Tôn Ngạn Quân, đóng Lưu Bị, khóc đến lả người ở cảnh Quan Vũ trên phim trường “Tam Quốc diễn nghĩa”.
Theo The Paper, bộ phim truyền hình Trung Quốc vẫn thu hút khán giả ở nhiều độ tuổi sau 30 năm ra mắt. Năm 2020, Bilibili – nền tảng video có người dùng trẻ – phát lại bộ phim, đến 15/1 cán mốc 500 triệu lượt xem cùng tám triệu bình luận. Tác phẩm thuộc danh sách phim kinh điển của truyền hình Hoa ngữ, được khán giả chấm 9,6/10 điểm ở diễn đàn Douban.
Tổng đạo diễn là Vương Phù Lâm, năm nay 93 tuổi. Ông còn nhớ rành mạch những dấu mốc khi thực hiện tác phẩm. Buổi trưa tháng 7/1989, khi đang quay một phim đề tài nông thôn, Vương Phù Lâm thấy chiếc xe con chạy về phía phim trường. Nhà sản xuất Nhâm Đại Huệ cùng một lãnh đạo đài truyền hình đến gặp đạo diễn, không vòng vo: “Nhà đài thống nhất rồi, phim đó chắc chắn quay, anh làm đạo diễn”.
Trước đó, Nhâm Đại Huệ và Vương Phù Lâm hợp tác ở Hồng lâu mộng 1987. Nhưng chuyển thể Tam Quốc diễn nghĩa là câu chuyện khác, vì đề tài chiến tranh, quy mô rộng lớn hơn Hồng lâu mộng, mức khó cũng gấp bội.
Vương Phù Lâm ra điều kiện trong một năm, nhà đài không giao cho ông bất kỳ việc gì khác. Đạo diễn dùng thời gian này nghiên cứu lịch sử Tam Quốc, bối cảnh xã hội, thói quen sinh hoạt của nhân vật, trang phục, ẩm thực thời kỳ đó.
Sau này ngẫm lại, Vương Phù Lâm thấy đúng đắn khi bỏ một năm để thu nạp kiến thức. Ông nói: “Anh không thể cậy anh là đạo diễn thì muốn quay theo ý thích là được. Trước tiên anh cần hiểu đề tài của mình, như thế mới có tư cách nói chuyện với người khác”.
Vương Phù Lâm chọn năm người khác cùng làm đạo diễn, mỗi người phụ trách một phim trường hoặc một phần phim. Tác phẩm bấm máy năm 1990, ghi hình trong hơn ba năm, tổng cộng 84 tập.
Phim có vốn đầu tư lớn nhất bấy giờ, với 170 triệu nhân dân tệ (23,8 triệu USD), trong đó gần 100 triệu tệ (14 triệu USD) dùng tái hiện bối cảnh thời Tam Quốc. Cátxê cho dàn diễn viên chỉ chiếm khoảng 5% tổng vốn đầu tư. Các diễn viên chủ chốt như Đường Quốc Cường (vai Gia Cát Lượng), Bào Quốc An (vai Tào Tháo) nhận 250 tệ (860 nghìn đồng) một ngày, Vương Phù Lâm nhận 225 tệ (774 nghìn đồng) một ngày.
Tác phẩm đồ sộ, hoành tráng cả về bối cảnh lẫn con người, với khoảng 400.000 lượt diễn viên. Tháng 6/1992, khi quay phần Đại chiến Xích Bích, đoàn phim huy động chín máy quay, một chiếc trực thăng quay ba hướng gồm trên sông, đường bộ và từ không trung. 72 chiếc thuyền được sử dụng, 50 xe tải chở củi đến phục vụ cảnh thiêu đốt trên sông. Ban đầu, nhà sản xuất Nhâm Đại Huệ ước tính chi phí mỗi tập là 400.000 nhân dân tệ nhưng chi phí quay thực tế là hơn 800.000 nhân dân tệ mỗi tập (112 nghìn USD, tương đương 2,7 tỷ đồng).
