Đan Trường thuộc số ít nghệ sĩ hào hứng dùng AI làm MV, và dù bị nói “khô cứng, thiếu cảm xúc”, anh xem thể nghiệm là cần thiết.
AI gần đây tác động vào đời sống con người, là công cụ góp phần giải phóng lao động ở một số lĩnh vực. Trong sáng tạo nghệ thuật, dù còn nhiều tranh cãi, AI đã được ứng dụng để phục dựng tranh các họa sĩ nổi tiếng, viết thơ, làm văn, dựng phim. Với âm nhạc, AI thậm chí đe dọa các hãng thu âm sừng sỏ trên thế giới, khiến thị phần của họ bị “pha loãng”. “AI có lẽ là một trong những thứ có khả năng biến đổi nhất mà nhân loại từng chứng kiến”, ông Robert Kyncl, CEO của Warner Music Group cho biết.
Ở làng nhạc trong nước, AI đang ngày càng được ứng dụng, mang tính thử nghiệm. Giữa tháng 5, nhạc sĩ Thành Công là người đầu tiên ra album được thực hiện bằng trí tuệ nhân tạo, gồm 15 ca khúc. Anh cho biết yêu công nghệ nên quan tâm đến AI và áp dụng vào việc thực hiện các dự án. Anh soạn ý, viết lời, sau đó đặt các câu lệnh chi tiết cho Suno AI về giai điệu, nhịp điệu, phong cách âm nhạc, giọng hát chính, bè, nhạc cụ. Nhạc sĩ phải chọn ra một trong hàng trăm kết quả tạo bài hát từ AI. Sau đó, anh sử dụng phần mềm âm thanh để chỉnh sửa, cắt ráp, xóa nối mới hoàn thành một nhạc phẩm.
Ca khúc “Vay tình” thực hiện bằng công nghệ AI
Ca khúc “Vay tình” của nhạc sĩ Thành Công được thực hiện bằng công nghệ AI. Video: Nhân vật cung cấp
Trước Thành Công, từ năm 2018, kỹ sư Nguyễn Hoàng Bảo Đại bắt đầu nghiên cứu sáng tạo phần mềm có thể viết 10 bài hát trong một giây. Hồi tháng 3, đoàn làm phim Quỷ nhập tràng dùng AI tạo bài Hoang tưởng đêm khuya làm nhạc phim.
Nhạc phim ‘Quỷ nhập tràng’ tạo bằng AI
Nhạc phim “Quỷ nhập tràng”. Video: Vieent Music
Ngoài âm thanh, AI được sử dụng để làm một số hình ảnh. Năm ngoái, ca sĩ Đan Trường dùng công nghệ AI mô phỏng chính anh trong MV Em ơi ví dầu. Anh cho biết hình ảnh bằng công nghệ dĩ nhiên không đẹp, sống động như bên ngoài, nhưng vẫn muốn thử nghiệm làm điều mới mẻ, kích thích tư duy làm nghề.
Cuối tháng 4, ban tổ chức một chương trình dùng AI phục dựng hình ảnh nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đánh đàn, hát Nối vòng tay lớn.
Hình ảnh Đan Trường trong MV tạo bằng AI, ra mắt tháng 7/2024. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Phần đông khán giả Việt chưa có thói quen tiếp nhận sản phẩm nguồn gốc AI. MV của Đan Trường bị nhiều fan nhận xét “khô cứng, thiếu cảm xúc”. Những người yêu mến nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cũng chê hình ảnh AI của ông thiếu chân thực, phản cảm.
Các ca khúc bằng trí tuệ nhân tạo không có chỗ đứng trên các bảng xếp hạng nhạc Việt. Sau màn ra mắt nhạt nhòa, ca sĩ ảo Ann (được tạo giọng nói, hình ảnh bằng AI) gần như mất hút khỏi thị trường.
Đan Trường gây chú ý khi làm MV bằng công nghệ AI
MV “Em ơi ví dầu” của Đan Trường. Video: Nhân vật cung cấp
Giới chuyên môn nhận xét việc sáng tác bằng AI tồn tại nhiều ưu điểm lẫn hạn chế. Theo nhạc sĩ Thành Công, AI có thể tạo ra nhạc và giọng hát mới hoàn toàn. Trở ngại lớn nhất là giọng hát tiếng Việt thường bị ngọng, đớt, bởi phần mềm chủ yếu dành cho người nói tiếng Anh. Nhiều phiên bản AI tạo ra nghe khá hay, nhưng không thể dùng được do có lỗi phát âm.
