Mỗi khi nhắc tới Tây Nguyên, du khách thường nhớ ngay đến những địa điểm hồ T’Nưng, thác Phú Cường, chùa Minh Thành, hồ Thủy Điện Yaly…Tuy nhiên, ít ai nhớ rằng, trên bản đồ du lịch địa phương này vẫn còn một “ngôi sao sáng” mang tên núi lửa Chư Đăng Ya. Dù đã được một bộ phận du khách biết tới và ghé thăm, song địa điểm này vẫn chưa thực sự nổi tiếng rộng rãi.
Ẩn mình giữa màu xanh của đại ngàn, Chư Đăng Ya là một ngọn núi lửa đã ngưng hoạt động từ hàng triệu năm trước, thuộc địa phận xã Chư Đăng Ya, huyện Chư Păh. Ngọn núi này cách trung tâm thành phố Pleiku (tỉnh Gia Lai) khoảng 50km về hướng đông bắc, cách điểm du lịch biển hồ 20km.
Có nhiều đường để di chuyển đến đây nhưng thuận tiện và dễ dàng nhất là đi theo hướng đường Phạm Văn Đồng đi Chư Pah rẽ vào đường Lê Văn Sỹ đến Biển Hồ chè. Từ Biển Hồ chè, gần chùa Bửu Minh, du khách chạy lên một đoạn và nhìn sang phía tay trái sẽ có bản hướng dẫn đường vào núi lửa Chư Đăng Ya. Đi theo bản đồ hướng dẫn này sẽ tới được điểm đích. Theo chỉ dẫn của bản đồ trực tuyến trên thiết bị điện tử, tổng thời gian di chuyển sẽ khoảng hơn 1 giờ đồng hồ.
Đường đi từ trung tâm thành phố Gia Lai đến núi (Ảnh chụp màn hình bản đồ)
Có gì ở núi lửa đã ngưng hoạt động Chư Đăng Ya?
Nhiều du khách nhận xét, bất kỳ ai lần đầu đặt chân đến Chư Đăng Ya, chắc chắn sẽ bị vẻ đẹp của ngọn núi này thu hút và muốn chinh phục nó ngay lập tức. Đây đã từng là ngọn núi lửa phun trào dữ dội và có lịch sử tồn tại lâu đời nhất tại Gia Lai. Núi mang hình dạng lòng chảo sâu, hiện lên như một chiếc bát úp ngược khổng lồ giữa núi rừng và mây gió Tây Nguyên.
Trải qua hàng triệu năm, dấu tích của lớp dung nham ngày nào đã để lại cho Pleiku một vùng đất đỏ bazan trù phú. Sở hữu thổ nhưỡng giàu khoáng chất, người dân địa phương đã tận dụng mảnh đất này để trồng nhiều loại cây lương thực, hoa màu. Xung quanh khu vực núi lửa là sắc xanh bạt ngàn của những rừng cây, thảm cỏ. Bên cạnh đó, khung cảnh còn được tô điểm thêm bởi nhiều màu sắc của nhiều loài hoa.
Sắc xanh ngập tràn trên đỉnh núi Chư Đăng Ya (Ảnh: Victor Trương)
Để ngắm trọn vẻ đẹp của núi lửa Chư Đăng Ya, du khách phải mất khoảng 20 phút để leo lên vành miệng núi lửa. Từ đây có thể thỏa sức ngắm trọn toàn cảnh phố núi Gia Lai, một vùng trời bình dị hoang sơ đầy nắng gió, tuy mộc mạc nhưng lại hùng vĩ và mang sức quyến rũ lạ kỳ.
Nên đến Chư Đăng Ya vào mùa nào trong năm?
Đường đi lên núi lửa Chư Đăng Ya vào mùa mưa rất khó khăn, nên thời điểm thích hợp nhất để đến Gia Lai và thăm núi là khoảng từ tháng 10 đến tháng 3 năm sau. Tháng 10 cũng là lúc hoa dã quỳ nở, Chư Đăng Ya sẽ khoác lên mình chiếc áo vàng rực màu hoa của loài hoa dại của núi rừng Tây Nguyên.
Mùa hoa dã quỳ cũng là thời điểm Chư Đăng Ya thu hút nhiều khách du lịch nhất. Khi màu vàng của những thửa ruộng bậc thang Tây Bắc dần phai, trên khắp các diễn đàn, hội nhóm du lịch lại ngập tràn sắc vàng hoa dã quỳ Chư Đăng Ya.
