NSND Ái Liên từng là ca sĩ tân nhạc trước khi trở thành một trong những tên tuổi tiên phong của cải lương Việt Nam.
Nghệ sĩ Nhân dân Triệu Trung Kiên – giám đốc Nhà hát Cải lương Việt Nam – đăng tải đoạn tư liệu của Đài tiếng nói Việt Nam về nghệ sĩ Ái Liên hồi tháng 5, gây chú ý với khán giả.
Trong video, công chúng được nghe lại ba bài nhạc từng được nghệ sĩ Ái Liên thể hiện, là dân ca Nam Bộ Lý ngựa ô, Dạ cổ hoài lang (Cao Văn Lầu), Đảng ta hoa của muôn nhà (Dân Huyền soạn lời theo điệu xang xừ líu).
Nghệ sĩ Ái Liên sinh năm 1920 ở Ngõ Nghè, nay là phố Lê Chân (Hải Phòng), trong gia đình giàu truyền thống nghệ thuật. Mẹ bà tên Trần Thị Sinh, diễn viên cải lương nổi tiếng thời đó, cha là Thái Đình Lan – tiểu thương hàng hải.
Con gái bà – ca sĩ Ái Vân – viết nhiều về mẹ trong cuốn tự truyện Để gió cuốn đi, ra mắt năm 2016. Từ thuở Ái Liên còn nằm nôi, bà theo mẹ đi diễn mỗi đêm tại rạp Hải Đài. Mỗi lần mẹ diễn xong một cảnh, bà sẽ được cho bú. Khi lớn hơn chút, danh ca tự chạy quanh hậu đài chơi, buồn ngủ thì trèo lên nằm ở chiếc ghế bành rách, đặt ở khu trang điểm. Năm lên bốn, nghệ sĩ hát theo những gì nghe thấy, được mọi người khen có khiếu. Sáu tuổi, bà thể hiện trọn vẹn nhiều bản nhạc khó. Vào năm tám tuổi, bà có thể vừa hát, vừa đánh đàn kìm, đàn nguyệt.
Năm 1931, nghệ sĩ theo cha mẹ qua Hong Kong, tiếp tục theo học tiếng Anh, Pháp ở trường Mary Couvent School. Tại đây, bà được tiếp xúc tân nhạc, học đàn mandolin, piano, có thể chơi guitar. 5 năm sau, nghệ sĩ về nước, chinh phục khán giả từ Nam ra Bắc với loạt ca khúc nhạc ngoại lời Việt, như Điệu tango huyền bí, Cây đàn tình yêu. Các hãng đĩa Oddéon (Pháp), Béka (Đức) thu đĩa hơn chục bài tân nhạc Ái Liên hát, đưa tiếng tăm bà bay xa, khiến các báo Sài Gòn tặng nghệ sĩ biệt danh ”Chim họa mi trên đất Bắc”.
Trong cuốn Rock Hà Nội, Bolero Sài Gòn – Câu chuyện tân nhạc Việt Nam của Jason Gibbs, có đoạn: ”Trên một mặt đĩa (Béka 20.526) Ái Liên hát song ca với Năm Châu theo giai điệu bài Guitar d’amour (của Schmideder và Poterat) với dàn nhạc Orchestre Francois Nở. Dàn nhạc thực tế gồm một piano, một violoncello và một kèn saxophone, nhạc cụ đầu đảm trách phần hòa âm và tiết nhịp, hai nhạc cụ sau nhân đôi giọng cho phần hát bè. Ái Liên hát hơi nhỏ nhưng rõ và đúng nhạc với một kiểu rung luyến khá giống Josephine Baker”.
Cuối năm 1936, bà tham gia Người đẹp Bắc Kỳ, đoạt giải cao nhất. Có cả tài lẫn sắc, bà được báo Pháp gọi là “Bông hồng Á Đông” nhưng theo lời ca sĩ Ái Vân, mẹ bà sợ danh xưng “Á Đông”, cho rằng quá to với mình.
Từng là ca sĩ tân nhạc song sự nghiệp Ái Liên gắn liền cải lương. Năm 17 tuổi, bà được mời tham gia vở Kịch trường vạn tuế, một trong số tác phẩm ca kịch đầu tiên của Việt Nam. Nghệ sĩ thủ vai Yến, được báo Pháp L’Annam Nouveau khen là ”một tài năng lớn đầy hứa hẹn”.
Năm 1937, Ái Liên cùng mẹ lập gánh hát Liên Hiệp Ban nhưng không duy trì được lâu. Cùng năm, bà vào Nam hoạt động trong gánh hát Đại Phước Cương, do cha của Nghệ sĩ Nhân dân Kim Cương làm ông bầu, quy tụ nhiều ngôi sao cải lương khi ấy như Năm Châu, Bảy Nhiêu, Ba Vân. Sinh thời, bà từng nói với Ái Vân: ”Diễn ở đấy ăn ý lắm, tiền thù lao cao ngất ngưởng, được chiều chuộng như bà hoàng”.
Hai năm sau, nghệ sĩ ra Bắc để gần ba mẹ. Bà từng cùng nghệ sĩ cải lương Kim Chung lập gánh hát Kim Chung – Ái Liên, dừng hoạt động sau chưa đầy một năm bởi chiến tranh. Danh ca và chồng về Hải Phòng, dựng gánh hát Ái Liên. Từ đây, danh tiếng của bà ngày càng được khẳng định.
Lúc gánh hát diễn ở Hải Phòng, Ái Liên được triều đình Huế tặng huy chương Nam Long bội tinh. Khi Ái Liên mang vở Cô gái Mường sang Phnom Penh, Quốc vương Sihanouk (1922- 2012) đã mời gánh hát của bà đến biểu diễn, trực tiếp duyệt lệnh cho phép xe chở đạo cụ, bối cảnh và diễn viên được vào hoàng cung. Khi kết thúc, ông lên sân khấu trao tặng huy chương cho nghệ sĩ Ái Liên.
Năm 1952, gánh hát Ái Liên giải tán. Sau năm 1954, nghệ sĩ giữ vai trò trưởng đoàn cải lương Bắc Trung ương (nay là Nhà hát Cải lương Việt Nam), tích cực tham gia cải lương cách mạng phía Bắc, góp phần đào tạo các thế hệ diễn viên của Nhà hát. Nhắc về bà – một trong những người đi trước có nhiều đóng góp với ngành – giám đốc Nhà hát Cải lương Việt Nam Triệu Trung Kiên tỏ lòng kính trọng. Năm 1991, nghệ sĩ Ái Liên qua đời, thọ 71 tuổi. Sáu năm sau, bà được truy tặng Nghệ sĩ Nhân dân.
Phương Linh
Nguồn tin: https://vnexpress.net/nghe-si-ai-lien-chim-hoa-mi-dat-bac-4773847.html