Ca sĩ, nhạc sĩ Duy Mạnh nói hối hận vì trót xăm hình ở cổ tay, khiến hình ảnh bản thân không phù hợp khi dự nhiều chương trình.
Anh thu hút sự quan tâm của khán giả khi tái hợp ca sĩ Tuấn Hưng sau 14 năm, trong show Anh em kết đoàn, quyên góp được 3,6 tỷ đồng hỗ trợ người vùng hứng chịu bão Yagi. Dịp này, Duy Mạnh nói về công việc, cuộc sống và dự định với âm nhạc.
– Sau sự kiện kết hợp ca sĩ Tuấn Hưng, anh thấy bản thân được điều gì nhất?
– Nhiều người từng khuyên tôi làm liveshow, thậm chí cam kết hỗ trợ tài chính. Tuy nhiên, tôi nghĩ mình là nhạc sĩ, tổ chức đêm nhạc riêng phù hợp với ca sĩ hơn. Còn về show Anh em kết đoàn là dịp để chúng tôi lan tỏa tình yêu quê hương đất nước. Hưng có đùa “anh em xuất hiện như ở một trận chung kết”, nhưng tôi không nghĩ vậy. Đó không phải sự kiện để biểu diễn hay so đo nhau. Chúng tôi muốn cùng làm điều ý nghĩa giúp bà con ở Thái Nguyên, Lào Cai, Yên Bái, Lạng Sơn, chịu ảnh hưởng vì thiên tai. Những nơi này tôi từng đi hát hội chợ 20 năm trước, được mọi người yêu thương.
Tôi và Hưng vẫn là người được lợi nhiều nhất qua chương trình này. Bao nghệ sĩ mất cả tỷ đồng làm MV, show nhạc để xây dựng tên tuổi. Còn chúng tôi chỉ góp công nhưng lại có hình ảnh đẹp, uy tín hơn. Hiệu ứng về mặt xã hội show mang lại gấp trăm lần các sản phẩm tôi từng làm. Điều này tiền không thể nào mua được.
– Có thời gian gắn bó rồi lại giận nhau nhiều năm, hiện tại, quan hệ giữa anh và Tuấn Hưng thế nào?
– Chúng tôi quen biết lâu năm nhưng gặp gỡ chưa đến mười lần. Tôi không yêu quý, cũng không thù ghét Hưng. Có lần, tôi nói: “Anh trêu em nhưng anh không bao giờ xúc phạm hay động chạm gia đình em. Anh chỉ thích đùa, để fan của anh và em nói qua nói lại cho vui”. Hưng từng đáp: “Thế thì anh trêu tiếp đi”.
Mấy năm trước, Hưng bảo: “Anh ơi, giờ mình lớn rồi, có vợ con. Anh bớt đùa và anh cũng nên bỏ chữ thợ hát đi”. Tôi nghe xong lại trêu tiếp: “Đó là nghệ danh của anh mà em. Có người phấn đấu cả đời làm nghệ sĩ, còn anh chỉ muốn làm thợ hát, ai mời thì diễn để trang trải cuộc sống”. Nói chung, giờ chúng tôi vẫn giữ quan hệ bình thường.
– 30 năm hoạt động trong làng nhạc, lăn lộn từ Bắc vào Nam, có điều gì khiến anh tiếc nuối?
– Điều tôi hối hận nhất là xăm hình trên cánh tay. Khi còn trẻ, tôi đeo khuyên mắt, xăm mình, vì nghĩ đó là nghệ thuật, nhưng giờ thấy là không phải. Tôi nghĩ thợ xăm là những nghệ sĩ, tạo ra tác phẩm đẹp. Nhưng khi tôi đặt hình xăm ở trên người, nó chỉ còn là sở thích.
Ngoài ra, tôi thấy bất tiện vì có hình xăm. Khi hát trong trại giam, phục vụ phạm nhân hoặc trong một số sự kiện thiếu nhi, tôi đều phải mặc áo dài tay. Gần nhất, trong liveshow Anh em kết đoàn, biểu diễn bài Sát cánh bên nhau dưới lá cờ Tổ quốc, tôi cũng phải che phần tay. Tôi từng nghĩ đến chuyện xóa xăm nhưng lại sợ để lại sẹo. Nếu được làm lại, tôi sẽ chỉ xăm vào chỗ ít người thấy.
– Vì sao là người nổi tiếng nhưng anh thường có nhiều phát ngôn gây tranh cãi trên mạng xã hội?
