Ở nơi làm việc, các sếp thường dùng câu “người có năng lực là người chăm chỉ” để thúc đẩy nhân viên. Nhưng thực tế làm càng nhiều thì chỉ càng sớm “đi đời” mà thôi, những câu như thế chỉ để thao túng những người thật thà.
Khi bạn tin vào câu thần chú đó, bạn sẽ bán mạng cho công việc, cho công ty, nhưng đổi lại bạn được gì? Làm việc chăm chỉ một cách mù quáng, cuối cùng cũng chỉ dẫn đến hậu quả mất cân bằng về thể chất lẫn tinh thần. Dần dần bạn sẽ đánh mất ý chí và cảm hứng trong công việc, lạc lối trên con đường tương lai. Rồi đến khi bạn sa sút đến mức không còn làm được việc nữa, thì bạn sẽ bị thay thế.
Để cho bản thân không bị mắc vào cái bẫy “chăm chỉ mù quáng” thì bạn hãy ghi nhớ 3 nguyên tắc sau đây!
1. Chọn các công việc có tính phát triển bản thân
Khi chọn công việc, hãy nghĩ đến các công việc có phúc lợi và tính tích lũy kinh nghiệm, hạn chế làm các công việc lặp đi lặp lại và có khả năng thay thế cao. Các công việc có khả năng thay thế cao, ví dụ như nhân viên giao hàng, thu ngân,… Loại công việc này rất khó học hỏi được nhiều kinh nghiệm, cho dù bạn có làm nhiều đi chăng nữa.
Hãy chọn những công việc có thể giúp bạn cải thiện những kỹ năng của bản thân, học hỏi được thêm nhiều kiến thức bổ ích có liên quan đến định hướng tương lai, những công việc giúp bạn phát triển mỗi ngày. Bởi vì chỉ có không ngừng nâng cấp bản thân, làm được những thứ ít ai có thể làm, thì bạn mới trở nên độc quyền và không thể thay thế, sẽ không dễ dàng bị sa thải. Từ đó, lương thưởng cũng sẽ tăng lên mà không cần tăng thêm giờ làm.
2. Học cách từ chối, nâng cao hiệu suất làm việc
Đừng cố để trở thành một người tốt và rồi đánh mất chính mình, khiến chính mình phải chịu thiệt thòi. Đầu tiên, bạn phải học cách nói “không”, từ chối những lời yêu cầu vượt quá phận sự của bạn. Nhờ đó, thời gian của bạn sẽ không bị người khác cướp mất một cách vô bổ, đi làm những việc không liên quan đến mình, biến mình trở thành “người hầu” của cả công ty.
Tuy nhiên, nếu thật sự bạn đã hết việc để làm, và cũng muốn giúp đỡ đồng nghiệp đôi chút thì cũng không thành vấn đề, miễn là điều đó có ích cho bạn về phương diện nào đó. Chẳng hạn như học hỏi thêm kinh nghiệm, tạo giao tình tốt với đồng nghiệp,…
Vì dù sao thì đều là cùng làm một chỗ, chúng ta cũng không nên khiến mối quan hệ giữa mọi người trở nên quá căng thẳng. Những lời từ chối cũng nên nói ra một cách uyển chuyển hơn thay vì quá trực tiếp như “tạt gáo nước lạnh” vào mặt họ.
3. Báo cáo, đề xuất yêu cầu với sếp, xin hướng dẫn
Nhiều khi bạn rất cố gắng làm việc, hoàn thành xuất sắc công việc được giao, nhưng sếp lại không biết điều đó. Cho nên, bạn cần báo cáo nhiều hơn, xin thêm hướng dẫn và đề xuất yêu cầu của riêng bạn vào đúng thời điểm. Hầu hết các cơ hội đều là nhờ bản thân tự chủ động mà có, đặc biệt là việc tăng lương. Bạn không đề xuất nó, thì hầu như không có ông chủ nào chủ động nhắc về việc tăng lương cả.
Lời nhắc nhở cuối cùng, đó là bạn cần phải có mục tiêu rõ ràng và làm đúng vào trọng tâm đó. Điều này sẽ tránh được tình trạng làm việc một cách lan man, vô định, làm nhiều nhưng không gặt hái được bao nhiêu.
Bởi vì thời gian là có hạn, chúng ta không có nhiều năm tuổi trẻ để phí phạm vào quá nhiều chuyện vô bổ. Thà lười biếng đúng chỗ, còn hơn cố gắng mù quáng. Cũng như câu: “Chọn đúng đường quan trọng hơn làm việc chăm chỉ gấp nhiều lần.”
Thay vì lãng phí thời gian và năng lượng của bạn vào những thứ không đáng, bị người khác dắt mũi. Chi bằng hãy làm những gì thuộc sở trường của mình để tối đa hóa giá trị của bạn.
Đọc đến đây ắt hẳn rằng mọi người cũng đã đúc kết được một số kinh nghiệm hữu ích cho bản thân. Tương lai sẽ có thể thực sự kiếm được tiền, chứ không còn làm nô lệ cho đồng tiền nữa! Đạt đến trình độ, làm một ăn mười bạn ạ!