Tháng 8 năm 2023, Đồn cảnh sát Hạc Lâm thuộc sở Công an Nhuận Châu, thành phố Trấn Giang, Giang Tô, Trung Quốc, nhận được cuộc gọi từ một người dân trong vùng.
Nội dung cuộc gọi cho biết một bà cụ 77 tuổi sống một mình ở làng Hoàng Sơn thời gian gần đây có hành vi bất thường. Theo đó, bà cụ này luôn “ôm” điện thoại bên mình với trạng thái tâm lý không ổn định và đã 2 ngày không ra khỏi nhà. Vì lo lắng cho bà cụ nên người này hy vọng cảnh sát có thể đến nhà bà cụ càng sớm càng tốt để kiểm tra xem có chuyện gì đang xảy ra hay không.
Nhận được tin báo, cảnh sát Trần Mục Thiên cùng một vài đồng chí khác của đồn cảnh sát Hạc Lâm nhanh chóng tìm đến nhà bà cụ. Đến nơi, anh gõ cửa nhưng gia chủ không muốn mở cửa, đồng thời liên tục hỏi anh có thực sự là cảnh sát.
“Lúc đó giọng của bà cụ khá run, có vẻ như đang sợ hãi. Biết có chuyện không ổn nên chúng tôi đã trấn an bà cụ. Dưới sự giúp đỡ của những người hàng xóm, cuối cùng chúng tôi cũng thành công thuyết phục bà cụ mở cửa”, cảnh sát Trần chia sẻ với phóng viên.
Tuy nhiên sau khi trao đổi, bà cụ này vẫn không thừa nhận mình đang gặp rắc rối. Lúc đó, cảnh sát Trần Mục Thiên đã chăm chú quan sát xung quanh nhà và phát hiện điện thoại di động ở đầu giường của bà cụ không ngừng hiện thông báo cuộc gọi.
“Nhìn kỹ hơn, tôi thấy rằng bà cụ đang trong cuộc gọi video trên nhóm WeChat đã kéo dài suốt 3 tiếng đồng hồ. Bà cụ cho biết đây là nhóm WeChat do “Phó giám đốc một Cục công an nào đó ở tỉnh Hải Nam thành lập. Họ đã liên lạc cho bà được hai ngày,” cảnh sát Trần cho biết.
Qua lời kể, phía cảnh sát xác định bà cụ này có thể đang “dính bẫy” của 1 nhóm lừa đảo qua mạng viễn thông. Thủ đoạn của chúng là mạo danh cảnh sát để lừa đảo và chiếm đoạt tài sản của người dân. Rất may, bà cụ vẫn chưa chuyển tiền cho kẻ xấu. Vì vậy, cảnh sát lập tức tắt cuộc gọi và đưa bà cụ này về đồn cảnh sát để tiếp tục tìm hiểu sự việc, đồng thời liên lạc với người nhà của nạn nhân để thông báo tình hình.
Tại đồn cảnh sát, bà cụ này cho biết bà đã nhận được cuộc gọi từ một người tự xưng là “công an tỉnh Hải Nam, Trung Quốc” vào 2 ngày trước. Người này nói rằng thẻ ngân hàng đứng tên bà đã bị người khác dùng “chiếm đoạt” làm thẻ phụ để thực hiện những vụ lừa đảo viễn thông. Họ cũng cho biết rằng kẻ xấu đã bị bắt và dính líu đến một số vụ án. Bà cụ với tư cách là chủ thẻ ngân hàng liên quan đến sự việc cũng phải chịu trách nhiệm hình sự.
Vì thiếu hiểu biết nên bà cụ ngay lập tức tin tưởng những lời đối phương nói. Đường dây bên kia cho biết, vì bà cụ tuổi đã cao nên không tiến hành thẩm vấn trực tiếp mà chỉ cần hợp tác với họ trong việc xác minh dòng tiền để tránh phải ngồi tù. Theo hướng dẫn của cảnh sát giả, bà cụ đã tải xuống APP chia sẻ màn hình do bên kia yêu cầu rồi chỉ dẫn bà cụ làm theo chỉ dẫn của mình. Tuy nhiên nhờ chức năng bảo vệ tích hợp trong điện thoại di động của bà cụ nên đối tượng trên không thể thực hiện được mục đích.
Sau đó, kẻ xấu còn dụ dỗ bà cụ mua một chiếc điện thoại mới và yêu cầu chuyển toàn bộ số tiền trong thẻ ngân hàng cho họ để xác minh dòng tiền. Thật may, khi bà cụ chưa kịp chuyển tiền thì cảnh sát đã đến, ngăn chặn kịp thời phi vụ lừa đảo của kẻ xấu.
Phía cảnh sát cho biết bà cụ 77 tuổi này có hơn 500.000 NDT (hơn 1,6 tỷ đồng) trong tài khoản ngân hàng. Số tiền này nếu được chuyển đi thì hậu quả sẽ rất nghiêm trọng. May mắn thay, với sự giúp đỡ của người dân xung quanh, cảnh sát đã can thiệp và vạch trần hành vi xấu của những kẻ lừa đảo, đồng thời giúp bà cụ bảo vệ được khoản tiền tích góp cả đời.
Con gái bà cụ sau đó cũng đã đến đồn cảnh sát để đưa mẹ về. Cảnh sát khuyên cô nên dành nhiều thời gian hơn cho bà cụ bởi người già sống một mình là nhóm dễ bị tổn thương và thường trở thành mục tiêu của tội phạm. Cảnh sát cũng khuyên mọi người nên đề cao cảnh giác hơn và nên liên hệ cơ quan chứng năng để được giúp đỡ nếu có bất kỳ điều gì không chắc chắn. Đặc biệt, không nên tự ý chuyển tiền sang tài khoản lạ để tránh những mất mát đáng tiếc.
(Theo Sohu)