Sách “Đà Lạt, thành phố trong album” tái hiện ký ức một thời về vùng đất, con người Đà Lạt, với loạt ảnh tư liệu hiếm.
Sách do tác giả Nguyễn Vĩnh Nguyên thực hiện, nằm trong bộ tứ tác phẩm của anh về “thành phố sương” suốt 10 năm qua. Sách được chia thành hai phần: Phong cảnh & Phong vị và Người & Thời, xoay quanh hành trình tìm về văn hóa đô thị, di sản tinh thần nơi đây.
Ở phần đầu, Nguyễn Vĩnh Nguyên đề cập đến vai trò của hồ Xuân Hương và đồi Cù trong ký ức người Đà Lạt. Sự xuất hiện của các trường học Pháp, các món ăn Hoa đặc trưng góp phần giúp định hình một nền văn hóa đa dạng. Tác giả cũng tìm về những dấu ấn của người Pháp, người Hoa trong ẩm thực của thành phố. Chẳng hạn, trong cái lạnh của Đà Lạt, ăn kem trở thành một thú vui của nhiều người, từ đó nhiều tiệm kem nổi tiếng ra đời.
Những ngôi chùa, thánh đường đi vào tâm thức người dân, trở thành nguồn cảm hứng cho những tâm hồn thi vị. Một mảng quan trọng trong sách được tác giả dành nhiều tâm sức để nghiên cứu là nhiếp ảnh, mỹ thuật, kiến trúc. Anh đề cập đến nhiều tay máy nổi tiếng, đoạt giải quốc tế, trong đó có Nguyễn Bá Mậu, hay họa sĩ Pháp chuyên vẽ về Đà Lạt – André Maire.
Sách giới thiệu 67 bức hình từ các album gia đình của người Đà Lạt, kho ảnh của giới sưu tập. Từ đó, ấn phẩm dẫn dắt người đọc đi vào không gian và thời gian của một đô thị thư nhàn, thanh tao. Tác giả dùng lối văn khảo và luận một cách từ tốn để tái hiện bối cảnh những cuộc chuyển dịch lớn.
Ở phần sau, sách viết về những nhân vật thú vị, như chuyện một trưởng ty (người đứng đầu một cơ quan chuyên môn trong một tỉnh) không màng chính trị mà mê văn hóa, văn nghệ, hay chủ tiệm sửa radio Hoàng Anh trên dốc Minh Mạng, chủ tiệm may veston Tailor Sơn. Tác giả còn viết về những trào lưu, hiện tượng góp phần tạo nên tâm hồn người Đà Lạt, như dòng nhạc Pháp thập niên 1960-1970. Văn hóa Pháp ảnh hưởng sâu đậm ở Đà Lạt đến nỗi nhiều bộ phim Mỹ khi được chiếu ở Đà Lạt đều thông qua bản tiếng Pháp.
Nhiều ngành thủ công nơi đây phát triển như nghề đan len, từ đó đáp ứng nhu cầu thời trang, gu mặc của người dân. Theo sách, áo dài khoác áo len trở thành phong cách đặc trưng của nữ sinh Đà Lạt, hay nam giới chuyên mặc suit. Tác giả cũng dành công sức nghiên cứu về các tu viện Công giáo, tiêu biểu là Học viện Dòng Chúa Cứu thế.
Nguyễn Vĩnh Nguyên, 45 tuổi, sinh tại Khánh Hòa, lớn lên tại Ninh Thuận, tốt nghiệp Sư phạm Ngữ văn Đại học Đà Lạt khóa 1997-2001. Anh sống và làm việc tại Sài Gòn. Ngoài các tập truyện ngắn, tản văn, tiểu thuyết, anh còn chuyên tâm thực hiện loạt sách về Đà Lạt, với nhiều ấn phẩm như: Đà Lạt một thời hương xa, Với Đà Lạt ai cũng là lữ khách, Đà Lạt, bên dưới sương mù, Đà Lạt, những cuộc gặp gỡ. Anh còn lập một fanpage chuyên về Đà Lạt, là nơi trao đổi những thông tin văn hóa, lịch sử, những câu chuyện về thành phố.
Mai Nhật
Nguồn tin: https://vnexpress.net/ky-uc-da-lat-4834189.html