Trương Gia Minh là một người phụ nữ trung niên, sống ở Quảng Tây, Trung Quốc. Cô là con gái cả trong một gia đình bình thường, lấy chồng từ năm 25 tuổi. Hai nhà đều là người cùng làng, biết rõ gốc gác của nhau. Khi đó, cô Trương là giáo viên tư thục, được coi là có công việc ổn định và nhàn nhã, là hình mẫu con dâu được rất nhiều gia đình ưng ý.
Mẹ chồng của cô Trương là một người phụ nữ bản lĩnh, làm chủ gia đình. Từ khi chồng cô mới 3 tuổi, bố chồng đã đột ngột qua đời, mẹ chồng không lựa chọn tái hôn mà một tay vất vả nuôi các con khôn lớn, được đi học hết đại học đàng hoàng, trở thành những cử nhân với tương lai tươi sáng. Ở trong làng, chỉ cần nhắc đến tên bà, mọi người đều có phần vừa nể phục, vừa kiêng dè.
Sở dĩ như vậy vì tính cách của bà quá mạnh mẽ, đôi khi thể hiện thái độ kiêu kỳ, hợm hĩnh khiến người khác phải e dè. Trong nhà, cô Trương không phải dâu cả, cũng không quá nổi bật nên ít khi giành được quyền lên tiếng. Gia cảnh của cô cũng không quá giàu sang, mỗi khi về thăm nhà mẹ đẻ rồi trở lại, chỉ xách theo ít đồ quê có sẵn trong nhà như trứng gà, rau dưa, thịt lợn… Khác hẳn với những con dâu, con rể khác tới từ thành phố lớn, luôn có quà cáp sang trọng, đắt tiền biếu mẹ chồng.
Tuy vậy, cô có một người chồng yêu thương vợ, biết chăm lo gia đình cùng những đứa con ngoan ngoãn, hiểu chuyện nên cuộc sống vẫn trôi qua trong êm đềm.
Năm mẹ chồng cô Trương 63 tuổi đột nhiên bị xuất huyết não do cao huyết áp, được đưa vào bệnh viện hồi sức mấy giờ đồng hồ thì bảo toàn được mạng sống, nhưng bà mất khả năng tự chăm sóc bản thân. Khi đó, cả nhà tổ chức họp gia đình để tìm ra biện pháp xử lý vấn đề. Có người nói công việc bận quá, không có thời gian chăm sóc mẹ già, có người thì bảo nhà cửa chật chội, không tiện để đón bà lên thành phố ở chung.
Dù đã mất khả năng tự chăm sóc bản thân nhưng mẹ chồng cô Trương vẫn giữ sự tỉnh táo. Bà trầm ngâm lắng nghe mọi người thảo luận, hay nói cách khác là đùn đẩy trách nhiệm chăm nuôi, mà chỉ lặng người chứ không nói gì.
Chứng kiến cảnh tượng ấy, cô Trương suy nghĩ một hồi rồi đứng dậy, đưa ra quyết định sẽ nhận việc chăm sóc mẹ. Nhưng cô cũng cho biết, điều kiện gia đình mình có hạn. Các anh chị em vẫn phải chung tay giúp đỡ khi có việc cần. Đặc biệt, thời điểm cần chi trả chi phí y tế, điều trị bệnh, mọi người phải chia đều với nhau. Mọi người lập tức hồ hởi đồng ý.
Sau khi đưa mẹ chồng dọn về nhà, cô Trương và gia đình đã cố gắng hết sức để chăm sóc bà. Đồ ăn, thức uống hay việc nghỉ ngơi bình thường của bà chưa bao giờ bị bạc đãi.
Vì bà bị liệt, nằm trên giường suốt cả ngày, cô Trương sợ mẹ chồng bị teo cơ nên lúc rảnh rỗi lại ngồi mát xa, đấm bóp và lật người cho bà. Thỉnh thoảng, hai vợ chồng cô sẽ cùng nhau đẩy bà ra ngoài đi dạo.
Trong khi đó, những người con sống ở thành phố lại ngày càng bận rộn, hết công việc sự nghiệp của bản thân lại tới việc học hành của con cháu. Do đó, họ cũng hiếm khi trở về thăm bà. Nhiều khi, bà gọi điện mong nhớ các cháu nhưng họ đều hẹn lần hẹn lữa, lấy cớ lần sau. Bà cảm thấy tủi thân, đôi khi giận dỗi không muốn ăn uống.
