửa đầu phim, Sean Baker vẽ nên một câu chuyện cổ tích 18+ nhưng sau đó, khi “lâu đài” của những giấc mộng sụp đổ, thực tại được phơi bày trần trụi. Qua lối kể chuyện tưng tửng theo phong cách hài đen, Anora bóc tách từng nhân vật, lột bỏ từng vỏ bọc để đi đến một cái kết chua chát, nhưng vẫn có sự lạc quan và ấm áp.
Êkíp quay bằng phim 35 mm nên có tông màu kiểu cổ điển, tạo nên sự khác biệt với hình ảnh kỹ thuật số hiện đại thông thường. Phim sử dụng nhiều hình ảnh đối lập tạo nên sự tương phản trong câu chuyện. Những hộp đêm Manhattan dưới ánh đèn neon mờ ảo với căn hộ xuề xòa ở Brooklyn trong ngày mùa đông, những bữa tiệc tùng tiêu hoang ở Las Vegas của Vanya và nhóm bạn với những bữa ăn vội tạm bợ của các cô gái hoạt động trong ngành công nghiệp kinh doanh xác thịt.
Sean Baker từng gây ấn tượng với những tác phẩm khai thác về lát cắt cuộc sống mà ở đó có nỗi buồn chua chát nhưng được kể với giọng điệu có chút hài, như Tangerine hay The Florida Project. Anora có thể coi là tác phẩm có tính giải trí cao nhất của nhà làm phim người Mỹ. Phim có nhịp dựng nhanh, đôi khi hơi nhanh quá với những khán giả thích sự đặc tả chầm chậm thường thấy ở các phim arthouse. Tuy nhiên, sự dồn dập liên tục trong nhịp điệu của Anora phù hợp với xu thế hiện đại, đặc biệt là với những thế hệ quen tiếp xúc với mạng xã hội và phong cách xem lướt. Chính vì thế, đây có thể coi là một bộ phim dễ xem, dễ tiếp cận với khán giả trẻ.
Khi ra mắt tại Liên hoan phim Cannes 2024, Anora nhận tràng pháo tay kéo dài 10 phút và được trao danh hiệu cao nhất Cành Cọ Vàng. Chủ tịch giám khảo – đạo diễn Greta Gerwig – nhận xét về phim: “Bộ phim đặc biệt này đã chiếm được trái tim của chúng ta, khiến ta cười, hy vọng và rồi làm tan nát con tim”. Dự án đang là ứng viên mạnh của mùa giải thưởng điện ảnh 2025, trong đó có Quả Cầu Vàng và Oscar.
Anora là một ví dụ cho thấy rằng ở thế giới phẳng hiện đại, nơi mà mọi câu chuyện đều không còn gì mới, điều quan trọng nhất là cách kể chuyện. Đây là một tác phẩm vui, lãng mạn, hài hước nhưng sau cùng, hậu vị của nó là sự day dứt. Dù ở thời kỳ nào, con người vẫn không ngừng tìm kiếm những điều đẹp đẽ trong cuộc đời, không ngừng mộng tưởng vào một ngày mai tốt đẹp hơn. Nhưng giấc mộng đẹp nào rồi cũng sẽ tàn phai, cuộc sống sẽ vẫn tiếp diễn, dù ngoài kia là tuyết trắng giá lạnh hay ban mai ấm áp.
Nick M.
Ảnh: Neon
Nguồn tin: https://vnexpress.net/giai-tri/phim/thu-vien-phim/anora-763