Theo nhà sư Thích Pháp Hòa, tu không chỉ là tới chùa bái lạy mà còn là tự thấy rõ cái xấu, cái tệ của bản thân.
Sách Con đường chuyển hóa tập hợp 50 bài giảng của nhà sư Thích Pháp Hòa về cách chuyển hóa niềm đau thành sự an vui. Ấn phẩm chọn lọc các bài trong 30 năm giảng pháp của ông, hệ thống cho bạn đọc các giáo lý quan trọng của đạo Phật và các pháp môn tu tập. Phần đầu, tác giả giới thiệu về đạo Phật nguyên bản thông qua “tám con đường chân chánh” (Bát chánh đạo), bao gồm: Chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh định, chánh tinh tấn và chánh niệm. Theo sách, đây là một pháp môn quan trọng, giúp mọi người loại trừ cái gốc của bất thiện, đi tới chỗ an vui.
Ở từng bài giảng, nhà sư Thích Pháp Hòa đưa ra nhiều ví dụ để bạn đọc áp dụng Bát chánh đạo vào cuộc sống, như cách mưu sinh chân chính, sử dụng lời nói cho có ý nghĩa, cách để chánh niệm, tư duy đúng đắn. Nhà sư viết: “Nếu sống mà không có tỉnh giác, không biết vị trí, hoàn cảnh hiện tại của mình, mình sẽ tự làm khổ mình và làm phiền người khác. Còn ngược lại, sống mà biết mình, biết người thì mình vui sống. Để được như vậy, chúng ta phải tu thiền trong mỗi giây mỗi phút”.
Theo ông, tu là biết chuyển hóa cái tệ ở bản thân thành điều thiện. Nhà sư cho rằng: “Tu không phải là để thành tiên, thành Phật gì cả, mà tu để thành chính mình. Tu để biết mình đang vướng cái gì để tháo, để buông. Tu để biết mình đang vấp phải cái gì, đã thấu đạt được gì. Tu là để sáng soi rõ ràng, ăn biết mình ăn, uống biết mình uống. Và tu cũng để biết mình đang có nỗi khổ đau gì, từ đó giảm bớt cái khổ, cái đau đó”.
Trong phần hai, các bài giảng tập trung phác họa bức tranh khái quát của “đạo Phật pháp môn”. Trên tinh thần “Thiền – Tịnh song tu”, nhà sư giải thích tính phương tiện, điểm chung cốt lõi của hai truyền thống này, hướng dẫn người đọc nhiều phương pháp thực hành như mười cách niệm Phật, đếm hơi thở, quan sát cảm giác, tâm hành để mỗi độc giả tự lựa chọn cách thức phù hợp cho con đường tu học.
Theo tác giả, nhiều người nghĩ tu hành là lánh đời, cách xa mọi sự. Song, thật ra tu là hành trình trở về với chính mình, quán chiếu mọi việc trong cuộc sống qua việc tu tâm và tu trí. Nếu tâm thiện, mọi người cần phát huy cái tâm đó nhiều hơn, ngược lại thì nên tìm cách giảm bớt. Học Phật là hướng dẫn con người quay về bên trong, từ đó tìm thấy sự bình an.
Nhà sư Thích Pháp Hòa, 51 tuổi, sinh tại Cần Thơ, là con trưởng trong gia đình có hai anh em. Bảy tuổi, ông xin mẹ dẫn vào một tịnh xá để quy y và phát nguyện ăn chay, tụng kinh, thờ Phật. 12 tuổi, hai anh em ông cùng mẹ sang Canada định cư, đoàn tụ cha. Năm mười lăm tuổi, ông Thích Pháp Hòa xuất gia. Đến năm 2006, sau một thời gian tu tập và giảng pháp, ông được vị bổn sư tin cậy giao phó vai trò trụ trì Tu viện Trúc Lâm (tỉnh Alberta, Canada). Năm 2007, nhà sư đảm nhiệm thêm trọng trách trụ trì tu viện Tây Thiên. Năm 2024, ông ra mắt cuốn Chia sẻ từ trái tim, tập hợp 50 bài giảng vè luật nhân quả.
Trên kênh YouTube cá nhân có hơn 1,6 triệu người theo dõi, các bài nói chuyện hay buổi phát trực tiếp của nhà sư Thích Pháp Hòa luôn hút lượt xem lớn. Phần lớn bình luận nhận xét nội dung ông truyền đạt dễ hiểu, chân thành, gần gũi.
Mai Nhật
Nguồn tin: https://vnexpress.net/nha-su-thich-phap-hoa-ra-sach-ve-chuyen-hoa-noi-kho-4834924.html