Sự việc xảy ra cách đây rất lâu vào năm 1989 nhưng gần đây được chia sẻ lại và thu hút sự chú ý của dư luận Nhật Bản.
Túi tiền bí ẩn nằm trong rừng tre
Vào tháng 4 năm 1989, một chiếc túi chứa khoảng 145 triệu yên (hơn 24 tỷ đồng) đã được tìm thấy trong một khu rừng tre ở thành phố Kawasaki phía nam thủ đô Nhật Bản. 5 ngày sau, một túi giấy chứa 90 triệu yên (hơn 14,8 tỷ đồng) khác tiếp tục được tìm thấy gần đó.
Thông tin này đã gây chấn động xứ mặt trời mọc. Với suy nghĩ “điều gì xảy ra 2 lần sẽ xảy ra 3 lần”, nhiều người dân sau đó cũng đã đổ xô đến khu rừng xảy ra vụ việc để tiếp tục tìm kiếm vận may. Thế nhưng câu chuyện “truy tìm kho báu” này cũng dần chìm vào dĩ vãng khi khu rừng tre từng “giấu tiền” năm nào đã được thay thế bằng một khu chung cư lớn vào năm 2005.
Theo trang Mainichi.jp, người may mắn tìm thấy túi tiền đầu tiên là một người đàn ông 39 tuổi, đến rừng tre để hái măng. Vợ chồng ông điều hành một nhà hàng trên một tuyến phố mua sắm, nơi chỉ cách hiện trường vài km. Từ sau khi tìm thấy số tiền khổng lồ, nhà hàng của người đàn ông luôn này luôn có nhiều phóng viên ghé thăm để phỏng vấn.
Cảnh sát tỉnh Kanagawa sau đó đã nỗ lực truy tìm chủ sở hữu số tiền khủng dựa trên tên của tổ chức tài chính và ngày phát hành của tờ tiền. Cuối cùng, họ tiết lộ rằng chủ nhân của số tiền tìm thấy chính là vị chủ tịch 46 tuổi của một công ty kinh doanh online ở phường Ota, Tokyo. Cũng chính người này đã 2 lần bỏ tiền vào rừng tre.
“Đó là tiền trốn thuế. Tôi muốn ai đó tốt bụng nhặt được chúng và làm thiện nguyện hay việc gì đó có ích cho xã hội”, chủ tịch 46 tuổi thú nhận.
Mặc dù thừa nhận đã trốn thuế nhưng vị chủ tịch này cũng nhấn mạnh rằng mình không vứt tiền mà cố tình để ở đó, đồng thời báo cảnh sát rằng số tiền đã bị mất. Do đó, khi số tiền “thất lạc” được tìm thấy, chúng đã được trả lại theo luật tài sản của Nhật Bản về món đồ bị mất. Trong đó, 10% của số tiền được trả cho người tìm thấy như một phần thưởng, tức 14,5 triệu yên (khi đó gần 110.000 USD) cho người đầu tiên và 9 triệu yên (khoảng 68.000 USD vào thời điểm đó) cho người may mắn thứ hai. Chủ tịch công ty cũng cho biết ông muốn tặng phần còn lại cho một cơ sở dành cho những người mắc bệnh nan y.
Cuộc sống không như mơ
34 năm sau khi vụ việc xảy ra, phóng viên đã tìm kiếm người đàn ông đầu tiên tìm thấy tiền năm xưa để tìm hiểu thêm về cuộc sống của người này. Kết quả khiến nhiều người bất ngờ.
Theo đó, nhà hàng của người đàn ông đó không còn ở chỗ cũ. Người chủ mới tại đó tiết lộ ông ấy đã chuyển đi cách đây vài năm. Cũng theo thông tin thăm dò được, phóng viên tìm đến một quán cà phê nơi người đàn ông này thường lui tới. Chủ quán Daiya Sato, 85 tuổi, cho biết ông ấy sống trong một chung cư gần đó. Mọi người xung quanh đều tin rằng ông ấy thực sự đã được nhận hơn 100 triệu yên và có cuộc sống vô cùng giàu có.
Tuy nhiên chủ quán Daiya Sato cho biết trên thực tế, người đàn ông đó thậm chí còn không được nhận trọn vẹn 14,5 triệu yên vì tiền thưởng đã được khấu trừ thuế. Sau khi nhận được tiền, ông ấy còn nhận được hàng loạt thư từ những nhóm cộng đồng kêu gọi quyên góp tiền. Thậm chí, người thân và bạn bè cũng đến xin tiền. Cuối cùng với số tiền còn lại, người đàn ông này đã đặt cọc một căn hộ chung cư và chuyển đến đó để sinh sống.
Phóng viên tiếp tục tìm đến chung cư nói trên nhưng người đàn ông này đã chuyển đi trước đó. Theo hồ sơ đăng ký tài sản, ông ấy đã chuyển đến chung cư này vào năm 1995, sáu năm sau khi may mắn tìm được khoản tiền khổng lồ nhưng đã bán nó vào năm 2017.
“Sau đó, ông ấy ‘bặt vô âm tín’. Tôi đoán ông ấy không thích người ta tò mò chuyện của mình”, chủ quán Sato nói.
Không từ bỏ, phóng viên tiếp tục hành trình tìm kiếm người đàn ông này và phát hiện ông ấy đã sống trong một căn hộ ở miền đông Nhật Bản. Khi phóng viên bấm chuông cửa, trước mặt họ là người đàn ông có khuôn mặt quen thuộc trong bức ảnh 34 năm về trước.
Ông ấy tức giận nói với họ: “Tôi không muốn nhớ lại việc mình đã tìm thấy 100 triệu yên nữa. Tôi đã trải qua khoảng thời gian khủng khiếp. Giờ đây tôi chỉ muốn sống yên bình bên vợ con, hãy để tôi yên”. Nói xong ông đóng cửa lại.
(Theo Mainichi.jp)