Hiện nay trong mỗi gia đình, sự góp mặt của những thiết bị gia dụng điện tử là điều không thể thiếu. Chúng hỗ trợ con người trong nhiều công việc nhà, giúp giải phóng sức lao động, tiết kiệm thời gian và công sức cho con người. Có thể kể tới như tủ lạnh giúp bảo quản thực phẩm lâu hơn, tươi hơn, các loại bếp giúp việc nấu nướng nhanh chóng, đảm bảo hơn, và chắc chắn không thể bỏ qua cái tên máy giặt, giúp công việc giặt giũ, vệ sinh quần áo được hiệu quả, dễ dàng hơn.
Có thể nhận xét rằng, mỗi gia đình đều sở hữu ít nhất một chiếc máy giặt. Cách sử dụng và các thao tác với máy giặt cũng khá dễ dàng. Thiết bị điều khiển bằng bảng các nút bấm ngay trên bề mặt. Tuy nhiên, trong quá trình sử dụng, việc mắc phải một số sai lầm vẫn khiến người dùng gặp các rắc rối với máy giặt.
Trường hợp sau đây là một ví dụ. Trong hình ảnh có thể thấy, chiếc máy giặt vẫn đang chạy, tuy nhiên một lượng lớn bọt xà phòng và nước từ trong máy trào ra ngoài. Hiện tượng này không chỉ gây mất vệ sinh mà còn ảnh hưởng trực tiếp tới hiệu quả hoạt động của thiết bị, đồng thời tiềm ẩn nguy cơ xảy ra chập điện nghiêm trọng.
Máy giặt gặp tình trạng trào bọt nghiêm trọng khiến gia chủ bối rối
Chính vì vậy lúc này, gia chủ nên nhanh chóng ngắt điện thiết bị, mở cửa máy giặt, vệ sinh hoặc đợi phần bọt tan hết hết phần bọt và nước bên trong máy cũng như bên ngoài mặt sàn nhà. Sau đó, bật lại máy với chế độ giặt không vắt.
Khi máy dừng lại, ấn nút xả để làm sạch nước trong máy giặt, đảm bảo cho bọt xà phòng được tan hoàn toàn. Cuối cùng là lấy hết quần áo bên trong máy giặt ra và lặp lại chu trình trên. Việc chỉ quay với nước mà không có quần áo như một bước để thiết bị tự vệ sinh lại để loại bỏ hoàn toàn xà phòng hay cặn còn trong lồng giặt và khay chứa bột/nước giặt.
Vì sao máy giặt lại bị trào bọt, nước ra ngoài?
Theo các chuyên gia có kinh nghiệm sửa chữa máy giặt lâu năm, việc máy giặt bị trào bọt hay nước ra ngoài ngay cả khi đang được hoạt động không phải là hiếm gặp. Bọt, nước có thể trào ra từ bên trong lồng máy hoặc từ ngăn chứa bột, nước giặt của thiết bị.
Như đã nói ở trên, việc máy giặt bị trào bọt, nước ra ngoài nếu diễn ra trong thời gian dài với tần suất nhiều có thể dẫn tới mất vệ sinh, mất an toàn cho thiết bị, cho không gian cũng như cho người dùng. Đồng thời, vỏ máy giặt sẽ bị rỉ sét, đường ống xả nước sẽ bị tắc và tuổi thọ của thiết bị cũng sẽ suy giảm đáng kể.
Việc máy giặt bị trào bọt, nước trong quá trình sử dụng không phải là hiếm (Ảnh minh họa)
Các nguyên nhân dẫn đến tình trạng này có thể kể tới như người dùng sử dụng chất tẩy rửa không phù hợp với thiết bị, sai loại bột/nước giặt, sử dụng quá lượng hay lắp đặt máy giặt không đúng cách ngay từ đầu.
1. Sử dụng chất tẩy rửa không phù hợp với thiết bị
Hiện nay, các loại chất tẩy rửa thường được sử dụng trong công việc giặt giũ, vệ sinh quần áo đó là nước giặt, bột giặt hay các viên giặt xả nhiều tính năng trong một. Nhiều người dùng mặc định rằng, bất kỳ chất tẩy rửa nào trong số chúng cũng có thể phù hợp với cả giặt tay và giặt máy. Tuy nhiên thực tế không phải vậy.
Theo một trong những siêu thị điện máy uy tín, số lượng bọt của các loại bột giặt tay được tạo ra trong quá trình giặt có thể làm môi trường bên trong thiết bị trở nên ẩm, từ đó sẽ dễ khiến bọt trào ra. Chính vì vậy, tốt hơn hết người dùng nên kiểm tra kỹ các loại bột, nước giặt trước khi mua. Nên mua các loại được ghi rõ là chuyên biệt dành cho máy giặt.