“Trước đây, tôi mất vài trăm triệu đồng để thuê ca sĩ, thu âm, làm một album. Nay tôi có thể nhờ AI thực hiện với chi phí không đáng kể. Mỗi tháng tôi đóng phí phần mềm khoảng một triệu đồng”, Thành Công nói.
Ra mắt mô hình giọng ca ảo
MV “Làm sao nói thương anh” của giọng ca ảo Ann, năm 2023. Video: BOBO Studio
Các nhạc sĩ khác như Đức Trí, Hồ Hoài Anh, Tú Dưa dùng AI để nghiên cứu, thử nghiệm nhưng chưa ra sản phẩm. Theo Tú Dưa, AI sáng tác tốt các ca khúc phong trào, nội dung đơn giản. Các tổ chức, doanh nghiệp, hội nhóm có thể tận dụng AI thay vì bỏ một khoản tiền lớn thuê người viết nhạc.
Nhạc sĩ Hồ Hoài Anh cho rằng điểm trừ lớn nhất của AI là thiếu cảm xúc. Muốn có một tác phẩm hay, nhạc sĩ cần bỏ công sức cùng AI chỉnh sửa từng câu từng chữ, không thể hoàn toàn phụ thuộc vào máy móc.
Mỗi ngày, nhạc sĩ Nguyễn Hà cho AI nghe ca khúc, nghĩ một câu hát, câu chuyện hay ý tưởng mới và giao cho AI thực hiện. Sau một tháng, nhạc sĩ xem AI là cộng sự giúp mình phác thảo bài nhạc, lên ý tưởng phát triển. “AI cho tôi nhiều ý tưởng, nét nhạc khác nhau thể hiện mong muốn của bản thân. Từ đó AI như một đồng nghiệp cùng làm việc nhau với nhau. Tôi là người điều tiết, cân nhắc để chọn chi tiết, phần việc để đi đến kết quả cuối cùng”, Nguyễn Hà nói.
Dương Hoàng Yến hát ca khúc bằng AI
Dương Hoàng Yến hát “Miền hoa ban ngày mới”, ca khúc Vi Hoàng Anh sáng tác bằng AI. Video: Nhân vật cung cấp
Nhạc sĩ gen Z Vi Hoàng Anh từng có ca khúc viết cùng AI, được trình diễn ở Lễ hội hoa ban tại Điện Biên hồi tháng 3. Anh cho biết tác phẩm được nhạc sĩ Dương Trường Giang chỉnh sửa để có chiều sâu hơn, sau đó mới có thể mang lên sân khấu.
Vi Hoàng Anh cho rằng cái khó khi sử dụng AI là các phần mềm chưa có nguồn dữ liệu phong phú, nên dễ rơi vào tình trạng tạo ra nhiều giai điệu tương tự, na ná nhau.
Nhạc sĩ Hồ Hoài Anh cho rằng trí tuệ nhân tạo ảnh hưởng đến công việc của các nhạc sĩ: “Những người sáng tạo thuần túy như tôi chịu ảnh hưởng vì người viết AI đã lấy tác phẩm mọi nơi để đào tạo trí tuệ nhân tạo, nhưng lại không trả phí bản quyền cho việc này. Vấn đề pháp lý vẫn còn nhiều lỗ hổng. Ở nhiều nơi trên thế giới, các nghệ sĩ có phong trào tẩy chay AI. Ở Việt Nam, sức ảnh hưởng của AI còn thấp, chúng ta chưa để tâm đến nó nhiều”.
Ngược lại, nói về tương lai của AI, nhạc sĩ Đức Trí khá lạc quan. Anh cho rằng đây là xu hướng tất yếu mà nhân loại cần tiếp nhận và học hỏi, nhưng không lo sợ bị thay thế.
“Nếu AI có thể viết những ca khúc giống phong cách Đức Trí từ trước đến nay, không sao cả. Vì tôi sẽ lại tiếp tục khám phá, sáng tạo ở những vùng âm nhạc khác mà AI chưa bao giờ biết được”, nhạc sĩ nói.
AI ‘hồi sinh’ Amy Winehouse
AI tạo ca khúc bằng giọng hát của ca sĩ quá cố Amy Winehouse. Video: David G
Hà Thu – Hoàng Dung
Nguồn tin: https://vnexpress.net/nhac-viet-do-dam-ung-dung-ai-4886391.html