TP HCMAnh hùng Lực lượng vũ trang Tô Văn Đực, bà Võ Thị Mô – nguyên mẫu phim “Địa đạo” – ôn kỷ niệm thời chiến trong buổi giao lưu.
Êkíp Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối tổ chức buổi chiếu tri ân khán giả ở Củ Chi, tối 10/4. Sự kiện có nhiều cựu du kích như ông Tô Văn Đực (nguyên mẫu nhân vật Tư Đạp – Quang Tuấn đóng – trong phim), trung úy Võ Thị Mô, thiếu úy Cao Thị Hương (đều là nguyên mẫu nhân vật Ba Hương – Hồ Thu Anh thủ vai), Trần Thị Neo và người dân, cán bộ ở Củ Chi.
Trích đoạn trailer ‘Địa đạo’
Trích đoạn trailer “Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối” – dán nhãn 16+. Video: Đoàn phim cung cấp
Anh hùng lực lượng vũ trang Tô Văn Đực, 83 tuổi, cho biết đã xem bản phim hoàn chỉnh ba lần, cùng các đoạn cắt khi phim ở giai đoạn hậu kỳ. Ông nhiều lần cảm ơn đạo diễn Bùi Thạc Chuyên vì thực hiện bộ phim điện ảnh đầu tiên về địa đạo.
Thời chiến, ông dành cả tuổi trẻ bám trụ với nơi này, được đồng đội gọi là “cỗ máy phá tăng” vì đã chế tạo ra mìn gạt để phá hủy 5.000 xe tăng địch. Những ngày làm việc cùng đoàn phim ở hậu trường, ông hỗ trợ cung cấp thông tin cho đoàn, chỉnh sửa một vài chi tiết kịch bản. Ông Tô Văn Đực cũng trực tiếp hướng dẫn diễn viên Quang Tuấn kỹ thuật gài và tháo bom mìn, giúp nghệ sĩ thêm trải nghiệm nhập vai.
Với ông Đực, địa đạo là biểu tượng của ý chí chiến đấu kiên cường của quân và dân ta trong kháng chiến. Trong buổi chiếu, ông nói đùa với đạo diễn Bùi Thạc Chuyên: “Sao đầu phim nhìn tôi xấu xí vậy?”.
Ông cũng hy vọng bộ phim giúp thế hệ trẻ trân trọng những hy sinh của cha ông và tự hào về quê hương. “Như bao người Củ Chi, chúng tôi chiến đấu được là nhờ vào hệ thống địa đạo. Nếu không có nó, chúng tôi đã không thể tồn tại. Lúc chiến đấu, chúng tôi trạc tuổi đôi mươi như các diễn viên. Bộ phim này đã truyền tải sự ác liệt, cho thấy thế hệ trước dũng cảm, không sờn ý chí”, ông Tô Văn Đực cho biết.
Anh hùng lực lượng vũ trang Tô Văn Đực (trái) và Trung úy cựu Sĩ quan Lục quân Võ Thị Mô trong buổi chiếu phim “Địa đạo” tối 10/4. Ảnh: Hoài Thịnh
Ngồi cạnh ông Tô Văn Đực trong buổi giao lưu là bà Võ Thị Mô, 78 tuổi, được coi là nữ du kích huyền thoại, từng đảm nhận vị trí chỉ huy trưởng của Trung đội nữ du kích Củ Chi. Bà cho biết đã cùng con cháu đến rạp xem phim và mọi người đều ấn tượng với quy mô bối cảnh, tinh thần bất khuất của các nhân vật. Bà Võ Thị Mô nói: “Từ lúc quay phim, tôi coi các diễn viên là thành viên trong nhà, sẵn sàng chuẩn bị cơm nước tiếp đón mỗi khi các con về chơi. Tôi nôn nóng, muốn xem tác phẩm miêu tả ra sao về con người và vùng đất quê hương mình”.
Trong tác phẩm, đạo diễn Bùi Thạc Chuyên hư cấu chuyện tình Ba Hương – Tư Đạp để khán giả cảm nhận được sự lãng mạn và tính nhân văn trong mối quan hệ giữa hoàn cảnh khốc liệt của chiến tranh. Ngoài đời, nguyên mẫu hai nhân vật chỉ có tình đồng đội, đồng chí. Bà Võ Thị Mô từng tham gia đánh địch bằng bom mìn do ông Đực chế tạo.
Đạo diễn cho biết: “Tôi muốn nhân vật có câu chuyện éo le khi chứng kiến cảnh bom rơi đạn lạc. Cháu xin lỗi chú Tô Văn Đực vì sáng tạo chi tiết không có thật”.
Trước phim Địa đạo, bà là nguồn cảm hứng cho phim Nữ du kích Củ Chi và kịch Khát vọng hòa bình. Bà nổi tiếng với câu chuyện chiến đấu ở Củ Chi năm 1966 và thả bốn lính Mỹ khi thấy họ cùng nhau đọc thư gia đình, khoe ảnh vợ con rồi ôm nhau khóc. Về sau, một người trong nhóm cựu binh Mỹ trở lại Việt Nam cảm ơn bà.
Bà Võ Thị Mô (trái) vui mừng khi gặp lại diễn viên Khánh Ly (vai Cấm) ở buổi chiếu phim. Ảnh: Hoài Thịnh
Phim Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối do Bùi Thạc Chuyên đạo diễn, câu chuyện xoay quanh nhóm du kích 21 người bám trụ ở Củ Chi, sau trận càn Cedar Falls (năm 1967) của Mỹ. Đội trưởng Bảy Theo (Thái Hòa đóng) và các đồng đội được giao nhiệm vụ bảo vệ địa bàn cho nhóm thông tin tình báo chiến lược. Tuy nhiên, các cuộc liên lạc của họ bị quân địch phát hiện. Những chiến sĩ du kích rơi vào tình thế nguy hiểm, đối mặt nhiều trận càn quét.
Dự án kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, được làm từ ngân sách xã hội hóa. Tối 10/4, dự án thu hơn 100 tỷ đồng sau một tuần công chiếu, là phim chiến tranh đầu tiên của Việt Nam đạt cột mốc này.
Bùi Thạc Chuyên cho biết tôn trọng tính chân thực của phim vì muốn cùng khán giả suy ngẫm, học những bài học lịch sử qua tác phẩm. Nhiều phân cảnh được anh lấy ý tưởng từ nguyên mẫu có thật. Đoàn phim cũng đầu tư cho phần trang phục – yếu tố quan trọng góp phần phác họa giai đoạn cuối thập niên 1960. Đạo diễn cùng tổ thiết kế tìm hiểu kỹ về lịch sử để tránh các trường hợp gây tranh cãi.
Quế Chi
Nguồn tin: https://vnexpress.net/anh-hung-du-kich-cu-chi-hoi-ngo-o-buoi-chieu-dia-dao-4872587.html