Họa sĩ Dương Bích Liên của bộ tứ ”Nghiêm, Liên, Sáng, Phái” nhiều lần từ chối Hội Mỹ thuật Việt Nam tổ chức triển lãm cho ông.
Danh họa sống không vợ con, ít bạn bè. Ông thân thiết hai họa sĩ Bùi Xuân Phái và Nguyễn Sáng. Trong căn nhà ở số 55 Bà Triệu, Hà Nội, đồ đạc của ông chỉ có một chiếc giường nhỏ luôn phủ ga trắng, chiếc võng, bàn và một chiếc ghế. Sinh thời, ông nói: ”Cô đơn là số phận của đời tôi”.
Câu chuyện về danh họa được giới mỹ thuật đúc kết trong chương trình Họa sĩ Dương Bích Liên – Ánh chớp thầm lặng tổ chức hôm 13/7, nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của ông (1924-2024). Ông qua đời tháng 12/1988, ở tuổi 64.
Họa sĩ Lương Xuân Đoàn – chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam – cho biết sau Đổi mới, hội nỗ lực tổ chức triển lãm cho nhóm tứ kiệt hội họa nhưng không thuyết phục được ông Dương Bích Liên. Hai lần được hội ngỏ lời mời, ông chỉ im lặng hoặc cười trừ. Khi qua đời, danh họa chưa từng có một triển lãm cá nhân. Tới nay, tranh của ông không còn nhiều, bị phân tán khắp nơi.
Ở đời thường, danh họa thường giữ khoảng cách trong giao tiếp, khiến người đối diện cảm giác ông là người khó tính. Trong ký ức của ông Dương Hồng Quân – một người cháu, ông Dương Bích Liên sống giản dị, thường im lặng. Do vậy, với con cháu, ông vừa thân quen lại xa lạ. Trong 20 ngày cuối đời, họa sĩ chọn cách uống rượu, nhịn ăn. Trước lúc mất, ông chỉ thông báo cho một người bạn thân để nhờ lo hậu sự.
Nhiều năm gần gũi với ông, họa sĩ Đặng Thị Khuê – từng là Ủy viên Ban Thư ký Hội Nghệ sĩ tạo hình Việt Nam, nhận xét ông có lối sống ẩn dật và nhẫn nhịn. Vì vậy, ông dồn hết năng lượng, nhiệt huyết cho nghệ thuật.
Bạn yêu hội họa biết đến họa sĩ Dương Bích Liên qua những tác phẩm Chiều vàng, Mùa gặt, Hào, Hồ Chủ tịch qua suối. Bức sơn mài Bác Hồ ở chiến khu Việt Bắc của ông được công nhận là bảo vật quốc gia năm 2017, hiện lưu giữ tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Sinh thời, họa sĩ từng có thời gian được ở gần Hồ Chủ tịch, nhờ đó ông mô tả được chân thực dáng vẻ, cử chỉ của lãnh tụ. Danh họa Tô Ngọc Vân từng nhận định họa sĩ Dương Bích Liên là người có khả năng vẽ chính xác thần thái của Hồ Chủ tịch. Bà Đặng Thị Khuê cho biết trước khi mất ba ngày, ông vẫn kể lại cặn kẽ những kỷ niệm với Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Bên cạnh đó, ông thành công trong loạt tác phẩm chân dung thiếu nữ, với những nét vẽ đầy tình cảm và sự trân trọng dành cho phái đẹp. Giới mỹ thuật thường nói “Phố Phái, gái Liên”, cho thấy một trường phái tranh nổi bật trong sự nghiệp sáng tác của danh họa Dương Bích Liên.
Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam nhớ một lần gặp họa sĩ ở tư gia của ông Nguyễn Tư Nghiêm. Khi thấy áo của ông Dương Bích Liên đứt cúc, một cô người mẫu đã giúp ông đơm lại. Ánh mắt biết ơn, trìu mến mà họa sĩ dành cho cô gái khiến ông Lương Xuân Đoàn không thể nào quên.
Xuyên suốt sự nghiệp, ông chỉ khắc họa hình ảnh những cô gái Hà Thành. Bà Hải Yến – nguyên mẫu bức Chân dung cô Yến của danh họa – nhớ mãi câu chuyện ông cứ vẽ xong lại xé giấy vì chưa ưng ý. Bà Yến từng có chút tự ái, nói: ”Nếu bác thấy cháu xấu quá, không xứng đáng để bác vẽ thì bác cứ nói thẳng với cháu”. Hai tháng sau, bà lại được họa sĩ gọi đến gặp. Khi ấy, bà không sửa soạn nhiều nhưng chỉ sau khoảng hai tiếng, ông Dương Bích Liên đã hoàn thành bức chân dung bà.
Họa sĩ Dương Bích Liên lớn lên trong gia đình có cha là quan tri phủ, họ hàng có nhiều người là trí thức, bác ruột là giáo sư Dương Quảng Hàm. Ông là sinh viên khóa cuối cùng của trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương.
Danh họa từng đoạt giải nhất triển lãm Mỹ thuật toàn quốc năm 1980 với sáng tác Bác Hồ ở chiến khu Việt Bắc. Năm 2000, ông được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học, nghệ thuật. Theo nhận định của họa sĩ Đặng Thị Khuê, tranh Dương Bích Liên dù chất liệu gì đều mang vẻ đẹp huyền ảo, bí ẩn, chứa nhiều khoảng trống khiến người xem ám ảnh, phải chiêm nghiệm.
Phương Linh
Nguồn tin: https://vnexpress.net/cuoc-doi-tham-lang-cua-danh-hoa-duong-bich-lien-4769903.html