Trung QuốcBa năm sau khi trở thành người “du mục số”, Yuan Bingyan kết luận rằng “công việc kết hợp du lịch” này hại nhiều hơn lợi.
Khi nghỉ việc cuối năm 2019, ý tưởng trở thành một người digital nomad (du mục kỹ thuật số) đến với Yuan trong lúc đi dạo trên bãi biển ở Malaysia.
Ban đầu cô chuyển từ Thượng Hải đến Côn Sơn, nơi nhịp sống chậm hơn và giá thuê nhà rẻ hơn. Tuy nhiên, sau một năm, niềm hứng thú bắt đầu phai nhạt. Từ thu nhập hàng tháng 30.000 tệ (100 triệu đồng), cô chỉ còn rất ít hoặc không có thu nhập.
“Khi thu nhập xuống dốc, nỗi lo lắng lấn át niềm vui”, Yuan, 30 tuổi nói.
Ba năm trước, thế hệ trẻ Trung Quốc coi “du mục số” là công việc đáng mơ ước nhất. Trong thời kỳ đại dịch, nhiều người nhận ra có thể kiếm sống trực tuyến nên bỏ công việc toàn thời gian. Họ di chuyển từ nơi này đến nơi khác, khám phá từ cuộc sống nông thôn đến lướt sóng trên biển. Một số thậm chí còn chuyển đến các quốc gia khác ở Đông Nam Á và Nam Mỹ.
Những người “du mục số” thường chia sẻ lối sống tận hưởng trên mạng xã hội, nhưng rất ít thảo luận về chi phí để duy trì cuộc sống hoặc cách đối phó với nhịp sống thay đổi.
Yuan phát hiện cô gặp khó khăn trong quản lý thời gian và tính kỷ luật. Cô ngủ đến trưa và bắt đầu làm việc lúc 3h chiều. Lượng khách không ổn định và cuối cùng cô không có khách hàng mới. Thiên đường của lối sống bình dị đã bốc hơi và Yuan “lao thẳng trở lại trái đất” vào tháng 3 năm ngoái.
“Du mục số không phải thiên đường. Thật tuyệt khi tôi có thể ra ngoài và vui chơi trong khi mọi người khác đang làm việc, nhưng điều đó lại đi kèm với cảm giác bất an và lo lắng”, cô nói.
Theo dữ liệu được thu thập vào tháng 9/2022 từ 348 thành viên của Digital Nomad Anji, một cộng đồng du mục số ở tỉnh phía đông Chiết Giang, 65% là những có dưới một năm kinh nghiệm và 19% là sinh viên hoặc thất nghiệp.
Daniel Huang, đồng sáng lập Dali Hub, một không gian làm việc chung dành cho những digital nomad, nói rằng chỉ một số ít người có thể duy trì lối sống này lâu dài, với điều kiện họ có công ty cho phép làm việc từ xa hoặc có sự nghiệp riêng.
“Rất nhiều người trẻ đến đây vì họ có thể vẫn đang trong giai đoạn khám phá hoặc đang trong giai đoạn nghỉ ngơi. Hầu hết, họ chỉ muốn trải nghiệm lối sống của một người du mục kỹ thuật số”, Huang nói.
Và nhiều người bị áp lực bởi xã hội và phụ huynh. Cha mẹ thường mong con có công việc ổn định, sau đó kết hôn và sinh con. Tuy nhiên, lối sống của những người du mục kỹ thuật số đi ngược lại với những mong đợi này.
Vào tháng 8/2022, Wang Dingke từ chức giám đốc điều hành một công ty ở Quảng Châu để trở thành du mục số. Cô cố gắng kiếm thu nhập thông qua các hoạt động trực tuyến hoặc nền tảng xã hội, nhưng nỗ lực bất thành.
“Tôi không tìm ra được một mô hình doanh thu trực tuyến ổn định” Wang, 26 tuổi, nhớ lại.
Khi tiền tiết kiệm không còn đủ trang trải cho hành trình, cô buộc phải tìm công việc bán thời gian. Vào tháng 10/2022, cô làm việc tại một quán trà ở tây bắc Trung Quốc. Sau khi tiết kiệm đủ tiền, cô lại lên đường.
Tuy nhiên, bốn tháng sau, cô lại thiếu tiền nên phải làm quản gia cho một nhà trọ ở tỉnh Tứ Xuyên. Hai công việc bán thời gian này trả cho Wang 5.000 tệ mỗi tháng và bao ăn, ở.
“Tôi không quan tâm có thu nhập cố định hay không vì cảm thấy mình có thể tồn tại dù thế nào đi chăng nữa. Tôi thực sự thích đi du lịch một mình”, cô nói.
Gia đình Wang không biết gì về bản chất thực sự của lối sống của cô. Cha mẹ bày tỏ sự lo lắng, thúc giục con gái kết hôn và ổn định cuộc sống. Sau 439 ngày, cô gái đành phải từ bỏ giấc mộng du mục số và tìm được một công việc bình thường vào tháng 11.
“Tôi cảm thấy mình phải đáp ứng những mong đợi của bố mẹ. Tôi phải kiếm được một công việc phù hợp, có thu nhập ổn định, tìm được một chàng trai tốt để kết hôn và sinh con”, cô nói.
Nhưng thường những người này rất khó để quay lại cuộc sống như trước. Wang và Yuan đều gặp trở ngại khi tìm việc toàn thời gian. Wang cố tình tránh nói về thời gian gián đoạn trong hồ sơ xin việc nhưng một số nhà tuyển dụng đã phát hiện, bày tỏ lo lắng liệu cô có thể tuân theo các quy định của công ty hay không.
Cuối cùng, Wang đành phải chấp nhận mức lương thấp hơn nhiều so với trước kia. Còn Yuan bị cắt giảm một nửa lương so với trước. “Đây là mức lương thấp nhất mà tôi từng nhận được. Tôi đoán đó là cái giá của sự tự do”, Yuan nói.
Fu Ye, người tiên phong cho lối sống du mục kỹ thuật số ở Trung Quốc, đã lên đường được năm năm. Cô đã đi đến hơn 20 quốc gia, làm việc như một nhà văn tự do. Cô gái cho biết cô hiểu những vấn đề mà những người du mục kỹ thuật số phải đối mặt, bao gồm quản lý thời gian và cảm xúc cũng như những thay đổi trong mô hình công việc và xã hội.
“Mọi người chỉ nhìn thấy những khía cạnh tích cực. Một số người bốc đồng, từ chức và tuyên bố họ muốn trở thành những người du mục kỹ thuật số. Thông thường, họ không biết điều gì đang chờ đợi phía trước”, cô cho hay.
Mặc dù đã quay lại với công việc chính trong lĩnh vực thương mại điện tử, Wang cho biết dự định sẽ tiếp tục theo đuổi lối sống này sau khi tiết kiệm đủ tiền và nâng cao kỹ năng.
Còn Yuang hiện hài lòng với cuộc sống đi làm ổn định. Cô cho biết trạng thái thể chất và tinh thần đã được cải thiện, mặc dù phải thức dậy lúc 6 giờ sáng mỗi ngày để đi làm 50 km đến văn phòng.
“Trong tôi giờ là cảm giác ổn định và an toàn vì biết mình có thu nhập cố định hàng tháng”, cô nói.
Bảo Nhiên (Theo Sixthtone)
Nguồn tin: https://vnexpress.net/vo-mong-du-muc-so-4697124.html