– Trước khi có Luật An ninh mạng, tôi dùng Facebook một cách vô tư, có gì bực bội, bức xúc là thể hiện ngay, ngôn từ đúng là chưa chuẩn mực. Tôi xác định không xây dựng hình tượng nghiêm túc, nên thường bình luận vui vẻ. Tuy nhiên, tôi không kích động bạo lực, luôn thể hiện quan điểm yêu quê hương, đất nước. Ngoài ra, tôi chỉ hoạt động trong trang cá nhân của mình, không sang “nhà” người khác. Có thể cái vui của tôi đã quá trớn với nhiều người.
Năm 2020, tôi bị một số thành phần cắt ghép bình luận liên quan đến chính trị, chủ quyền dân tộc. Tôi đã cung cấp cho cơ quan chức năng tài liệu chứng minh mình trong sạch nên chỉ bị phạt vì nói bậy. Tôi chấp nhận và tiếp thu. Giờ tôi dùng Facebook để vui với fan thôi.
– Khoảng thời gian nào khó khăn nhất trong sự nghiệp của anh?
– Khi chưa nổi tiếng, cát-xê của tôi khoảng 100.000 đồng mỗi tối. Năm 2004, sau khi có bài Kiếp đỏ đen, thù lao tăng gấp 1.000 lần. Đột nhiên có nhiều tiền nhưng quản lý kém, tôi bối rối, chơi bời, tiêu phung phí. Đến lúc muốn làm ăn kinh doanh lại thất bại.
Tôi từng trầm cảm khi Nam tiến một mình. Tôi là người sáng tác, lại gắn với dòng nhạc buồn, nên có giai đoạn cần sự cô độc. Tuy nhiên, khi cứ chìm sâu vào nó, tôi lại stress. Vợ tôi có công việc riêng ở Hải Phòng nhưng đến năm 2010, cô ấy phải vứt bỏ tất cả để vào TP HCM cùng chồng.
– Anh giữ vai trò trụ cột trong gia đình ra sao?
– Tôi vẫn đi hát, kiếm tiền. Tôi không phải đại gia, tin đồn do khán giả hiểu nhầm. Tôi thấy mình tiết kiệm, biết tiêu tiền đúng lúc, đúng chỗ. Tôi biết một số nghệ sĩ thu nhập tốt nhưng đam mê đỏ đen. Đó là sự phung phí, tốn thời gian, tiền bạc vô cùng. Với một người viết nhạc, đã dính đến trò may rủi là không sáng tạo nổi, bởi nó khiến con người ta mất tập trung. Dù thắng hay thua, anh cũng sẽ nghĩ đến nó cả ngày. Cờ bạc đánh vào lòng tham con người, khiến họ mụ mị đồng tiền và mất đi sự mơ mộng, lãng mạn.
– Thường đăng các video nuôi dạy, trêu đùa con trai 12 tuổi, anh thấy mình hòa hợp con cái ra sao?
– Tôi nghĩ không thể áp đặt cách giáo dục của thế hệ trước với thế hệ sau. Lúc nhỏ, tôi sống trong thời bao cấp, ai cũng nghèo khổ. Tôi thường xuyên bị bố đánh đòn vì nghịch ngợm. Nhưng hôm sau, chỉ cần ông cho vài đồng mua kẹo, tôi lại sung sướng và cảm nhận được tình yêu của cha, không hề oán trách. Các bạn trẻ giờ lớn lên trong điều kiện tốt, bố mẹ mắng vài câu là stress. Vì thế, người lớn cần phải làm bạn với con để hiểu chúng. Với Thu Cầm, tôi chơi cùng con và các bạn con, thậm chí làm nhạc với họ. Còn con trai, tôi hướng con chơi thể thao để quen với việc chịu áp lực.
Tôi luôn dặn dò con lễ phép, cư xử đúng mực từ những việc nhỏ: “Ra đường, gặp ai con cũng nên chào họ, đừng đợi được chào trước. Khi ở trong thang máy mà thấy có người đang cần đi vào, con phải giữ cửa”.
– Con gái Thu Cầm đi hát, anh lo điều gì khi con vào showbiz?
– Ban đầu, tôi lo môi trường showbiz phức tạp. Nhưng khi tiếp xúc các nghệ sĩ gen Z, tôi thấy an tâm bởi các bạn cạnh tranh lành mạnh, giúp nhau tiến bộ. Tôi để con tự trải nghiệm và trưởng thành, chỉ khuyên con đi hát đừng nghĩ đến tiền, trau dồi bản thân trước đã.
