Đậu phụ và các thực phẩm từ đậu nành rất giàu dinh dưỡng. 1 khẩu phần đậu phụ nặng 85g có thể cung cấp từ 4 – 14g protein (tùy thuộc vào từng loại) và 9 loại axit amin thiết yếu. Theo Amy Bragagnini, chuyên gia dinh dưỡng, phát ngôn viên của The Academy of Nutrition and Dietetics (tạm dịch: Học viện Dinh dưỡng và Ăn kiêng, Mỹ), đậu phụ cũng cung cấp cho cơ thể vitamin B, chất béo không bão hòa lành mạnh và các khoáng chất như canxi, magiê, kẽm, sắt.
Tuy nhiên, các thực phẩm từ đậu nành cũng thường bị mang tiếng xấu. Nhiều khách hàng của chuyên gia dinh dưỡng Bragagnini hay đặt câu hỏi rằng liệu thực phẩm từ đậu nành có liên quan tới ung thư hay không.
Hàm lượng isoflavone tương đối cao có trong đậu nành được cho là nguyên nhân dẫn tới những lo lắng này. Isoflavone là các hợp chất từ thực vật có cấu trúc tương tự như hormone estrogen. Nhiều người lo ngại tiêu thụ thực phẩm có chứa isoflavone như đậu nành có thể dẫn tới những điều bất lợi đối với khả năng sinh sản hoặc khiến cho nam giới bị nữ tính hóa.
Tuy nhiên, theo PGS.TS Qi Sun, chuyên gia dinh dưỡng và dịch tễ học của Trường Y tế Công cộng Harvard T.H. Chan, các nghiên cứu đã chỉ ra rằng bổ sung thực phẩm từ đậu nành vào chế độ ăn không chỉ an toàn mà còn giúp cho tim mạch khỏe mạnh và quá trình trao đổi chất diễn ra thuận lợi hơn.
Vị PGS cho biết thêm, mặc dù isoflavone có cấu trúc tương tự như estrogen nhưng nó có khả năng chống viêm và chống quá trình oxy hóa trong cơ thể.
Đậu nành và ung thư
Một mối lo ngại trước đây về đậu nành đó là chất isoflavone trong loại hạt này có thể thúc đẩy ung thư vú. Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng những phụ nữ ăn nhiều thực phẩm từ đậu nành không có nguy cơ phát triển ung thư vú cao hơn so với những người ăn ít hoặc không ăn đậu nành. Đây là điều mà Xiao-Ou Shu, giáo sư dịch tễ học của Đại học Y khoa Vanderbilt (Mỹ) cho hay.
Trong một nghiên cứu được công bố vào năm 2012, GS Shu và các đồng nghiệp đã phát hiện ra rằng trong số những phụ nữ ở Trung Quốc và Hoa Kỳ đã được chẩn đoán mắc bệnh ung thư vú, những người ăn từ 1 nửa khẩu phần (khoảng 42,5g) thực phẩm từ đậu nành trở lên mỗi ngày sẽ ít bị tái phát bệnh hơn so với những người ăn ít hơn khẩu phần trên. Tuy nhiên, theo Viện Nghiên cứu Ung thư Hoa Kỳ, bằng chứng của phát hiện này vẫn còn hạn chế.
Một số nghiên cứu cũng đã báo cáo tác dụng bảo vệ của đậu nành đối với bệnh ung thư tuyến tiền liệt và ung thư phổi.
Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ khuyến nghị thực phẩm từ đậu nành nói riêng và các loại đậu nói chung là một phần của chế độ ăn uống cân bằng, lành mạnh. Tuy nhiên, cơ quan này cho hay bằng chứng về thực phẩm từ đậu nành có thể bảo vệ con người khỏi ung thư vú hoặc tuyến tiền liệt là “hạn chế để đưa ra kết luận chắc chắn”.
Đậu nành và khả năng sinh sản, mãn kinh
PGS Sun cho biết không có bằng chứng cụ thể cho thấy đậu nành có thể ảnh hưởng tới khả năng sinh sản, bao gồm ảnh hưởng đến số lượng hoặc chất lượng tinh trùng, khả năng thụ thai hoặc nồng độ testosterone và estrogen ở nam giới.
Chuyên gia dinh dưỡng Bragagnini cho biết một số nghiên cứu nhỏ đã phát hiện ra rằng đậu nành có thể làm giảm nhẹ các cơn bốc hỏa liên quan đến thời kỳ mãn kinh, nhưng những kết quả này còn chưa thống nhất.
Một số nghiên cứu cũng cho thấy tiêu thụ nhiều đậu nành có liên quan đến việc giảm nguy cơ gãy xương do loãng xương ở phụ nữ sau mãn kinh.
Đậu nành và sức khỏe tim mạch
PGS Sun cho biết có bằng chứng cho thấy đậu nành có lợi đối với sức khỏe tim mạch. Theo đó, một nghiên cứu được công bố vào năm 2020 kết luận tiêu thụ nhiều thực phẩm từ đậu nành như đậu phụ có thể giúp giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch vành.
Trong một nghiên cứu khác kéo dài hơn 30 năm, PGS Sun và các đồng nghiệp của ông đã phát hiện ra rằng những người tiêu thụ ít nhất 1 khẩu phần đậu phụ hoặc sữa đậu nành mỗi tuần có khả năng tử vong thấp hơn từ 15-16% so với những người ăn ít hơn 1 khẩu phần đậu nành mỗi tháng.
PGS Sun cho biết việc mọi người lựa chọn nguồn protein từ thực vật như đậu phụ thay cho protein từ các loại động vật là điều hoàn toàn dễ hiểu. Thịt đỏ, thịt chế biến sẵn được coi là thực phẩm làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch, tiểu đường, ung thư đại tràng và tử vong sớm.
Nhìn chung, đậu phụ và các sản phẩm từ đậu nành đều là các loại thực phẩm giàu dinh dưỡng, tốt cho tim mạch. Cho tới nay, các kết luận từ nghiên cứu vẫn còn hạn chế và chưa thể khẳng định chắc chắn đậu nành có thể gây ung thư hoặc chống lại ung thư hay không. Tuy nhiên, điều quan trọng mà mọi người cần nhớ là tiêu thụ ở mức độ vừa phải, tránh lạm dụng. Chuyên gia dinh dưỡng Bragagnini cho biết lượng đậu nành mà mọi người nên tiêu thụ mỗi ngày là từ 1 – 2 khẩu phần ăn.