Màu vàng dã quỳ trải dài trên khắp triền núi như bước ra từ phim hoạt hình (Ảnh: Zoom Travel)
Nhằm khai thác tiềm năng du lịch vào mùa dã quỳ nở, từ năm 2017, chính quyền địa phương đã tổ chức Lễ hội hoa dã quỳ với nhiều hoạt động hấp dẫn như: Leo núi, lượn dù, tham quan trải nghiệm cuộc sống thường ngày của người dân bản địa, thưởng thức đặc sản địa phương và tham gia các hoạt động văn hoá – nghệ thuật đậm chất Tây Nguyên… Đây đã trở thành hoạt động đáng mong chờ nhất năm của khách du lịch và người dân phố núi.
Mùa hoa dã quỳ Chư Đăng Ya thu hút khách du lịch ở đủ độ tuổi đến check in (Ảnh: Quỳnh Mai, Love Yooly)
Năm 2018, tạp chí Daily Mail – Anh đã bình chọn Chư Đăng Ya là một trong 10 ngọn núi lửa đẹp nhất hành tinh. Từ một vùng đất hoang sơ, chỉ có núi rừng cùng những mái nhà rông của đồng bào J’rai, làng la Gri đã bừng lên sức sống mới nhờ phát triển du lịch. Để khai thác tiềm năng du lịch cộng đồng tại địa phương gắn liền với danh thắng núi lửa Chư Đăng Ya, chính quyền tỉnh Gia Lai đã xây dựng dự án “Làng du lịch J’rai nguyên tắc khép kín” nhằm bảo tồn, phát huy các giá trị văn hoá của đồng bào J’rai gắn liền với phát triển du lịch.
Các em bé dân tộc bản địa nô đùa ở lễ hội hoa (Ảnh: Love Yooly)
Du khách đến đây có thể lựa chọn ở lại nhà dân nhiều ngày để trải nghiệm, tìm hiểu, hoà mình cùng các phong tục tập quán của đồng bào, qua đó cảm nhận rõ nét về bản sắc văn hoá của đồng bào J’rai. Với sự hỗ trợ của chính quyền, người dân địa phương hiện nay đã đón tiếp, hướng dẫn khách tham quan rất chỉn chu, chuyên nghiệp.
Du khách, ngoài việc khám phá núi lửa Chư Đăng Ya, sẽ được lắng nghe những câu chuyện truyền thuyết của dân tộc J’rai, ăn những món ăn truyền thống hoặc trải nghiệm cảm giác dệt thổ cẩm, đan lát hoặc hoà mình vào tiếng cồng chiêng khoẻ khoắn. Khách du lịch ưa mạo hiểm còn có thể được trải nghiệm cảm giác mạnh khi bay dù lượn trên núi lửa Chư Đăng Ya.
Núi lửa Chư Đăng Ya trong mùa hoa dã quỳ (Ảnh: Mia.vn)
“Tôi vẫn thường xuyên leo lên đỉnh núi Chư Đăng Ya như một cách để rèn luyện bản thân về sự kiên trì và phóng mắt nhìn ngắm quê hương mình. Thế nhưng, cứ vào mỗi mùa hoa dã quỳ nở, được leo lên đỉnh núi này giữa bạt ngàn màu hoa luôn khiến tôi cảm thấy tuyệt vời. Tôi cảm giác như mình đang dạo bước trên một tấm thảm vàng rực, mềm mại và thơm tho giữa một bữa tiệc hoa đầy thơ mộng và hấp dẫn”, chị Trần Thị Giang (TP.Pleiku, Gia Lai) chia sẻ trên báo Công An TP. Hồ Chí Minh sau khi trở về từ một chuyến leo núi Chư Đăng Ya vào mùa dã quỳ nở.
Tới với mảnh đất Tây Nguyên, bên cạnh khám phá, chinh phục ngọn núi lửa “đã ngủ yên” Chư Đăng Ya, tháng 11 tới, du khách còn có thể ghé thăm loạt địa điểm khác đang vào mùa lý tưởng. Có thể kể tới hồ T’Nưng – “đôi mắt” Pleiku biển hồ đầy, đỉnh Hàm Rồng, cổng trời Mang Yang hay những rừng cà phê, cao su bạt ngàn của người dân bản địa. Còn vào chuyến đi đầu năm, vào tháng 3, du khách sẽ được chìm đắm trong màu trắng muối tinh khôi của hoa cà phê Tây Nguyên.