Tháng 10/2022, lực lượng cảnh sát thành phố Cám Châu (tỉnh Giang Tây, Trung Quốc) đã phát hiện dấu hiệu nghi vấn về một nhóm chuyên sản xuất đồng hồ giả. Sau hơn 8 tháng thu thập chứng cứ, theo dõi và phân tích hoạt động tội phạm, lực lượng chức năng đã xác định rõ toàn bộ mạng lưới sản xuất và tiêu thụ hàng giả.
Sáng ngày 20/7/2023, chiến dịch trấn áp quy mô lớn được phát động. Hơn 160 cảnh sát đồng loạt ra quân tại một số địa phương ở Giang Tây, Quảng Châu…. Kết quả là 21 đối tượng bị bắt giữ, 3 nhà máy sản xuất hàng giả bị triệt phá, 13 nhà kho và điểm bán hàng bị khám xét.
Lực lượng chức năng tịch thu hơn 10.000 đồng hồ thành phẩm nhái các nhãn hiệu xa xỉ như Rolex, Vanguard, Jacques Leman, Audemars Piguet, Patek Philippe…, cùng 20.000 linh kiện khác. Ngoài ra, hàng loạt thiết bị sản xuất cũng bị thu giữ. Đây là một trong những vụ án hàng giả lớn nhất trong lĩnh vực đồng hồ cao cấp bị triệt phá tại Trung Quốc trong những năm gần đây.


Đồng hồ từ các thương hiệu cao cấp bị làm giả, bán với giá rẻ
Theo kết quả điều tra, đường dây làm giả này bắt đầu hoạt động từ tháng 6/2021. Các nghi phạm chính là đối tượng Tân và Tạ đã hợp tác để thuê một nhà máy tại khu phát triển công nghiệp, sử dụng nhiều thiết bị công nghiệp hiện đại để sản xuất linh kiện giả cho đồng hồ cao cấp.
Từng chi tiết nhỏ như con lắc, nắp đồng hồ, móc cài, dây đeo… đều được chế tác cẩn thận, sau đó lắp ráp thành đồng hồ hoàn chỉnh mang logo của các thương hiệu xa xỉ quốc tế. Trung bình mỗi ngày, cơ sở này sản xuất khoảng 400 bộ máy đồng hồ giả, được bán ra với giá từ 600 đến 800 NDT (2,1 – 2,9 triệu đồng) mỗi chiếc. Chỉ tính riêng đến tháng 7/2023, doanh thu từ hoạt động làm giả này đã vượt ngưỡng 100 triệu NDT (hơn 365 tỷ đồng).
Đường dây sản xuất đồng hồ giả được tổ chức nhiều cấp, từ các cổ đông đầu tư đến giám đốc phụ trách tiếp thị, quản lý sản xuất cùng với các bộ phận kỹ thuật, hành chính và giám sát đơn hàng. Mỗi đối tượng đều có vai trò rõ ràng, tạo thành một bộ máy sản xuất và tiêu thụ hàng giả bài bản.

Linh kiện làm đồng hồ nhái
Sau khi hoàn thành khâu sản xuất, các sản phẩm giả mạo được chuyển đến các nhà phân phối cấp một tại Quảng Châu (tỉnh Quảng Đông). Tại đây, nhà phân phối tiếp tục nhập dây đeo, hộp đồng hồ và phụ kiện đóng gói từ các nguồn khác nhau để lắp ráp hoàn chỉnh. Đồng hồ giả sau đó được bán lại cho các nhà phân phối cấp hai, rồi tung ra thị trường thông qua cửa hàng và nền tảng thương mại trực tuyến lớn.
Hàng giả từ ổ nhóm này đã lan rộng ra ít nhất 20 tỉnh thành khắp Trung Quốc, bao gồm Bắc Kinh, Chiết Giang, Quảng Đông, Quảng Tây, … Theo Luật hình sự Trung Quốc, hành vi sử dụng, sản xuất và buôn bán trái phép nhãn hiệu đã đăng ký có thể bị xử lý hình sự với mức án lên đến 3 năm tù giam cùng hình phạt tiền. 21 đối tượng liên quan đến đường dây sản xuất đồng hồ giả đã bị xử lý theo luật pháp đất nước tỷ dân.
(Theo Toutiao)
Nguồn tin: https://cafef.vn/theo-doi-suot-8-thang-phanh-phui-duong-day-san-xuat-dong-ho-gia-doanh-thu-365-ty-dong-tich-thu-10000-chiec-rolex-patek-philippe-nhai-188250702215004578.chn