NXB Trẻ mua tác quyền xuất bản loạt sách của tác giả Vương Hồng Sển như “Sài Gòn năm xưa”, “Bên lề sách cũ”, “Thú chơi cổ ngoạn”.
Đại diện nhà xuất bản cho biết cùng gia đình tác giả Vương Hồng Sển ký hợp đồng hồi tháng 8. Một số cuốn sách nổi tiếng của ông sẽ được xuất bản gồm Sài Gòn năm xưa, Sài Gòn tạp pín lù, Bên lề sách cũ, Phong lưu cũ mới, Bộ Khảo về đồ sứ men lam Huế, Thú chơi cổ ngoạn, Thú xem truyện Tàu, Tự vị tiếng nói miền Nam.
Trong đó, Sài Gòn năm xưa chia làm sáu phần, tóm lược quá trình mở rộng bờ cõi vào phía Nam của người Việt, từ năm 1658-1730, khi đã hoàn thành cuộc Nam tiến.
Bên lề sách cũ chỉ ra sơ suất, qua loa trong việc biên khảo, dịch thuật của nhiều tác giả. Vương Hồng Sển tự nhận đó là việc “câu cua”, dựa trên câu ví: “Hãy cho bền chí câu cua/ Dầu ai câu chạch câu rùa mặc ai”. Ông dành phần lớn dung lượng sách để bàn luận về các địa danh bị phiên âm, diễn giải sai trong những tác phẩm quan trọng về Nam Kỳ.
Thú chơi cổ ngoạn xuất bản lần đầu năm 1971, là cuốn thứ ba trong bộ Hiếu cổ đặc san do tác giả biên soạn. Sách nêu lên niềm vui, sở thích của những người luống tuổi, yêu văn hóa nghệ thuật, đam mê sưu tầm, nghiên cứu tranh, tượng, đồ gốm sứ.
“Các tác phẩm của ông phần nhiều thuộc dạng hồi ký, bút ký, là nguồn tư liệu cho thấy đời sống, văn hóa người Việt. Sách dành cho độc giả muốn tìm hiểu về nhiều khía cạnh của đời sống ở miền Nam”, đại diện nhà xuất bản nói.
Trước đó, hơn 10 tác phẩm của Vương Hồng Sển được giới thiệu đến bạn đọc như Tạp bút năm Nhân Thân 1992, Dỡ Mắm, Cuốn sách và tôi, nổi bật là cuốn Thú chơi sách, Chuyện cười cổ nhân và Hồi ký 50 năm mê hát.
Thú chơi sách tái bản tháng 10/2023, được hiệu đính so với bản gốc nhưng giữ nguyên phong cách văn nói của Vương Hồng Sển: “Khi đọc đúng chỗ, sách dạy khôn khéo, vừa an ủi cơn sầu, vừa giúp vui và gây phấn khởi, sách làm đời sống tinh thần người đọc thêm hào hứng, hùng mạnh”.
Mượn lời của nhiều tác giả, nhà sưu tầm Vương Hồng Sển gọi “những pho sách xinh xinh” là “bằng hữu”. Khi cần tìm hiểu điều gì, ông sẽ tìm câu trả lời trong những trang giấy. Sách nhắc ông nhớ về những kỷ niệm trong quá khứ, chỉ ra những điều mới lạ trên thế giới, đồng thời cung cấp những bài học về lẽ sống và cách đối nhân xử thế.
Hồi ký 50 năm mê hát thuộc thể loại hồi ký, đề cập đến lịch sử cải lương từ ngày sơ khai đến thời hoàng kim qua góc nhìn của tác giả. Còn Chuyện cười cổ nhân gồm 203 truyện, tổng hợp từ 43 sách và tài liệu tiếng Việt lẫn tiếng Pháp, có nhiều cuốn trong đó hiện đã tuyệt bản. Điểm đắt giá trong sách là những lời bàn, bản gốc, tư liệu tham khảo, giải thích từ ngữ.
Học giả Vương Hồng Sển (1902-1996) bút hiệu Anh Vương, Vân Đường, Đạt Cổ Trai. Ông được xem là người có hiểu biết sâu rộng trong giới sử học và khảo cổ ở Việt Nam. Khi qua đời, ông tặng Vân đường phủ và 849 cổ vật trong bộ sưu tập đồ cổ của mình cho nhà nước, với hy vọng thành lập một bảo tàng mang tên ông.
Ông đam mê đọc sách, sưu tầm và ghi chép những điều tai nghe mắt thấy, khảo cứu các trò chơi cổ truyền như đá dế, chọi gà, chọi cá, chơi chim, trồng cây kiểng.
Học giả Nguyễn Hiến Lê từng nói: “Chúng ta nên cảm ơn ông đã ghi lại vô số tài liệu mà trong hàng chục năm, ông đã sưu tầm khắp Sài Gòn, Chợ Lớn và các vùng lân cận”. Nhà văn Sơn Nam từng nhận xét những tác phẩm của Vương Hồng Sển mang nhiều giá trị văn hóa, chất chứa niềm say mê của tác giả.
Quế Chi
Nguồn tin: https://vnexpress.net/nxb-tre-mua-tac-quyen-sach-vuong-hong-sen-4789459.html