Mọi người thường cho rằng, đưa trẻ đi du lịch là cách để chúng chứng kiến những điều chưa từng thấy về thế giới. Tuy nhiên, đối với sự trưởng thành của trẻ, ý thức về việc ngắm nhìn thế giới để mở rộng đầu óc không phải ở bên ngoài mà là ở nhà, trong từng lời nói, việc làm của cha mẹ.
Nếu cha mẹ hình thành cho con mình 5 thói quen dưới đây ngay từ khi còn nhỏ, điều đó sẽ góp phần lớn mở rộng tư duy và sự hiểu biết về thế giới, nhờ đó cơ hội thay đổi số phận và thành công sau này cũng cao hơn.
1. Đọc sách liên tục
Người xưa thường nói: “Đọc ngàn cuốn sách, đi vạn dặm”. Tuy nhiên, ngày nay nhiều bậc cha mẹ lại chú ý vào vế sau nhiều hơn, cho rằng thà để con đi vạn dặm còn hơn đọc ngàn cuốn sách.
Nhưng trên thực tế, sau mỗi lần đưa con cái đi du lịch, về cơ bản chúng sẽ quên gần hết mọi thứ. Sở dĩ như vậy là vì trong đầu trẻ chưa có bất kỳ khái niệm nào về những gì mình vừa trải qua.
Vì vậy, đối với trẻ, việc kiên trì đọc sách có thể mở rộng kiến thức và nâng cao nhận thức tốt hơn là đi du lịch.
Nói cách khác, chỉ khi trẻ có được một số hiểu biết nhất định, một ngày nào đó chúng tự mình trải nghiệm, chúng sẽ có những cảm nhận sâu sắc hơn về những kiến thức đó.
Nhà giáo dục Suhomlininsky từng nói: “Cách giúp trẻ thông minh hơn, hiểu biết hơn không phải là học bù hay tăng lượng bài tập về nhà mà là đọc, đọc đi đọc lại“.
Nhà tâm lý học trẻ em Piaget cũng tin rằng, đọc sách là một trong những cách quan trọng để thúc đẩy sự phát triển nhận thức của trẻ.
Theo một nghiên cứu của Hiệp hội Giáo dục Mỹ: Những đứa trẻ kiên trì đọc sách có năng lực tốt hơn đáng kể so với những đứa trẻ khác về khả năng đọc hiểu, kỹ năng viết và tư duy phản biện.
Vì vậy, thay vì tập trung “chỉ ngắm hoa” như đi du lịch, cha mẹ nên làm gương và rèn luyện thói quen đọc sách tốt cho con mình.
2. Khi gặp khó khăn, thích tự lập
Đứa trẻ rõ ràng muốn tự mặc quần áo và tự ăn uống, nhưng cha mẹ lại không thích và cho rằng chúng làm quá chậm và làm bẩn mọi thứ nên sẽ làm thay hết tất cả.
Rõ ràng, một đứa trẻ rõ ràng muốn làm điều gì đó trong khả năng của mình, nhưng lại bị từ chối vì cha mẹ quá yêu thương mình. Trong trường hợp này, trẻ sẽ mất cơ hội rèn luyện tính tự lập của mình.
Tuy nhiên, tự lập không chỉ là một khía cạnh đơn giản của cuộc sống, đằng sau nó có thể là tương lai của một người.
Vì trẻ em đã có tính tự lập từ khi còn nhỏ nên cho dù gặp vấn đề gì, chúng cũng sẽ có dũng khí để đối mặt. Và trong quá trình đó, chúng sẽ phát triển các kỹ năng sinh tồn và tích lũy trải nghiệm. Đây là một tài sản quý giá.
3. Thích thử thách và nỗ lực
Thử thách là cách mà trẻ cố gắng đạt đến những điều to lớn hơn trong khả năng của bản thân. Trẻ có thói quen này thường luôn tự phấn đấu tiến bộ mỗi ngày.
Liu Yujie – con gái của cựu vô địch bóng bàn thế giới Liu Guoliang (Trung Quốc), mặc dù không kế thừa di sản của cha mình là cầm vợt bóng bàn nhưng cô đã đạt được thành tích xuất sắc trong lĩnh vực golf.
Sở dĩ cô có thể giành được nhiều chức vô địch khi còn trẻ có liên quan mật thiết đến thói quen thích thử thách của bản thân.
Trong một cuộc phỏng vấn, Liu Yujie chia sẻ: “Tôi đã chứng kiến màn trình diễn của các tuyển thủ quốc tế và muốn tiếp tục cố gắng, thử thách bản thân để trở thành một tuyển thủ giỏi như họ“.
Vì vậy, những đứa trẻ muốn thấy thế giới to lớn như thế nào, chúng đều nhận thức rõ bản thân chỉ là hạt cát bé xíu, tin vào khả năng vô hạn của mình, từ đó sẽ giữ cho mình thói quen không ngừng thử thách và cố gắng để ngày càng trở nên tốt hơn.
4. Thích ở một mình
Đôi khi có những đứa trẻ chỉ thích ở một chỗ và chơi một mình. Đối mặt với tình huống này, hầu hết các bậc cha mẹ sẽ gán cho đứa trẻ đó cái mác “hướng nội, thu mình và khó gần”.
Nhưng trên thực tế, việc thích ở một mình thường cho thấy trẻ tìm thấy thế giới của riêng mình. Xét về mặt tâm lý học, những đứa trẻ như vậy có tính tập trung cao độ, khả năng quan sát, kiên nhẫn và có đủ can đảm để theo đuổi đam mê.
Nói một cách đơn giản, thế giới nội tâm của những đứa trẻ như vậy thường mạnh mẽ đến mức chúng có thể hoàn toàn đắm mình trong thế giới của riêng mình và không bị ảnh hưởng bởi môi trường bên ngoài.
Vì vậy, đối với trẻ có thói quen ở một mình, cha mẹ không nên nghĩ rằng trẻ khó hòa đồng hay thu mình, vì thói quen này có thể là cách để trẻ khám phá thế giới theo cách riêng. Điều cha mẹ phải làm là tôn trọng thói quen của con cái, hãy để chúng sống theo cách chúng muốn.
5. Đối mặt với sự sắp đặt, dám tranh luận bằng lẽ phải
Trong mắt nhiều bậc cha mẹ, con cái nên là người ngoan ngoãn, hiểu biết, nghe theo lời sắp đặt của cha mẹ. Thế nhưng trên thực tế có những đứa trẻ không thích làm theo những gì cha mẹ yêu cầu.
Lý do về việc này cũng rất đơn giản.
Một mặt, việc dám nói “không” ít nhất cho thấy trẻ không mắc chứng sợ cha mẹ, dám thể hiện cá tính, có tư duy khác biệt.
Mặt khác, khi đứng trước sự sắp đặt, việc dám tranh luận bằng lý trí cho thấy trẻ có suy nghĩ rất rõ ràng và thấu đáo về những dự định, triển vọng tương lai của bản thân. Trong trường hợp này, điều đó có thể kích thích động lực bên trong của trẻ nhiều hơn.
Tóm lại, muốn con hình thành 5 thói quen trên, cha mẹ tốt nhất nên làm gương để con cái noi theo. Chỉ khi cha mẹ không ngừng hoàn thiện bản thân, con cái mới có thể trưởng thành tốt từng ngày.
Nguồn tin: https://cafef.vn/tre-co-5-thoi-quen-nay-tu-nho-chung-to-chung-muon-thay-doi-tuong-lai-va-van-menh-cua-minh-188240727094758013.chn