Vận may đến tay lại bị cướp mất
Vào năm 2019, người đàn ông họ Diêu ở thành phố Tây An, tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc đã mua 10 tờ vé số với giá 20 NDT (khoảng 70.000 đồng) bằng hình thức online. Sau khi ông Diêu chuyển khoản thanh toán, người bán gửi lại ảnh chụp các tờ vé cho ông để xác nhận giao dịch. Không ngờ rằng, lần này vận may đã mỉm cười với ông Diêu. Trong số 10 tờ vé số đó, có 1 vé lại trúng giải độc đắc trị giá 10 triệu NDT (khoảng 35 tỷ đồng).
Quá đỗi vui mừng, ông Diêu tức tốc đến đại lý bán vé số để nhận thưởng. Tuy nhiên, người bán lại thẳng thừng tuyên bố rằng ông Diêu sẽ không nhận được khoản tiền này. Người bán vé họ Vương giải thích rằng ảnh chụp vé số mà anh ta gửi cho ông Diêu chỉ là “gửi nhầm”. Theo Vương, ông Diêu đã mua vé sau 5 giờ chiều, nhưng thời gian in trên vé số là 1 giờ chiều cùng ngày, nên giao dịch không hợp lệ. Để giải quyết êm thấm, chủ đại lý họ Vương đề nghị 2 bên ký một “thỏa thuận bồi thường”. Trong đó, anh ta cam kết đền bù cho ông Diêu 150.000 NDT (khoảng 500 triệu đồng), nhưng tạm thanh toán trước 70.000 NDT (khoảng 245 triệu đồng).
Mọi việc trở nên phức tạp hơn khi hai tháng sau, ông Diêu tình cờ phát hiện ông Cao – anh họ của Vương từng được nhận tiền thưởng trúng số độc đắc. Đáng nói, tấm vé mà ông Cao dùng để lĩnh thưởng giống hệt tấm mà ông Diêu đã được gửi ảnh chụp trước đó. Nghi ngờ mình bị lừa để từ bỏ quyền lợi, ông Diêu quyết định khởi kiện chủ đại lý vé số ra tòa.

Người đàn ông họ Diêu
Trong 2 phiên xét xử đầu tiên, tòa án xác định quyền sở hữu tấm vé số trúng giải thuộc về ông Diêu. Theo phán quyết, ông Diêu đã hoàn tất việc thanh toán thông qua chuyển khoản và có bằng chứng là biên lai giao dịch. Ngoài ra, lịch sử trò chuyện giữa hai bên cho thấy chính anh Vương đã gửi hình ảnh đúng tấm vé trúng giải cho ông Diêu, nên người bán có trách nhiệm phải giao vé số tương ứng cho người mua.
Ngược lại, anh Vương không thể chứng minh được anh họ mình là ông Cao đã thanh toán và nhận vé số theo đúng quy trình. Đặc biệt, khi yêu cầu ông Diêu ký “thỏa thuận bồi thường”, anh Vương không hề đề cập đến việc tấm vé số đó thực ra đang thuộc sở hữu của anh họ. Điều này càng làm tăng nghi vấn về hành vi gian dối trong giao dịch.
Hành trình đòi lại công lý
Tưởng rằng sau phán quyết của tòa, ông Diêu sẽ được nhận lại khoản tiền thưởng mà lẽ ra mình xứng đáng có được. Thế nhưng, những rắc rối vẫn chưa dừng lại. Do “thỏa thuận bồi thường” giữa 2 bên bị vô hiệu hóa sau phán quyết, ông Diêu bị yêu cầu hoàn trả số tiền 70.000 NDT đã nhận trước đó từ Vương. Trớ trêu thay, dù chưa nhận được đồng nào từ giải thưởng, ông Diêu lại bị buộc phải trả khoản tiền từng được xem là “bồi thường”.
Do không kịp hoàn trả số tiền đúng hạn, ông bị đưa vào danh sách vi phạm luật tín nhiệm cá nhân. Đến tháng 10/2021, ông chính thức bị Tòa án đưa vào danh sách hạn chế tiêu dùng – một hình thức xử phạt có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh hoạt, công việc và tài chính cá nhân tại Trung Quốc.
Không bỏ cuộc, ông Diêu vẫn kiên trì tìm đến luật sư nhờ đòi lại những gì mà mình đáng được nhận. Trong thời gian đó, 2 anh em nhà chủ đại lý vé số cũng gửi đơn kháng cáo, không muốn bồi thường toàn bộ số giải thưởng cho ông Diêu. Cũng vì vấn đề tranh chấp, kiện tụng, đôi lúc người đàn ông này đã ước mình chưa từng trúng số.
May mắn thay, sự việc dần có những chuyển biến tích cực. Ngay từ tháng 9/2023, tòa án tuyên bố đã phong tỏa toàn bộ tiền gửi ngân hàng và tài sản có giá trị tương đương đứng tên người chủ đại lý vé số họ Vương và ông Cao – anh họ của Vương.
Ngày 30/7/2024, Tòa án Nhân dân Tây An, tỉnh Thiểm Tây đã chính thức đưa ra phán quyết cuối cùng cho vụ việc gây xôn xao dư luận suốt thời gian dài này. Theo đó, tòa án bác bỏ đơn kháng cáo của anh Vương và ông Cao, đồng thời yêu cầu cả 2 phải trả toàn bộ 10 triệu NDT (khoảng 35 tỷ đồng) tiền trúng thưởng cho ông Diêu trong vòng 15 ngày kể từ ngày phán quyết có hiệu lực.

Ông Diêu (giữa) cùng các luật sư sau phiên tòa cuối cùng khép lại vụ án
Sau sự việc, cảnh sát thành phố Tây An đã đưa ra khuyến cáo, khuyên người dân không nên mua vé số qua mạng. Cơ quan chức năng nhấn mạnh, việc mua vé online tiềm ẩn nhiều rủi ro, đặc biệt là nguy cơ tranh chấp về quyền sở hữu vé trúng thưởng. Trong môi trường thiếu sự kiểm chứng minh bạch, người mua rất dễ rơi vào thế yếu và phải đối mặt với những hệ lụy pháp lý kéo dài, thậm chí không thể đòi lại quyền lợi dù có đầy đủ bằng chứng.
(Theo GMW.cn)
Nguồn tin: https://cafef.vn/mua-ve-so-trung-doc-dac-35-ty-dong-nguoi-dan-ong-den-nhan-thuong-thi-dai-ly-tuyen-bo-tam-ve-khong-phai-cua-anh-anh-se-khong-nhan-duoc-dong-nao-188250712094944439.chn