Đinh Phương lấy góc nhìn của những đao phủ để dựng tiểu thuyết bối cảnh lịch sử, đoạt giải Sách Hay 2024 – “Nắng Thổ Tang”.
Tác phẩm có cảm hứng từ lịch sử với ba câu chuyện kết nối nhau. Nội dung mở đầu bằng câu chuyện của nhân vật xưng tôi tên là “Long Xách Tai” – làm nghề đao phủ. Tiếp đến là lão Gằm “vang danh bãi Gáo” và người nối nghiệp là lão Nhiên – nhân vật lấy mười ba thủ cấp của những người yêu nước trong vụ “Hà thành đầu độc năm 1908”.
Thông qua điểm nhìn của nhân vật xưng “tôi”, mạch truyện nối nhau bằng ba sự kiện chính: Cái kết của cuộc khởi nghĩa Việt Nam Quốc Dân Đảng ở Yên Bái mà cao trào là cuộc xử trảm tại pháp trường năm 1930, phong trào “rước Chúa vào Nam” năm 1954 và sự kiện chính quyền Ngô Đình Diệm lê máy chém khắp miền Nam trong thập niên 1960.
Tuy vậy, cuốn sách không miêu tả lịch sử trực diện. Thay vào đó, lịch sử là cái cớ để từ đó tác giả phát triển tiếp những câu chuyện đời thường với mối quan hệ gia đình, vợ chồng, mẹ con và đời sống xã hội qua lăng kính lối viết mang phong cách chủ nghĩa hiện thực huyền ảo và hậu hiện đại.
Không gian của tiểu thuyết là một không gian đa tầng, đan xen giữa thật và ảo, trong đó thị trấn mỏ than Mạo Khê thuộc thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh, đóng vai trò là không gian chính. Nhiều địa danh có thật xuất hiện trong tác phẩm như Hà Nội, Yên Bái, Sài Gòn, thành Nam, phố Cửa Đông, chợ An Đông, Mỹ Tho, sông Bến Hải tạo ra bầu không khí mang tính “lịch sử”. Đồng thời, truyện có những không gian mang tính mơ hồ, phiếm chỉ như căn phòng trọ của một cặp vợ chồng thời hiện đại, những con đường, mái nhà, cửa sổ, bàn thờ.
Nhà văn chú trọng chi tiết, miêu tả tỉ mỉ về con người, sự việc, tạo ra mạch ngầm xuyên suốt tác phẩm. Hình ảnh đao phủ chém đầu những nhân vật lịch sử được nối kết với chuyện nhân vật cắt chỉ buộc cổ hình nhân để cắt đứt duyên âm. Hai nhân vật Uyển – Nhu là chị em gái muốn ám sát Nguyễn Thái Học để cứu em trai út – gợi liên tưởng đến hai nhân vật lịch sử được tôn vinh là nữ anh hùng: Cô Giang – cô Bắc trong cuộc khởi nghĩa của Việt Nam Quốc Dân Đảng.
Con ngựa trắng là một hình ảnh được tác giả đặc tả và trở đi trở lại nhiều lần trong sách, xuyên qua cả không gian và thời gian gần một thế kỷ. Đó là con ngựa bạch trong lò nấu cao, là đầu con ngựa trong hình xăm trên lưng của nhân vật Long Xách Tai, hay con ngựa trong cỗ xe chở sáu xác người trên đường ở thị trấn Mạo Khê. Hoặc cũng là con ngựa trắng đứng sau cửa, trên mái tôn nhà bên cạnh mà nhân vật nhìn thấy trong tâm tưởng. Biểu tượng ngựa bạch mang tính đa tầng nghĩa, có thể là sự hy sinh, bền bỉ, có thể là sự thanh cao, tinh khiết, hoặc sự cấm kỵ, tôn sùng.
Đinh Phương không ngại đưa ra những triết lý đầy chất nghịch dị (grotesque) trong tác phẩm. Tính chất phân mảnh (fragmentation) gắn liền với giải cấu trúc (deconstruction), phi trung tâm hóa (decentralization) thể hiện rõ trong sách. Xét về cấu trúc tiểu thuyết thì đây là những mảnh vụn rời rạc, các câu chữ xâu chuỗi với nhau. Sự phân mảnh này xuất hiện trong ngôn từ, cấu trúc đoạn văn và cả ở cốt truyện.
Trong văn chương hậu hiện đại, bản chất của thủ pháp phân mảnh là sự chia tách, rời rạc, chất kết dính của câu chữ lỏng lẻo, không theo trật tự thời gian, không gian, không theo logic vận động của tình tiết, chi tiết, logic của tính cách nhân vật. Với văn học hậu hiện đại không ai hay vấn đề gì là “trung tâm” nhưng ngược lại, ai hay vấn đề gì cũng có thể trở thành đối tượng đề cập, dù là riêng lẻ hay cá biệt. Do vậy, sự đan cài chồng chéo giữa những nhân vật mang tính lịch sử với những nhân vật đời thường của Nắng Thổ Tang cho thấy một tư duy viết phức hợp, có chủ đích của nhà văn.
Tại lễ trao giải Sách Hay 2024 hôm 6/10, nhà nghiên cứu Nhật Chiêu – thành viên ban giám khảo hạng mục Văn học – nhận định về tiểu thuyết: “Chúng ta đang tiếp xúc với một tác phẩm tưởng tượng từ “chữ tâm” theo nghĩa rộng nhất. Đây là câu chuyện khúc xạ qua tâm, do đó có nhiều góc nhìn đa dạng và đa chiều, giúp chúng ta sống cùng lịch sử với những suy nghĩ, tâm tình trong cuộc sống thường ngày, chứ không phải như đi thăm một bảo tàng”.
Đinh Phương tên thật là Nguyễn Trọng Hưng, 35 tuổi, sinh tại Quảng Ninh. Anh tốt nghiệp khoa Sáng tác và lý luận phê bình văn học, trường Đại học Văn hóa Hà Nội (Trường Viết văn Nguyễn Du cũ), từng đoạt giải Nhì cuộc thi Truyện ngắn Văn nghệ Quân đội 2013 – 2014. Tác giả từng xuất bản các tác phẩm gây chú ý với độc giả như tập truyện ngắn Những đứa con của chúa trời, Đợi đến lượt, tiểu thuyết Nhụy khúc, Mơ Lam Kinh. Hiện tác giả công tác tại Ban Văn xuôi của Tạp chí Văn nghệ Quân đội.
Hà Thanh Vân
Nguồn tin: https://vnexpress.net/nang-tho-tang-lich-su-qua-goc-nhin-dao-phu-4809003.html