Năm 2014, một sự việc hy hữu đã xảy ra tại tỉnh Hà Nam, Trung Quốc khi một cụ ông qua đời trên xe buýt sau khi tát một sinh viên không chịu nhường ghế. Sau đó, gia đình ông đã đòi bồi thường lên tới 500 triệu NDT (khoảng 1,7 tỷ đồng).
Vụ việc đáng tiếc
Một ngày tháng 9 năm 2014, một sinh viên đại học tên là Tiểu Hoa (tên nhân vật đã được thay đổi) tới trường bằng xe buýt như mọi khi. Một hành khách khác là ông Lý khi lên xe đã nhìn quanh và thấy rằng những chỗ trống gần còn lại đều là ghế ngồi trong, không thuận tiện cho việc đi lại. Khi thấy Tiểu Hoa đang ngồi ở ghế ngoài, cụ ông liền muốn ngồi vào chỗ đó nên đã cố tình tiến gần nam thanh niên sinh với hy vọng anh sẽ tự đứng dậy nhường chỗ. Tuy nhiên, sau 2 phút, Tiểu Hoa vẫn không có ý định đứng dậy.
Tiểu Hoa lúc này đã mệt mỏi do tiệc tùng mừng sinh nhật bạn hôm trước đến khuya. Vì quá buồn ngủ, cậu sinh viên chỉ muốn lên xe buýt ngồi chợp mắt, nghỉ ngơi một lát. Tuy nhiên, mới nhắm mắt vào một lúc Tiểu Hoa đã bị ông Lý đánh và mắng: “Cậu không thấy tôi đang đứng đây sao? Trường học không dạy cậu phải tự nguyện nhường chỗ cho người già sao?”.
Khi Tiểu Hoa quay lại và thấy phía sau vẫn còn vài chỗ trống, anh đã đề nghị ông Lý đi về phía sau ngồi. Thế nhưng lời đề nghị của cậu sinh viên khiến cụ ông Lý càng thêm tức giận. Ông giơ tay lên và tát Tiểu Hoa liên tiếp 4 cái trước sự ngỡ ngàng của những người xung quanh. Dù rất tức giận nhưng nam sinh viên đã cố gắng không đáp trả. Anh vẫn ngồi tại chỗ của mình cho đến lúc tới bến.
Điều thanh niên không ngờ đến là sau khi anh xuống xe, ông Lý đã ngồi vào chỗ của anh và lên cơn đau tim. Cuối cùng, ông từ từ ngã xuống và mất ý thức. Sau khi được đưa vào bệnh viện cấp cứu, các bác sĩ cho biết ông đã qua đời. Nguyên nhân chủ yếu là do quá tức giận, dẫn đến cơn đau tim và đột quỵ.
Phán quyết của tòa án
Sau sự việc, gia đình ông Lý đã kiện sinh viên Tiểu Hoa ra tòa, yêu cầu bồi thường 500.000 NDT. Theo gia đình ông cụ, cậu sinh viên đã xâm phạm quyền lợi về thân thể và sức khỏe của ông, và họ cho rằng Tiểu Hoa phải chịu trách nhiệm. Vụ kiện nhanh chóng thu hút sự chú ý của dư luận vì tình tiết éo le và vô lý.
Theo pháp luật Trung Quốc hiện hành, điều kiện cần để thành lập hành vi xâm phạm quyền lợi là người phạm tội phải có hành vi vi phạm pháp luật và có lỗi ở khía cạnh chủ quan, từ đó dẫn tới thiệt hại cho người khác và cần chịu trách nhiệm về hậu quả.
Thế nhưng trong trường hợp này, việc Tiểu Hoa ngồi giữ chỗ trên xe buýt là hành động bình thường. Việc nhường chỗ cho người già, trẻ em và phụ nữ có thai là thói quen tốt được xã hội khuyến khích, nhưng không phải là bắt buộc. Ngay cả khi Tiểu Hoa không nhường chỗ cho cụ ông Lý, hành vi đó cũng không thể được coi là vi phạm pháp luật.
Đồng thời, bởi vì nhận thấy cụ ông Lý có tuổi, Tiểu Hoa đã tự điều chỉnh bản thân và không tranh cãi hay gây xung đột với ông, mặc dù về mặt sức mạnh anh có thể chiếm ưu thế. Trong trường hợp này, không thể cho rằng Tiểu Hoa có lỗi ở khía cạnh chủ quan, và hành vi của anh cũng không phải là vi phạm pháp luật.
Cuối cùng, tòa án đã bác bỏ yêu cầu kiện tụng của gia đình ông Lý. Phán quyết này nhận được sự đồng tình của nhiều người. Vụ kiện hi hữu này cũng đã dấy lên nhiều đề tài thảo luận về chủ đề muôn thuở “nhường chỗ cho người già”.
Nguồn: Sohu
Nguồn tin: https://cafef.vn/cu-gia-dot-tu-vi-thanh-nien-khong-chiu-nhuong-ghe-xe-bus-gia-dinh-kien-doi-boi-thuong-17-ty-dong-toa-an-ra-phan-quyet-nhu-the-nao-188240817151927357.chn