Ba năm quay phim, diễn viên có khổ, có vui. Trần Binh, tài tử đóng Quan Bình, tiết lộ ông nhớ nhất tập phim Quan Vũ thua trận tháo chạy về Mạch Thành. Bấy giờ, 17 xe chở diễn viên và đạo cụ tìm nơi có tuyết để ghi hình. Từ Bắc Kinh, cả đoàn vượt gần 900 km mới tìm được địa điểm tuyết rơi dày đặc. Qua các khung đường núi, hầu hết diễn viên nôn mửa vì say xe. Êkíp còn phải thuê cần cẩu kéo 17 chiếc xe lên núi.
Ngụy Tông Vạn, người đóng Tư Mã Ý, gia nhập đoàn phim khi ngoài 50 tuổi, chưa từng cưỡi ngựa. Thời đó, diễn viên tự hoàn thành mọi cảnh cưỡi ngựa chứ không có người đóng thế. Ngụy Tông Vạn làm quen với ngựa, nuôi dưỡng tình cảm với bạn diễn bốn chân. Ông ghen tị với Đường Quốc Cường, người đóng Gia Cát Lượng: “Quay 10 tập phim, tôi cưỡi ngựa cả 10 tập, còn Gia Cát Lượng chỉ ngồi trên xe”.
Lý Khánh Tường, đóng Viên Thiệu, kể ông mặc áo giáp trong thời tiết 40 độ C, người đầm đìa mồ hôi nhưng bấy giờ không hề cảm thấy vất vả, chỉ tâm niệm hoàn thành tốt vai diễn.
Tôn Ngạn Quân (vai Lưu Bị) nói đến nay vẫn khiếp đảm mỗi khi nhớ chuyện diễn cảnh khóc trên phim trường. Mỗi lần quay, nếu cộng sự sơ suất, đạo diễn lại yêu cầu Tôn Ngạn Quân khóc lại, mà vẫn phải khóc sao cho mùi mẫn, cảm động. Tôn Ngạn Quân lả người khi quay tập Quan Vũ (Lục Thụ Minh đóng) bỏ mạng trên chiến trường. Ngạn Quân cho biết sau phim này, “đánh chết” ông cũng không dám nhận đóng phim nào phải khóc nữa.
Bào Quốc An, đóng Tào Tháo, nói: “Làm diễn viên như chúng tôi, khi quay một tác phẩm chuyển thể tiểu thuyết kinh điển, nhất định phải biết kính sợ. Chúng tôi cần diễn cho xứng đáng với người xưa, xứng đáng với khán giả”.
Hơn ba năm đóng phim, ở cùng phòng với nhau, nhiều nghệ sĩ trở nên thân thiết như huynh đệ. Lục Thụ Minh và Lý Tĩnh Phi (đóng Trương Phi) ở chung phòng, thi thoảng đi đá bóng cùng nhau. Lục Thụ Minh từng kể Lý Tĩnh Phi bề ngoài thô ráp nhưng bên trong tinh tế, nấu ăn ngon, thường làm sủi cảo cho mọi người.
Ngoài nội dung, các bài hát trong Tam Quốc diễn nghĩa cũng được đánh giá xuất sắc. Ban đầu, bốn người sáng tác nhạc phim, sau đó gửi tác phẩm cho bên thứ ba thẩm định, giấu tên tác giả để đảm bảo công bằng. Lãnh đạo đài từng nói “đây là phim về đàn ông, không nên để phụ nữ viết nhạc”, nhưng khi giới chuyên môn thẩm định, ca khúc của nhạc sĩ nữ Cốc Kiến Phân được chấm cao nhất và được chọn làm bài hát chủ đề.
Phim gây tiếng vang lớn ở các nước châu Á như Nhật Bản, Malaysia, Thái Lan, Việt Nam, Ấn Độ, Hàn Quốc, Malaysia. Nhà đài ở Nhật mua bản quyền với giá hơn 15.000 USD cho mỗi tập. Trong khi phí tác quyền phía Nhật Bản trả để phát Hồng lâu mộng 1987 là hơn 1.000 USD mỗi tập.
Như Anh (theo The Paper)
Nguồn tin: https://vnexpress.net/hau-truong-tam-quoc-dien-nghia-1994-4700852.html