Giáo hoàng Francis kể về thời thơ ấu, tiết lộ lý do không xem TV, niềm yêu thích đặc biệt với bóng đá, trong tự truyện “Hy vọng”.
Tác phẩm ghi lại những cột mốc trong cuộc đời Giáo hoàng, Carlo Musso chấp bút. Sách phát hành tại 80 quốc gia hồi tháng 1, ra mắt độc giả Việt trong tháng 3.
Ban đầu, theo nguyện vọng của Giáo hoàng, sách chỉ được công bố sau khi ông qua đời. Tuy nhiên, theo đồng tác giả Carlo Musso, Giáo hoàng quyết định phát hành sách sớm hơn để trùng với Năm Thánh 2025 của Giáo hội Công giáo và phù hợp với nhu cầu của thời đại.
Hồi ký bắt đầu bằng lịch sử gia đình, tuổi thơ của Giáo hoàng đến lúc lên ngôi. Tác phẩm gồm những bức ảnh chưa từng được công bố về cuộc đời ông.
Bìa “Hy vọng”, sách 378 trang, linh mục Đình Chẩn dịch sang tiếng Việt, NXB Thế giới và Công ty sách Nhân Dân liên kết ấn hành. Ảnh: Sách Nhân dân
Giáo hoàng Francis có thời thơ ấu êm đềm bên cha mẹ và các em. Dù gia đình khó khăn, ông được giáo dục, sống trong tình yêu thương: “Đó là một tuổi thơ yên bình. Mọi thứ dường như diễn ra hết sức tự nhiên: vui chơi, đi học, học tập, cũng như việc giáo dục về tôn giáo. Ngay cả những bài học về đức tin cũng được học một các đơn giản tương tự: giống như một thứ ngôn ngữ, bạn học cách nói và học cách tin”. Ông cho rằng việc truyền dạy đức tin phải được thực hiện bằng phương ngữ, cách thức giao tiếp trong gia đình, cuộc sống hàng ngày: “Chính từ những ký ức thân thương, gốc rễ sâu thẳm ấy, tôi đã hình thành mối gắn kết với đức tin bình dân”.
Người đứng đầu tòa thánh Vatican hồi tưởng về tuổi trẻ, ông kể lại những mối tình chớm nở trước khi đi tu, từng xao động trước một “bóng hồng”, những lần đấu tranh nội tâm, bất chấp sự phản đối của mẹ để chọn con đường phục vụ Thiên Chúa. Ông kể: “Đó không phải là một cuộc cãi vã, mà là một cuộc đối thoại thẳng thắn và quyết liệt, và dù thế nào mẹ cũng không thay đổi quan điểm. Đến mức sau này bà không đưa tôi đến chủng viện giáo phận, và cũng không có mặt vào ngày tôi được mặc áo chủng sinh”.
Giáo hoàng Francis cùng mẹ năm 1970. Ảnh: Sách “Hy vọng”
Trong hồi ký, Giáo hoàng tiết lộ thích chơi bóng đá, thuở nhỏ, ông hâm mộ San Lorenzo – đội bóng gần nhà ở Buenos Aires. Sau này, dù không xem truyền hình, ông vẫn luôn cập nhật thông tin về môn thể thao vua. Hàng tuần, những người lính cận vệ Thụy Sĩ để kết quả các trận đấu và bảng xếp hạng trên bàn làm việc của ông, kể cả San Lorenzo. Sách có đoạn: “Với tôi, những trận đấu bóng đá đẹp nhất cho đến hôm nay vẫn là những trận đấu diễn ra nơi góc phố. Và bóng đá vẫn thuộc về dân chúng”.
