“Hiệu sách trên đảo” của Gabrielle Zevin nhấn mạnh khả năng của sách vở, văn chương trong việc kết nối con người.
Cuốn sách ra mắt độc giả Việt hồi tháng 3, do AQ dịch, Công ty Nhã Nam, Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam phát hành.
Bìa “Hiệu sách trên đảo”, sách 261 trang. Ảnh: Nhã Nam
Tác phẩm được chia làm hai phần, xoay quanh nhân vật A.J. Firky (gọi tắt là A.J), người đàn ông góa vợ, sở hữu tiệm sách duy nhất trên đảo Alice. Anh là “mọt sách” khó tính, có “gu” đặc biệt: không đọc thứ gì dưới 150 trang và quá 400 trang, không thích văn học hậu hiện đại, bối cảnh hậu tận thế, không ưa sự pha trộn các thể loại với nhau.
Trong suốt cuộc đời A.J, những trang văn là sợi chỉ nhân duyên, kết nối anh với các mối quan hệ. A.J và người vợ quá cố từng gặp nhau, dễ dàng gắn bó rồi cùng trở thành những nghiên cứu sinh văn. Sau khi vợ qua đời, có ba dấu mốc tạo nên sự thay đổi nơi anh: gặp Amelia – đại diện nhà xuất bản Knightley; bị trộm tập thơ quý giá – Tamerlane, Edgar Allan Poe; bất đắc dĩ trở thành cha của Maya – đứa trẻ bị mẹ bỏ rơi trong hiệu sách cùng lá thư nhờ nuôi giúp.
Hầu hết nhân vật xem trọng sự đồng điệu trong tâm hồn, tư tưởng thông qua việc đọc và lựa chọn thể loại sách. Từ những trang sách, tình yêu thêm lần nữa tái sinh, nảy nở nơi A.J. Trước hết, đó là tình cảm anh dành cô con gái Maya thông minh, say mê con chữ. Sự xuất hiện của em khiến người cứng nhắc như A.J phải thay đổi nếp sống. Vì Maya, bàn tay chỉ quen gói sách nay sẵn sàng thay tã. Dù chưa từng hứng thú với sách tranh, giờ anh “quyết định sẽ trở thành chuyên gia mảng đó”. Ngoài ra, mỗi mẩu chuyện trong tác phẩm đều được mở đầu bằng một bức thư A.J viết cho Maya. Lời tâm tình hay ghi chú trong những cuốn sách khích lệ con gái tìm đọc chính là tình yêu thương của anh.
Cũng chính văn chương đã bắc nhịp cầu để A.J mở lòng với Amelia sau những mất mát trong quá khứ. Lần giới thiệu sách đầu tiên của Amelia tới anh lại không mấy thuận lợi bởi sự khác biệt trong thể loại yêu thích. Một thời gian sau, không còn khước từ cuốn sách Amelia trân quý – Bông hoa nở muộn, anh kiên nhẫn đọc lại, một mặt nhằm đánh giá đúng giá trị của nó, nhưng xa hơn là để hiểu cô. A.J cầu hôn: “Anh hy vọng em có thể trở thành vợ của anh. Anh hứa chúng ta sẽ cùng đọc sách, cùng đối thoại, và anh sẽ trao cho em tất cả trái tim mình, Amy”. Những chuyển biến trong tính cách nhân vật gắn với sự thay đổi giọng văn của tác giả: từ trầm buồn, sâu lắng đến dí dỏm, lãng mạn, xúc động.
Sức mạnh của sách vở không chỉ kết nối những cá nhân với nhau mà còn là cả cộng đồng tại hòn đảo Alice. A.J trong những ngày tháng cuối đời đã nghiệm ra rằng: “Chúng ta đọc sách để biết mình không đơn độc. Chúng ta đọc sách bởi vì chúng ta đơn độc. Chúng ta đọc sách để rồi không đơn độc”.
Tại đây, người dân luôn dành cho hiệu sách Island một vị trí ưu ái, xem đó là biểu tượng song hành với đời sống tinh thần trong suốt nhiều năm. Các hội nhóm, câu lạc bộ sách vẫn hoạt động tích cực. Alice còn sản sinh ra những cây bút trẻ như Maya, John Furness – giành hai trên tổng số ba giải thưởng tại cuộc thi viết truyện ngắn của hạt Island. Tất cả đều hiểu rằng: “Một cộng đồng chẳng thể tính là một cộng đồng thực sự nếu thiếu đi hiệu sách của riêng mình”. Đó cũng là lý do sau khi A.J mất, người thân cận, chung niềm yêu sách với anh là Ismay, chị gái vợ cũ và Lambiase, cảnh sát trưởng vẫn quyết định ở lại để tiếp quản tiệm sách thay vì đến vùng biển Florida Keys dưỡng già như dự tính.
Trong Hiệu sách trên đảo, tác giả nhắc tên, trích dẫn, lồng ghép nhiều chi tiết, lời đối thoại từ các tác phẩm văn chương kinh điển như quán ăn với phong cách trang trí và thực đơn lấy cảm hứng từ Moby Dick của Herman Melville, những truyện ngắn mà A.J gợi ý cho con gái. Nhờ đó, đọc một cuốn sách, độc giả có thêm cơ hội khám phá sự đa dạng, phong phú của thế giới nghệ thuật. Cốt truyện nhẹ nhàng, dễ chạm vào mạch cảm xúc của mỗi người.
Nhà văn Gabrielle Zevin. Ảnh: Los Angeles Times
Theo The Washington Post, “Gabrielle Zevin đã viết một tiểu thuyết có tính giải trí, hấp dẫn mà không hề sến súa, ủy mị. Tác phẩm thể hiện cái nhìn lạc quan về tương lai của sách và những người yêu thích sự đọc”.
Cuốn sách đoạt nhiều giải thưởng danh giá, trong đó có giải thưởng của Hiệp hội Sách Độc lập Phía Nam California, giải thưởng Bình chọn của các hệ thống phân phối sách Nhật Bản. Cuối năm 2022, tiểu thuyết được chuyển thể thành phim, do chính Zevin làm biên kịch.
Gabrielle Zevin, 48 tuổi, là tác giả văn học và nhà biên kịch người Mỹ có nhiều tiểu thuyết bán chạy, được tạp chí New York Times cũng như giới văn chương đánh giá cao. Tác phẩm của bà được dịch sang 39 ngôn ngữ. Tại Việt Nam, một số đầu sách được xuất bản của Zevin là: Ngày mai, ngày mai và ngày mai nữa, Hiệu sách trên đảo.
Khánh Linh
Nguồn tin: https://vnexpress.net/nhan-duyen-tu-nhung-trang-sach-4878296.html