Dịp Tết, nhiều người tặng sách cho nhau như một cách để thể hiện sự quan tâm, gửi gắm thông điệp ý nghĩa thay lời chúc năm mới.
Văn hóa tặng sách có lẽ hình thành từ lâu trong đời sống người Việt. Đó là nhận định của nhà văn Đông Vy – đồng tác giả cuốn Nếu biết trăm năm là hữu hạn.
“Mỗi khi vào tiệm sách cũ, có lẽ bạn sẽ bắt gặp không ít cuốn sách vẫn còn lưu lại lời đề tặng từ người thân, bạn bè. Dường như việc trao tặng sách là một nét văn hóa thường nhật. Từ nhỏ đến lớn tôi được cha mẹ tặng sách trong nhiều dịp, ví dụ như cuối năm, và hiện tại tôi cũng thường tặng sách cho con”, Đông Vy nói.
Đối với những người yêu sách, việc bất chợt tặng nhau một cuốn sách là hành động nhiều ý nghĩa, trao gửi tình cảm, niềm vui và sự tin yêu. Từ việc thường xuyên tặng sách cho nhau, thói quen này dần trở thành một hoạt động phổ biến trong những dịp quan trọng, như dịp Tết Nguyên đán – lì xì sách mang đến một niềm tin về may mắn và thành đạt.
Theo nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Huỳnh Ngọc Trảng, lì xì là đọc theo âm Quảng Đông của “lợi thị”, thị ở đây có nghĩa là chợ. Nó xuất phát từ văn hóa cho nhau ít tiền vào ngày đầu năm để chúc nhau mua may bán đắt. Ngoài ra, lì xì còn là một hình thức mà người lớn khích lệ con cháu trong nhà vào dịp Tết, hoặc cho người trẻ lấy làm vốn liếng đầu năm.
“Ngày xưa người ta lì xì tiền làm vốn thì ngày nay người ta lì xì sách với ý nghĩa là tặng một vốn tri thức đầu năm, lấy hên vậy. Ngày xưa, vốn vật chất được xem trọng, nhưng ngày nay chúng ta phải công nhận vốn tri thức rất quan trọng”, nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng nói.
Thông điệp ngày Tết từ những trang sách
Đưa hai con trai đi Đường sách Nguyễn Văn Bình vào những ngày cuối năm, chị Bùi Thùy Trang (TP HCM) cho biết gia đình thường tặng sách hoặc đưa con đến đường sách để có thể tự chọn những tác phẩm yêu thích.
“Giữa lì xì tiền và lì xì sách thì mấy bé có vẻ thích sách nhiều hơn, vì tôi đã hướng dẫn cho con đọc sách từ nhỏ. Về lì xì, tôi cũng giải thích cho các bé đó chỉ là lộc, nên các bạn cũng không phân biệt nhiều ít, hay đòi hỏi phải như thế nào cả”, độc giả Thùy Trang cho biết.
Thanh Trúc, một độc giả tại TP HCM, cho biết nhận được một vài cuốn sách từ bạn bè và đồng nghiệp trước khi bắt đầu kỳ nghỉ Tết. “Vì thường xuyên chia sẻ với nhau về văn hóa đọc, chúng tôi hầu như nắm rõ gu sách của nhau. Do đó, khi nhận được những cuốn mình đang ngắm nghía từ lâu, lại được bạn gói cẩn thận và viết lời chúc năm mới, tôi vừa vui vừa cảm động vì sự tỉ mì và quan tâm”, Thanh Trúc nói.
Thanh Trúc cho biết đây sẽ là những cuốn sách cô để dành đọc trong dịp nghỉ Tết. Cô cũng chuẩn bị sách để gửi tặng lại cho bạn bè.
“Mình xem cuốn sách như một phương tiện để gửi gắm thông điệp muốn nói đối với người nhận. Bởi đôi lúc mình hiểu bạn bè đang gặp vấn đề này nhưng không thể đưa ra những lời khuyên tốt nhất được, nên mong rằng cuốn sách đầu năm sẽ không chỉ mang ý nghĩa may mắn tượng trưng, mà còn mang lại giá trị thiết thực cho người nhận”, cô nói thêm.
Theo thời gian, nhiều người đọc hy vọng thói quen tặng sách không chỉ giới hạn trong những dịp đặc biệt mà còn trở thành một biểu hiện tự nhiên của sự quan tâm lẫn nhau giữa mọi người ở cuộc sống hàng ngày. Nó vừa làm phong phú thêm bộ sưu tập sách của mỗi người, vừa là cách thức để gắn kết cộng đồng thông qua việc trao đổi, chia sẻ và thảo luận các chủ đề họ quan tâm.
Nói về văn hóa lì xì sách, nhà văn Đông Vy cho rằng Tết là một dịp đặc biệt để mọi người tặng sách cho nhau, bên cạnh nhiều dịp trong năm. “Tôi nghĩ niềm vui cũng như nhu cầu đọc sách không chỉ là lúc chúng ta được tặng, mà bắt đầu từ lúc chúng ta được vào nhà sách hay vào thư viện đắm mình trong bầu không khí của thế giới sách”, cô nói.
Ngạn Bình
Nguồn tin: https://vnexpress.net/li-xi-sach-von-lieng-tri-thuc-dau-nam-4710745.html