Hậu trường hóa trang thời chiến của phim ‘Địa đạo’
Hậu trường hóa trang nhóm du kích trong “Địa đạo”. Video: Đoàn phim cung cấp
Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên cho biết một trong những khâu êkíp dành nhiều tâm sức nhất là hóa trang. Theo anh, nhóm chiến sĩ trong phim dành phần lớn thời gian sống dưới địa đạo, mặt mũi luôn lấm lem, da đen sạm vì ám khói. Anh đặt tiêu chí các vệt than, bùn trên người các diễn viên cần được xử lý tự nhiên. Ở một số cảnh người lính bị trọng thương do bom đạn, khâu tạo hình phức tạp hơn, Jefferson Cabral – chuyên viên hóa trang người Mỹ – phải mất nhiều giờ để thực hiện.
Nhân vật Bảy Theo (Thái Hòa) trong một cảnh chứng kiến đồng đội hy sinh. Ảnh: Thanh Huyền
Đoàn phim cũng đầu tư cho phần trang phục – yếu tố quan trọng góp phần phác họa giai đoạn cuối thập niên 1960. Đạo diễn cùng tổ thiết kế tìm hiểu kỹ về lịch sử để tránh các trường hợp gây tranh cãi. Theo bà Mai Lâm – phụ trách phục trang, từng bộ quần áo, phụ kiện phải làm tự nhiên, thô sơ nhưng không được qua loa. Mỗi bộ đồ còn phản ánh tính cách từng nhân vật, như Út Khờ (Diễm Hằng Lamoon) mặc trẻ trung, giàu màu sắc, còn Ba Hương (Hồ Thu Anh) giản dị hơn với đồ tự thêu.
Bùi Thạc Chuyên cho biết tôn trọng tính chân thực của phim vì muốn cùng khán giả suy ngẫm, học những bài học lịch sử về chiến tranh qua tác phẩm. Nhiều phân cảnh được anh lấy ý tưởng từ nguyên mẫu có thật. Chẳng hạn, ở đoạn nhóm du kích đón chú Sáu đến thăm địa đạo, họ nói: “Chú phải về đây ở thật lâu thì mới biết”, để miêu tả cuộc sống trong lòng đất. Lời thoại được đạo diễn lấy cảm hứng từ câu nói của anh hùng lực lượng vũ trang Tô Văn Đực – người góp phần chế tạo mìn gạt trong cuộc chiến ở Củ Chi.
Cảnh Tư Đạp (Quang Tuấn) cưa bom trong “Địa đạo”
Cảnh Tư Đạp (Quang Tuấn) cưa bom trong “Địa đạo”. Video: Đoàn phim cung cấp
Câu chuyện xoay quanh nhóm du kích 21 người bám trụ ở Củ Chi, sau trận càn Cedar Falls (năm 1967) của Mỹ. Đội trưởng Bảy Theo (diễn viên Thái Hòa đóng) và các đồng đội được giao nhiệm vụ bảo vệ địa bàn cho nhóm thông tin tình báo chiến lược. Tuy nhiên, các cuộc liên lạc của họ bị quân địch phát hiện. Những chiến sĩ du kích rơi vào tình thế nguy hiểm, đối mặt nhiều trận càn quét. Dự án kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước, là phim chiến tranh được làm từ ngân sách xã hội hóa.
Đạo diễn – biên kịch Bùi Thạc Chuyên, 57 tuổi, sinh tại Hà Nội. Năm 1995, anh học khoa Diễn viên, Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội, trở thành nghệ sĩ của Nhà hát kịch Việt Nam. Năm 1997, anh theo học đạo diễn, gây chú ý với Cuốc xe đêm – tác phẩm Việt đầu tiên đoạt giải ở hạng mục Phim ngắn Cinefondation tại Liên hoan phim quốc tế Cannes. Năm 2005, phim Sống trong sợ hãi của anh giành nhiều giải trong nước và quốc tế. Năm 2022, Tro tàn rực rỡ – phim chuyển thể từ truyện Nguyễn Ngọc Tư – cũng thắng lớn, trong đó có Bông Sen Vàng tại Liên hoan phim Việt Nam 2023.
Mai Nhật
Nguồn tin: https://vnexpress.net/hau-truong-hoa-trang-thoi-chien-cua-phim-dia-dao-4872420.html