– Vợ sát cánh bên anh thế nào?
– Với tôi, viết bài hát rất dễ nhưng giữ hạnh phúc gia đình thì lại cực kỳ khó. Tôi được như ngày hôm nay nhờ vợ. Bà xã là người đơn thuần, chu đáo. Cô ấy nghiêm cẩn còn tôi phóng khoáng, nên có nhiều chuyện bất đồng. Những lúc cãi nhau, cô ấy có thể bực tức, gay gắt, nhưng sau đó vẫn quan tâm, bao dung chồng con. Bà xã chăm lo gia đình, nuôi dạy con cái, định hướng cho hai con học nhạc, theo đuổi nghệ thuật. Cô ấy cũng đứng sau quản lý, xây dựng hình ảnh cho tôi và con gái Thu Cầm.
Trước kia, tôi chơi bời không thiếu khoản nào. Giờ tôi chín chắn, biết trân trọng sức khỏe hơn, không uống bia rượu, hạn chế nhậu nhẹt. Tôi bỏ thuốc khi vợ sinh con trai năm 2012, vài năm trước mới hút lại, vì buồn chán trong thời dịch. Gần đây, tôi hứa với con sẽ bỏ.
– Có gia đình hạnh phúc, ổn định, anh lấy cảm xúc từ đâu để sáng tác nhạc trong khi anh thường viết nhạc buồn?
– Hiện tại, tôi không còn tâm trạng viết nhạc buồn. Có chăng cảm xúc chỉ đến chớp nhoáng khi tôi đọc truyện, xem phim. Tôi cho rằng mình là nghệ sĩ U50 hiếm hoi đi ngược lại xu hướng. Tôi không “ăn mày dĩ vãng” mà hướng đến dòng nhạc mới, tập nhảy, tập rap ở tuổi trung niên.
Tôi thích viết những ca khúc lan tỏa tinh thần đoàn kết dân tộc, chẳng hạn như bài Tôi là dân 37, nói về người Nghệ An. Tôi rất ghét sự phân biệt vùng miền vì điều đó tạo sự bất ổn trong xã hội.
– Anh mong muốn điều gì trong công việc, cuộc sống?
– Tôi mong có sức khỏe. Trước mắt, tôi dự định tổ chức một số đêm nhạc thiện nguyện. Tôi chỉ xin tài trợ từ bạn bè thân thiết, hay trêu họ: “Các ông ơi, mình ăn nhậu cả tháng rồi, bớt vài bữa, cho tôi một ít tiền làm việc thiện đi”. Tôi không kêu gọi khán giả gửi tiền vào tài khoản cá nhân, chỉ hướng dẫn họ gửi cho Mặt trận Tổ quốc hoặc Hội Chữ thập đỏ.
Vừa rồi, một số người tìm ra số tài khoản của tôi, gửi tiền vào, tôi buộc phải rút phần của mình ra để không lẫn lộn. Tôi thấy rất phiền phức. Một người bạn của tôi từng gửi 10.000 AUD ủng hộ. Khi đổi sang tiền Việt, tôi tự bù thêm 500.000 đồng vì sợ nhỡ hôm sau tỷ giá tăng, sẽ có người nói tôi không minh bạch (cười). Ngoài ra, tôi giữ một số bức tranh chủ đề Phật giáo, dự định đấu giá để đóng góp.
Ca sĩ Duy Mạnh sinh năm 1975 tại Hải Phòng trong gia đình có ba người anh là nghệ sĩ saxophone. Anh tốt nghiệp khoa piano Nhạc viện TP HCM, từng học thêm với nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9.
Từ năm 1998, anh bắt đầu biểu diễn trong các phòng trà, sân khấu nhỏ ở TP HCM, vai trò đệm piano và hát lót. Năm 2004, anh nổi tiếng với các ca khúc như Tình em là đại dương, Kiếp đỏ đen, Hãy về đây bên anh. Anh hiện chủ yếu sáng tác, sản xuất, diễn ở các quán bar, pub. Năm 2022 – con gái anh – Thu Cầm – được bố hỗ trợ ra sản phẩm đầu tay.
Hà Thu
Nguồn tin: https://vnexpress.net/duy-manh-toi-hoi-han-da-xam-hinh-4800952.html