Kỳ thi lớp 10 công lập ở Hà Nội được đánh giá là vô cùng căng thẳng, thậm chí còn “gắt” hơn cả kỳ thi vào đại học, bởi tỷ lệ chọi quá cao. Năm học 2023 – 2024, số lượng học sinh Hà Nội đăng ký thi vào lớp 10 các trường THPT công lập là gần 105.000 em. Trong khi đó, số chỉ tiêu tuyển vào các trường THPT công lập chỉ khoảng 72.000. Như vậy, hơn 33.000 em không có suất vào các trường công lập và phải lựa chọn các ngôi trường ngoài công lập, học nghề,…
Năm 2024 – 2025 dự kiến Hà Nội sẽ có gần 135.000 học sinh tốt nghiệp lớp 9, tăng hơn 5.000 học sinh so với năm học 2023 – 2024. Điều này cho thấy kỳ thi lớp 10 công lập năm tới có thể sẽ còn “căng” hơn nữa.
Còn nhớ sau kỳ thi năm 2023, từng diễn ra tình trạng phụ huynh có con thi trượt lớp 10 công lập nháo nhào, hốt hoảng tìm trường tư. Do không nghĩ đến việc con sẽ thi trượt nên nhiều phụ huynh chủ quan, không tính trước phương án dự phòng.
Kết quả là sau khi con thi trượt, phụ huynh phải tranh giành, xếp hàng xuyên đêm để nộp hồ sơ cho con vào các trường tư. Nhiều trường hợp dù đủ hoặc thừa so với điểm chuẩn nhưng vì “chậm chân” nên phải ra về trong tiếc nuối và bức xúc. Sau đó, không ít gia đình buộc phải gửi con về quê học, hoặc chấp nhận cho con học những trường tư khác quận, cách rất xa nhà.
Rút kinh nghiệm từ năm ngoái, năm nay nhiều phụ huynh sớm tìm hiểu thông tin về các trường tư. Anh Quang, nhà ở quận Cầu Giấy có con trai đang học lớp 9. Trong kỳ thi giữa kỳ, môn Toán và Văn của con trai anh được 9 nhưng điểm Anh thì chỉ được 5, khá lệch so với 2 môn còn lại.
Chưa rõ phương án thi lớp 10 năm nay của Hà Nội là bao nhiêu môn nhưng anh Quang lo rằng, với lực học lệch hiện tại, con anh khó lòng thi đỗ vào các trường công lập ở quận Cầu Giấy.
“Các trường THPT Cầu Giấy, THPT Yên Hòa,… đều lấy điểm chuẩn cao, từ 40, 41 điểm trở lên. Từ giờ đến lúc thi, kể cả con tôi có bứt khá về thành tích học, đẩy được điểm số môn Anh lên thì bên cạnh phần trăm đỗ vẫn sẽ có cả phần trăm trượt.
Vậy nên tôi cần có phương án dự phòng từ trước, nếu không đỗ cái này thì còn có cái kia. Hiện tại, tôi đang cân nhắc một số trường tư và sẽ theo dõi sát sao thông tin tuyển sinh bằng học bạ của họ trong năm tới để nộp hồ sơ sớm”, anh Quang cho biết.
Giống như anh Quang, chị Nga, quận Hai Bà Trưng cũng tính phương án trường tư cho con từ sớm. Theo tính toán của chị Nga, quận Hai Bà Trưng hiện có 3 trường THPT công lập gồm THPT Thăng Long, THPT Trần Nhân Tông và THPT Đoàn Kết – Hai Bà Trưng. Điểm chuẩn năm 2023 của 3 trường này lần lượt là 41, 39.75 và 40.
“Với lực học hiện tại của con mình thì không có “cửa” vào các trường này”, chị Nga chia sẻ. Bà mẹ này xác định vẫn sẽ cho con thi trường công lập để thử sức, tuy nhiên phải tìm sẵn trường tư để phòng khả năng trượt. Hiện tại, chị Nga đã “ngắm” được 2 ngôi trường tư gần nhà, học phí tầm 4 triệu/tháng, phù hợp với khả năng chi trả của gia đình. Giống như anh Quang, điều chị Nga chờ hiện tại là thông tin tuyển sinh năm tới của 2 ngôi trường này.
Năm 2023, 104 trường THPT tư thục và công lập tự chủ tài chính ở Hà Nội tuyển sinh lớp 10 thông qua 2 hình thức là sử dụng kết quả kỳ thi vào lớp 10 công lập và xét tuyển học bạ cấp THCS.
2 trường không áp dụng phương án xét tuyển bằng học bạ mà chỉ sử dụng kết quả thi vào lớp 10 công lập do Sở GD-ĐT Hà Nội tổ chức. Đó là Trường THPT Khoa học giáo dục (Trường ĐH Giáo dục, ĐH Quốc gia Hà Nội) và Trường THCS – THPT Nguyễn Tất Thành (Trường ĐH Sư phạm Hà Nội).
Còn lại 102 trường xây dựng phương án tuyển sinh căn cứ học bạ (kết quả rèn luyện, học tập của học sinh ở cấp THCS); trong đó khoảng 40 trường xét tuyển bằng cả hai phương án là sử dụng kết quả thi lớp 10 công lập không chuyên và học bạ.