Chồng cô Trương thấy vậy, chứng kiến vợ cũng rất cực khổ khi chăm mẹ, bèn nói chuyện riêng với bà: “Mẹ ơi, họ có khó khăn của họ, mình có khó khăn của mình. Mẹ thấy đấy, vợ con chăm sóc rất chu đáo cơ mà, các con của con cũng rất thích ở bên mẹ. Mẹ nên vui mừng chứ đừng buồn như vậy.”
Bà cụ cũng hiểu ra, dần dần không còn để tâm tới những chuyện vụn vặt trong nhà nữa mà thư thả tận hưởng cuộc sống của mình. Nhờ được chăm sóc tận tâm, lại thêm tinh thần thoải mái, bà vẫn sống khỏe mà không bị đau ốm dày vò quá nhiều.
Vào năm thứ 12 kể từ khi bị xuất huyết não, một mảnh đất thuộc quyền sở hữu của bà nằm trong diện giải tỏa di dời. Bà được cấp 500.000 NDT tiền đền bù.
Bà cụ muốn để lại số tiền này cho vợ chồng cô Trương, nhưng những đứa con khác của bà phản đối. Họ nói rằng, mấy năm nay họ cũng đóng góp không ít tiền bạc cho chi phí điều trị và chăm nuôi bà. Vì thế, khoản tiền đền bù cũng phải chia đều cho họ.
Mẹ chồng muốn cãi nhau với họ nhưng lúc này, chồng cô Trương đứng ra nói: “Số tiền này không ai được tiêu, cứ giữ lại cho mẹ. Sức khỏe của mẹ không tốt, nếu cần chữa bệnh thì mẹ sẽ dùng đến nó.”
Dưới sự cương quyết của gia đình cô Trương, mọi người không bàn cãi nữa. Giải pháp được thống nhất là làm thẻ ngân hàng cho bà cụ và gửi hết tiền vào. Từ nay, chi phí y tế của bà sẽ được chi trả bằng chiếc thẻ đó.
Cứ thế, bà ở nhà vợ chồng cô Trương khoảng 20 năm, rồi qua đời ở tuổi 83. Mọi người đều tổ chức tang lễ cho bà, riêng cô Trương nhận được cuộc gọi thông báo từ ngân hàng. Phía ngân hàng xác nhận rằng, có người đã cầm các giấy tờ liên quan tới ngân hàng, tự nhận là con cái của bà cụ với mong muốn rút toàn bộ số tiền còn lại trong tài khoản của bà cụ. Do số điện thoại của cô Trương được lựa chọn là người đảm bảo/liên hệ trong trường hợp khẩn cấp nên họ muốn gọi điện để xác nhận.
Cô Trương hẹn ngân hàng mấy ngày sau sẽ tới trụ sở làm việc, rồi lập tức báo tin cho chồng biết. Họ tổ chức họp gia đình thì biết được rằng, vì mẹ đã mất, các anh chị em còn lại muốn phân chia số tiền. Ai cũng muốn nhận phần hơn nên tranh cãi mặt đỏ tía tai.
Chứng kiến cảnh đấy, cô Trương bật cười rồi lấy ra bản di chúc mà mẹ chồng đã lập trước đó đưa cho họ, đọc xong họ chết lặng.
Bà cụ viết trong di chúc: “Tôi có tổng cộng 7 người con, nhưng sau khi tôi lâm bệnh, những đứa trẻ khác đều phớt lờ tôi. Chỉ có vợ chồng thằng Năm ở bên chăm sóc tôi suốt những năm qua. Vì thế, tôi tự nguyện giao 70% tài sản thừa kế cho vợ chồng thằng Năm, cùng số tiền còn dư từ việc đền bù đất trong tài khoản ngân hàng. 30% còn lại sẽ được chia đều cho những đứa con khác.”
Di chúc đã được công chứng và xác nhận đầy đủ nên mọi người không còn cách nào khác. Họ ngậm ngùi ra về và chỉ nhận được những gì tương xứng. Cảnh tượng ấy giống như một bài học nhớ đời dành cho mỗi người trong gia đình.
*Nguồn: Sohu