Ưu tiên lựa chọn các loại chất tẩy rửa phù hợp với giặt máy (Ảnh minh họa)
Việc làm này không chỉ giúp ngăn chặn được hiện tượng máy bị trào bọt, mà còn giúp hiệu quả hoạt động của máy giặt được tốt hơn, quần áo được giặt sạch hơn. Nó cũng giúp đảm bảo tuổi thọ của thiết bị khi được dùng với loại chất tẩy rửa phù hợp.
Còn đối với các viên giặt xả, các nhà sản xuất và phân phối cho biết, nó phù hợp với cả giặt tay và giặt máy. Tuy nhiên người dùng nên thực hiện đúng quy trình khi cho vào máy giặt, đó là đưa thẳng vào lồng giặt thay vì đặt lên khay chứa bột/nước giặt.
2. Sử dụng quá lượng chất tẩy rửa
Một sai lầm phổ biến từ quan niệm của người dùng đó là cho càng nhiều chất tẩy rửa thì quần áo càng sạch, càng được giặt tốt hơn. Tuy nhiên việc làm này không chỉ vô tình gây lãng phí mà còn dẫn tới việc máy bị trào bọt nghiêm trọng. Một lượng chất tẩy rửa quá lớn được đưa vào máy sẽ khiến máy hoạt động không kịp để hòa tan và xử lý, từ đó gây tắc ứ và dần trào ra bên ngoài máy.
Chính vì vậy người dùng chỉ nên cho lượng chất tẩy rửa phù hợp với lượng quần áo cần làm sạch. Theo Cleanipedia, chuyên trang của Unilever, có một nguyên tắc gọi là nguyên tắc định lượng bột giặt để người dùng sử dụng sao cho hợp lý. Cụ thể, các nhà sản xuất khuyến nghị rằng người dùng chỉ sử dụng bột giặt khoảng 110ml cho một lần giặt hàng ngày. Đối với quần áo dính bẩn nhiều, có thể tăng số này thêm 100ml, tức là 210ml.
Dù là bột, nước hay các viên giặt xả thì người dùng cũng nên lưu ý về định lượng (Ảnh minh họa)
Đối với nước giặt, liều lượng được khuyến nghị là 35ml trong một giặt và tăng lên là 52ml khi giặt quần áo bị bẩn nhiều. Còn đối với các viên giặt xả nhiều tính năng trong một, với khối lượng quần áo khoảng 7kg thì chỉ cần dùng 1 viên/lần, khoảng 10kg trở lên mới cần tới 2 viên.
Nếu quần áo của bạn có những vết bẩn cứng đầu, bám chặt trên vải, có thể giặt qua một lần bằng tay trước khi cho vào xử lý với máy giặt.
3. Lắp đặt máy giặt không đúng cách
Một nguyên nhân nữa có thể làm cho máy giặt bị trào bọt ra ngoài đó là ngay từ đầu, thiết bị đã không được lắp đặt đúng cách, đảm bảo. Máy có thể được đặt ở vị trí chông chênh, không bằng phẳng, hoặc ống xả nước của máy gặp vấn đề, không khớp với máy hoặc bị tắc nghẽn. Chính vì vậy người dùng nên đảm bảo quá trình lắp đặt thiết bị ngay khi mới trang bị.
Việc lắp đặt máy giặt cũng nên được chú ý ngay từ đầu (Ảnh minh họa)
Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng chỉ ra thêm vài điểm gia đình cần lưu ý trong quá trình sử dụng máy giặt như sau để thiết bị hoạt động hiệu quả, lâu bền:
– Không đặt máy ở vị trí ẩm thấp, độ ẩm cao bởi có thể làm nghẽn mạch hoặc hỏng bảng mạch điều khiển thiết bị.
– Tiến hành kiểm tra, bảo dưỡng và vệ sinh thiết bị thường xuyên. Trong đó, các bộ phận cần được đặc biệt quan tâm có thể kể tới là đường ống xả, gioăng cửa máy giặt, khay đựng chất tẩy rửa và lồng máy. Việc kiểm tra, bảo dưỡng nên được tiến hành khoảng 4-6 tháng/lần, còn việc vệ sinh nên thực hiện từ 1 tháng/lần.
– Khi máy gặp lỗi vận hành như phát ra tiếng ồn lớn khi hoạt động, giặt quần áo không sạch, có mùi hôi…, hãy gọi các đơn vị sửa chữa để xử lý kịp thời.