Mới đây, trên mạng xã hội xuất hiện một bài chia sẻ dài của một người tự nhận là cựu sinh viên trường Đại học Ngoại thương – khóa 47, với những lời nhắn gửi sâu sắc và đầy trải nghiệm dành cho các bạn sinh viên mới ra trường. Dù không rõ danh tính của nhân vật này có thật hay không song chia sẻ của anh thực sự đã truyền được cảm hứng đến nhiều người.
Chủ nhân bài đăng tự nhận mình không phải một doanh nhân thành đạt hay một người có hào quang rực rỡ để kể về hành trình đi lên của mình. Trái lại, người này là một người từng thất nghiệp dài hạn, từng bị từ chối offer ở nhiều nơi, từng khởi nghiệp rồi phá sản, hiện vẫn đang chật vật với khủng hoảng tuổi 30. Chính bởi đã “ăn đập tơi bời” ngoài đời thật, nên những điều anh chia sẻ, lại càng khiến người đọc phải suy ngẫm. Dưới đây là những chia sẻ của cựu sinh viên này.

Ảnh minh họa
1. Bạn thật sự cần nhiều người dẫn đường
Điều đầu tiên mà cựu sinh viên này muốn nhắn nhủ là: “Bạn thật sự cần nhiều người dẫn đường”. Theo anh, rất nhiều sinh viên Ngoại thương sau khi tốt nghiệp thường mang trong mình sự tự tin, thậm chí là tự mãn rằng mình giỏi, mình có nền tảng tốt nên không cần ai chỉ bảo.
Bản thân anh cũng từng như vậy: Từng là Á khoa đầu vào, từng nằm trong top sinh viên nổi bật nhất khóa, anh đã bước ra trường đời với tâm thế “tự cân tất cả”. Nhưng rồi thực tế đã dạy cho anh những bài học đắt giá. Khi vào môi trường công sở, những va chạm văn hóa, cách hành xử, và những hiểu lầm không đáng có đã khiến anh đánh mất nhiều cơ hội. Khi khởi nghiệp, anh mắc phải hàng loạt sai lầm cơ bản, từ chiến lược kinh doanh đến những thứ tưởng chừng nhỏ nhặt như giấy tờ, kế toán. Tất cả đều là những điều lẽ ra có thể tránh được, nếu có ai đó đi trước chỉ đường.
Theo chia sẻ, nếu được làm lại, anh ước mình đã lắng nghe nhiều hơn, tìm kiếm lời khuyên từ những người có kinh nghiệm trong lĩnh vực mà mình định theo đuổi. Anh nhấn mạnh, việc tìm đúng người để hỏi, và hỏi nhiều người khác nhau để có góc nhìn đa chiều là điều vô cùng quan trọng.
“Họ đi hết 10 năm, nếu mình học được, thì có khi chỉ cần 5-7 năm là đến đích” , anh viết.
2. Tận dụng mạng lưới mối quan hệ sẵn có
Bài viết cũng đặc biệt nhấn mạnh đến việc tận dụng mạng lưới (network) sẵn có – điều mà nhiều sinh viên mới ra trường thường xem nhẹ. Người viết kể lại câu chuyện về một đàn em từng mâu thuẫn với sếp – vốn là bạn học cùng khóa với anh năm xưa.
Nhờ sự kết nối giữa anh với người sếp đó mà cuộc xung đột đã được giải quyết êm đẹp. Từ câu chuyện nhỏ này, anh nhắn gửi rằng: đừng ngần ngại tìm sự kết nối thông qua những điểm chung như cùng học trường, cùng quê, từng sinh hoạt chung một tổ chức… Vì trong xã hội, sự ủng hộ đôi khi không đến từ năng lực, mà đến từ cảm tình, từ mối quan hệ, từ những gì người ta “cảm thấy gần gũi” với mình.
3. Chúng ta không có nhiều thời gian như chúng ta nghĩ
Thị trường lao động ngày nay rất khắc nghiệt. Sinh viên mới ra trường thì bị chê thiếu kinh nghiệm, còn người ngoài 30 lại bị coi là “già”. Anh dẫn chứng từ chính mình – người đã từng chật vật ở cả hai thái cực đó. Chính vì vậy, anh cho rằng, từ giờ cho đến năm 30 tuổi, người trẻ nên xem sự nghiệp là ưu tiên số một. Việc “ham vui”, “lang thang” hay “trải nghiệm linh tinh” quá lâu sẽ khiến thời gian trôi qua mà không để lại giá trị tích lũy nào.
“Hãy tập trung làm sao để ít nhất tới tuổi 30 bạn có vị trí và uy tín nhất định trong ngành. Không ai muốn 35 tuổi mà vẫn phải quay lại xin việc với vị trí entry-level cả”, anh viết.

Ảnh minh họa
4. Thành công và thất bại chỉ là chuyện nhất thời
Bên cạnh đó, bài chia sẻ cũng đề cập một góc nhìn quan trọng mà nhiều người hay lầm tưởng: thành công và thất bại chỉ là chuyện nhất thời. Anh từng chứng kiến nhiều người kiếm vài trăm triệu mỗi tháng nhờ kinh doanh online, nhưng chỉ sau vài năm, mọi thứ sụp đổ hoàn toàn. Bản thân anh cũng từng có giai đoạn ổn định, rồi rơi vào khủng hoảng. “Thành công hôm nay không đảm bảo cho ngày mai. Và thất bại hôm nay cũng chưa chắc là dấu chấm hết” , đó là lời nhắn mang tính cảnh tỉnh nhưng cũng đầy hy vọng.
Cuối cùng, cựu sinh viên Ngoại thương chốt lại bài viết bằng một điều tưởng như hiển nhiên nhưng lại dễ bị lãng quên: “Thất bại hôm nay thì ngày mai ta làm lại, thà thua một cuộc chơi chứ đừng để thua cả cuộc đời”.
Anh dẫn chứng những trường hợp từng là trưởng phòng, giám đốc bị sa thải, về sau không tìm được việc và chấp nhận làm shipper hay công việc tay chân. Tuy nhiên, theo anh, đó không phải là điều đáng xấu hổ, miễn là còn giữ được ý chí và sẵn sàng làm lại. Xã hội ngày nay không có gì là ổn định. Nhưng điều duy nhất không nên đánh mất chính là bản lĩnh.
“Hy vọng những điều tôi viết ra – từ một người thất bại, từng phá sản, từng bị trường đời vùi dập – sẽ giúp bạn nào đó đi sau không bị như tôi”, anh chia sẻ.
Tổng hợp
Nguồn tin: https://cafef.vn/doan-tam-su-hon-2000-chu-cua-cuu-sv-ngoai-thuong-dang-viral-toi-mat-10-nam-de-nem-trai-that-bai-ban-chi-can-5-phut-doc-de-tranh-188250421221345421.chn