Tác phẩm hé lộ nguyên nhân Giáo hoàng không xem truyền hình. Ông cho biết đã thề với Đức Mẹ Carmen vào đêm 15/7/1990. Tối đó, khi đang xem TV cùng cộng đồng dòng Tên ở Buenos Aires, một cảnh tượng tồi tệ xuất hiện trên màn hình khiến ông cảm thấy khó chịu, đứng dậy và rời đi. “Như thể đó là một lời nhắc nhở từ Thiên Chúa rằng truyền hình không dành cho tôi, nó không tốt cho tôi chút nào”. Kể từ đó, trừ vụ khủng bố 11/9 và vụ rơi máy bay ở Buenos Aires năm 1999, ông không xem truyền hình, lời hứa với Đức Mẹ hiếm khi bị vi phạm.
Ngoài chuyện cá nhân, Giáo hoàng thể hiện sự quan tâm về các vấn đề toàn cầu như: Di cư, biến đổi khí hậu, chiến tranh, khủng hoảng kinh tế, lòng trắc ẩn. Ông phản đối mạnh mẽ chiến tranh, cho rằng các cá nhân và quốc gia cần hành động để chấm dứt chạy đua vũ trang và sự lan rộng của vũ khí: “Với suy nghĩ có thể lấy ác báo ác, cuối cùng sẽ gây ra cái ác còn tồi tệ hơn”.
Ông cũng nhắc đến vụ bị ám sát hụt năm 2021 tại Iraq. Trong hồi ký, người đứng đầu Vatican tiết lộ ông đã được mật vụ Anh cảnh báo ngay khi máy bay hạ cánh xuống thủ đô Baghdad: có một phụ nữ trẻ mang theo thuốc nổ đang trên đường đến Mosul để tấn công nhằm vào ông. Một chiếc xe tải cũng rời đi với mục đích tương tự. Hôm sau, khi Giáo hoàng hỏi cảnh sát về những kẻ tấn công, viên chỉ huy trả lời ngắn gọn: “Họ tiêu rồi”. Cảnh sát Iraq đã phát hiện ra họ và tiêu diệt. “Điều này cũng làm tôi đau đớn. Đây cũng chính là hậu quả độc hại của chiến tranh”, ông viết.
Với lo ngại về chiến tranh thế giới thứ ba, Giáo hoàng chỉ ra trong các cuộc chiến tranh hiện đại, nạn nhân chủ yếu là dân thường, trong đó trẻ em chiếm phần lớn: “Trong hầu hết các cuộc xung đột trong 30 năm qua, những người mặc quân phục sống sót dễ dàng hơn nhiều so với cơ hội sống sót của một đứa trẻ mặc áo phông đỏ. Những người bị tàn sát nhiều nhất là những người vô tội: một phần ba trong số đó là trẻ em. Chính đám trẻ con vô tội phải gánh chịu sự điên rồ của chiến tranh. Chẳng có anh hùng nào, chẳng có mỹ từ nào có thể biện minh, chiến tranh là sự hèn nhát và ô nhục đến tột cùng”.
Tự truyện có giọng văn giản dị, xen lẫn hài hước, giúp người đọc dễ dàng tiếp cận. Nguyên Tổng giám mục Hà Nội Giuse Ngô Quang Kiệt cho biết choáng ngợp khi đọc tác phẩm. Ông viết lời tựa sách: “Không chỉ giúp ta hiểu về con người của vị đại diện Chúa Kitô mà còn khơi lên những tâm tình cao thượng, tác phẩm đồ sộ không phải về số trang sách mà về chất liệu và con người”.
Giáo hoàng Francis. Ảnh: Reuters
Giáo hoàng Francis (tên thật là Jorge Mario Bergoglio) sinh năm 1936 tại Buenos Aires, Argentina. Ông là con trai cả trong gia đình gốc Italy di cư có năm người con. Sau khi tốt nghiệp chuyên ngành hóa học, ông lấy bằng triết học năm 1963, nhận chức linh mục năm 1969 và bắt đầu phục vụ Thiên Chúa. Năm 2013, ông trở thành Giám mục Roma, là vị Giáo hoàng thứ 266 của Giáo hội Công giáo và là người Mỹ Latin đầu tiên đảm đương trọng trách này.
Châu Anh
Nguồn tin: https://vnexpress.net/cuoc-doi-giao-hoang-francis-4869517.html